Khi xin vào biên chế ở một trung tâm giáo dục thường xuyên, câu hỏi đầu tiên em gái tôi được nghe là: “Em từ phòng giáo dục gửi xuống hay sao?".
LỜI TÒA SOẠN
Giải trình cuối phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng ngày 1/11, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên và tiếp tục gia tăng không ngừng. Nguyên nhân một phần là do số trẻ đi học tăng lên nên yêu cầu về giáo viên cũng tăng.
Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng. Tính đến tháng 9, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện nay các tỉnh vẫn còn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. Lý do là có nơi dành để trừ vào 10% cắt giảm, nếu cần có sẵn để trừ nhưng cũng có những nơi không có nguồn để tuyển.
Tuy nhiên Nơi thiếu, nơi không xin được việc, nghỉ việc là thực tế đang diễn ra tại các địa phương. VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả chia sẻ của một người nhiều năm công tác trong ngành giáo dục.
Là một người đang công tác trong ngành giáo dục, bản thân tôi đã chứng kiến vô số lần từ bỏ bục giảng của các bạn bè, đồng nghiệp.
Đồng nghiệp của tôi đa phần chọn rời đi vì mức lương thấp, áp lực công việc nặng nề và vô vàn những lý do không tiện giãi bày khác. Hệ quả của điều này là việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực giảng dạy cho ngành giáo dục.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù số lượng giáo viên thiếu đến mức báo động nhưng số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tìm được việc làm cũng không hề ít. Nghịch lý này gây nên tổn thất, lãng phí công sức đào tạo của trường, ngân sách Nhà nước cũng như thời gian và tiền bạc của mỗi gia đình.
Em họ của tôi là một ví dụ điển hình. Em tôi tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn của Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM vào cuối năm 2020. Cho đến nay, ba năm sau khi tốt nghiệp đại học, em vẫn không thi đậu vào biên chế của bất kỳ trường THCS hoặc THPT nào. Em đành phải ngậm ngùi xin dạy thỉnh giảng ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), các trường trung cấp, cao đẳng, thậm chí là một số trường tư.
Công việc thỉnh giảng rất bấp bênh, không có chế độ bảo hiểm xã hội, thậm chí sẵn sàng kết thúc hợp đồng trước thời gian quy định. Cụ thể năm học 2022-2023, em tôi giảng dạy môn Văn tại một trung tâm GDTX và được ký hợp đồng suốt niên học 2022-2023.
Tuy nhiên, khi học kỳ 1 kết thúc, em chỉ nhận được một tin nhắn vỏn vẹn của nhà trường báo rằng học kỳ 2 không có nhu cầu cộng tác rồi dừng việc giảng dạy của em. Dẫu bức xúc nhưng em cũng chỉ đành ngậm ngùi đi tìm công việc khác dù học kỳ 2 đã bắt đầu, nhu cầu tuyển dụng của các trường cũng không còn.
Mùa hè vừa rồi, tôi có thời gian đồng hành cùng em đi “rải” đơn xin việc và liên hệ trực tiếp ở một số đơn vị trường học, bản thân lại càng chua xót. Một số trường dù đã phỏng vấn và báo kết quả đậu cho em gái tôi, nhưng chỉ vài ngày sau đó, đột ngột báo tin đã tìm được ứng viên phù hợp hơn. Thậm chí, khi xin việc biên chế ở một trung tâm GDTX, câu hỏi đầu tiên em được nghe là: “Em từ phòng giáo dục gửi xuống hay sao? Em có quen ai không mà xin vào đây giảng dạy?”.
Dường như có một quy luật “bất thành văn” chuyên đặc cách ưu tiên cho các trường hợp quen biết trong quá trình tuyển dụng nên việc tuyển dụng giáo viên ở các trường khó đảm bảo công bằng. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, những khái niệm “nghề cao quý”, “tuyển dụng vì nhu cầu của nhà trường” không chỉ đơn thuần như trước đây. Cá nhân tôi không đánh đồng tất cả nhưng nhiều năm qua, việc giáo viên phải chịu tốn một khoản chi phí khá lớn mới có thể được đứng trên bục giảng là điều không hiếm.
