Gan ruột 'chui' lên ngực, trẻ có thể chết ngay sau ít phút chào đời
Rất nhiều trường hợp thoát vị hoành có suy hô hấp rất nặng và tử vong sớm sau sinh mà không chẩn đoán được nguyên nhân…
Ngày 6/1, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận một trẻ sơ sinh B.M.N, 17 ngày tuổi, cân nặng 3kg, địa chỉ tại TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh vào viện trong tình trạng suy hô hấp; SP02: 92%, thở nhanh, co rút lồng ngực.
Trẻ lập tức được chuyển nhập viện tại khoa Sơ sinh thở Oxy cấp cứu cùng các biện pháp hồi sức đồng bộ. Sau hội chẩn các bác sỹ đã thống nhất phẫu thuật điều trị kịp thời cho bệnh nhi. Trực tiếp tiến hành ca phẫu BS Bùi Hải Nam,Trưởng khoa Ngoại–Chuyên khoa đã dùng tới 3 kênh dụng cụ kích thước 5mm. Ca mổ nội soi diễn ra trong 60 phút đã chuyển toàn bộ gan và ruột nằm trên lồng ngực phải về vị trí bình thường tại ổ bụng, tái tạo lại toàn bộ cơ hoành phải.
Các bác sĩ BV Sản nhi Quảng Ninh tiến hành phẫu thuật cho bé |
Các bác sĩ cho biết, đến thời điểm này sau ca phẫu thuật thành công sức khoẻ của trẻ đã ổn định, tỉnh táo, tự bú mẹ và được chăm sóc, theo dõi tại Khoa Ngoại và Chuyên khoa bệnh viện.
Thoát vị hoành bẩm sinh là bệnh lý khá hiếm gặp ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ 1/2500 trẻ sinh sống. Đặc biệt, thể bệnh thoát vị cơ hoành phải lại càng hiếm gặp hơn với tỉ lệ chỉ chiếm 1/10 trong số các trường hợp bị thoát vị hoành sơ sinh.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thoát vị hoành là bệnh bẩm sinh nặng, tuy nhiên, rất khó để có thể xác định được tỉ lệ chính xác vì rất nhiều trường hợp thoát vị hoành có suy hô hấp rất nặng và tử vong sớm sau sinh mà không chẩn đoán được nguyên nhân.
Nguyên nhân gây ra thoát vị hoành hiện vẫn chưa rõ. Bệnh có thể gặp với dạng là dị tật duy nhất nhưng cũng có nhiều trường hợp còn có phối hợp với dị tật ở cơ quan khác như tim, não, thận…
Dù là bệnh lý hiếm nhưng bé B.M.N, không phải trường hợp đầu tiên mắc phải. Trước đó, vào tháng 10 năm 2021, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng cứu sống bé trai sơ sinh bị thoát vị hoành bẩm sinh phức tạp.
Hình ảnh toàn bộ gan và ruột nằm trên lồng ngực phải bệnh nhi trên phim |
Theo đó toàn bộ dạ dày và lá lách của trẻ nằm trên lồng ngực, chèn ép vào phổi khiến phổi trái của bé gần như không có, phổi phải kém phát triển hơn bình thường, tim và mạch máu lớn bị đẩy lệch sang bên phải.
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thoát vị hoành bẩm sinh bên trái, thiểu sản phổi nặng, kèm tăng áp lực động mạch phổi rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Rất may nhờ kỹ thuật ECMO, các bác sĩ BV Nhi Trung ương đã cứu sống trẻ.
TS.BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thoát vị hoành bẩm sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết cơ hoành bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái cơ hoành.
Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày và ruột non, lách.
Trung bình mỗi năm khoa Điều trị tích cực ngoại khoa tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân mắc bệnh lý thoát vị hoành bẩm sinh và tỷ lệ cứu sống khoảng 70%.
Số bệnh nhân tử vong thường do trẻ đẻ quá non, có cân nặng thấp, các dị tật bẩm sinh khác kèm theo (dị tật tim, tiêu hoá, chi, cột sống,….) hoặc trẻ có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi rất nặng, không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường (thở máy, thở máy tần số cao, các thuốc, khí giãn mạch phổi, thuốc hỗ trợ tim mạch).
TS.BS Đặng Ánh Dương khuyến cáo, việc phát hiện thoát vị cơ hoành ở thời điểm trước sinh là rất quan trọng, liên quan đến vấn đề tiên lượng, chủ động hỗ trợ sự sống cho trẻ ngay sau sinh.
Do đó, khi mang thai, cha mẹ nên đến thăm khám định kỳ tại các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa sản uy tín, để phát hiện kịp thời các dị tật của thai nhi và được bác sĩ tư vấn để có thai kỳ khỏe mạnh. Nếu trẻ không may bị mắc dị tật thoát vị hoành bẩm sinh, các bác sĩ có thể chuẩn bị kế hoạch chăm sóc và cứu sống trẻ ngay sau sinh.
N. Huyền