Gazprom kiện Ba Lan vì Nord Stream 2, Đức lên tiếng về lệnh trừng phạt của Mỹ
RIA đưa tin, tòa án Ba Lan đã nhận được đơn khiếu nại của Gazprom chống lại hành động của Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng và Cạnh tranh Ba Lan (UOKiK) trong một cáo buộc vi phạm luật pháp quốc gia của một công ty Nga.
Mỏ khí đốt mới sẽ không khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng với Nga
Theo tờ Al Jazeera, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn cần nhau trong một số vấn đề từ Syria đến Libya và an ninh ở Biển Đen.
Theo báo cáo của tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga), các kháng cáo đã được gửi đến tòa án có thẩm quyền của Ba Lan vào ngày 24/8.
Gazprom bắt đầu kiện Ba Lan vì Nord Stream 2. (Ảnh: RIA) |
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng và Cạnh tranh Ba Lan, ông Tomasz Khrustny đã phạt gần 213 triệu Zloty Ba Lan (khoảng 50 triệu euro) đối với Gazprom, do thiếu hợp tác trong cuộc điều tra liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2).
UOKiK giải thích rằng họ đang mở một cuộc điều tra về việc tài trợ cho việc xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” mà không có sự đồng ý cần thiết của UOKiK. Năm 2018, UOKiK đã nộp đơn kiện 6 công ty về vấn đề này bao gồm: Gazprom của Nga, Engie Energy từ Thụy Sĩ và Uniper, OMV, Shell và Wintershall từ Hà Lan.
Phía Ba Lan tin rằng, đường ống dẫn khí đốt của “Dòng chảy phương Bắc 2” dành cho xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ củng cố vị thế của Gazprom tại thị trường châu Âu trong khi gã khổng lồ khí đốt Nga vốn đã “thống trị” thị trường này từ lâu. Việc có thêm “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ chính thức đe dọa an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU).
Đức tuyên bố châu Âu không có khả năng “tự vệ trước các lệnh trừng phạt của Mỹ”
Mới đây, hôm 31/8, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết, châu Âu vẫn không được bảo vệ trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm cả dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” và các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
“Đặc biệt, châu Âu vẫn không được bảo vệ trước các lệnh trừng phạt của Mỹ cho dù đó là trong chương trình hạt nhân của Iran hay dự án Nord Stream 2”, ông Maas phát biểu tại Paris trước các đại sứ Pháp tại các nước châu Âu.
Ông Maas nhấn mạnh rằng, các vấn đề về năng lượng, chính sách đối ngoại và thương mại của châu Âu cần được xác định ở châu Âu.
“Đối với điều này, cũng cần phải tăng cường đồng euro như một đồng tiền cơ bản với kết nối các kênh thanh toán như công cụ INSTEX. Và cuối cùng cần phải suy nghĩ về việc thành lập một ngân hàng chung châu Âu, nơi giao dịch sẽ được tính bằng đồng euro”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết.
Trước đó, hôm 31/1/2019 tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ở tại Bucarest, Rumani, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cùng các đồng nhiệm Anh Jeremy Hunt và Pháp Jean-Yves Le Drian đã chính thức thông báo việc thành lập một kênh thanh toán các giao dịch của châu Âu (gọi là Công cụ INSTEX về hỗ trợ hoạt động trao đổi thương mại) nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương với Iran và tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Ý tưởng thành lập cơ chế mới này do Đức, Pháp và Anh (3 nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015) đưa ra nhằm bảo vệ các doanh nghiệp hợp tác với Iran cũng như duy trì trao đổi thương mại giữa hai bên.
Thanh Bình (lược dịch)