Ngay cả chuyện thuyên chuyển công tác hiện nay cũng là một vấn đề khá nhạy cảm và tế nhị. Chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được hết được nỗi vất vả và gian nan này. Nếu chỉ thực hiện đơn thuần một đơn theo mẫu hướng dẫn sẽ rất khó đạt được nguyện vọng của bản thân.
Vốn dĩ, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh là một nghề để truyền thụ tri thức, bồi dưỡng nhân cách cho học trò. Tuy nhiên, có những trường hợp ngay cả giáo viên đầy tâm huyết, muốn được đứng trên bục giảng nhưng phải trải qua quá nhiều chuyện, sự yêu nghề cũng như nhiệt tâm với công việc khó còn vẹn nguyên như xưa.
Thậm chí, nhìn ở khía cạnh tiêu cực, việc phải bỏ ra một số tiền để “bôi trơn” để vào trường công tác, giáo viên sẽ có xu hướng ép học sinh đi học thêm nhiều hơn, nhằm “bù lỗ” cho khoản tiền đã bỏ ra. Rõ ràng, từ thực trạng khó khăn ở quá trình tuyển dụng đã nảy sinh ra thêm hiện tượng tiêu cực về sau trong giáo dục.
Bên cạnh đó, một số chính sách đổi thay liên tục trong ngành giáo dục càng khiến giáo viên chúng tôi cảm thấy bối rối và lo âu. Điển hình việc có rất nhiều thầy cô tốt nghiệp sư phạm, tham gia giảng dạy hàng chục năm nay ở các môn Lịch sử; Địa lý; Hóa học; Sinh học; Vật lý, khi thực hiện chương trình giáo dục 2018, phải bỏ tiền túi ra tham gia học chứng chỉ từ 20-36 tín chỉ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy 2 môn học tích hợp mới là Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên.
Mặc dù, có những trường hợp giáo viên được ngân sách địa phương chi trả học phí nhưng quá trình đi học vẫn chiếm vô số thời gian, công sức, đó là chưa kể đến các chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, Chức danh nghề nghiệp… trong suốt nhiều năm qua đã khiến nhiều giáo viên mỏi mệt.
Vốn dĩ, đồng lương của giáo viên đã thấp lại kèm thêm vô số áp lực công việc, khiến bất kỳ ai, kể cả người đã nhiều năm gắn bó lẫn giáo viên mới vào nghề đều cảm thấy e ngại. Mặc dù trong thực tế khi tham gia giảng dạy, vẫn sẽ có những học sinh phổ thông yêu thích và mong muốn theo đuổi ngành sư phạm. Tuy nhiên, vì nhiều rào cản và trở ngại trong quá trình ra trường tham gia giảng dạy nên sự thờ ơ của học sinh đối với nghề giáo cũng ngày một lớn dần.
Đó là chưa kể đến tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng diễn ra ở nhiều địa phương. Chính vì thế, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường nhiều nhưng trường học vẫn thiếu giáo viên. Đây là thực tế tồn tại như một hồi chuông cảnh báo, cần được thay đổi của ngành giáo dục.
Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn.
Những ngày đầu học tại ngôi trường mới, Đăng gặp khó khăn vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thể theo kịp các bài học trên lớp. Tự động viên và đặt ra mục tiêu để cố gắng, Đăng dần cải thiện thành tích, bứt phá và lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge.
Bằng tâm huyết và trách nhiệm, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) đã giúp nhiều trẻ vị thành niên ngỗ ngược, lầm lỡ thay đổi nhận thức, sống hướng thiện.
Trong khuôn khổ CSR Day lần thứ 2, Ban tổ chức đã trao tặng 230 xe lăn cho người khuyết tật và 630 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Khi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.
Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm. Việc này cũng cần được áp dụng cho tất cả các trường học trên toàn quốc.
Với ứng dụng thông minh cảnh báo tình huống nguy hiểm ở trẻ em và phụ nữ, đội thi Supernova từ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng đã giành giải nhất cuộc thi Solve for Tomorrow 2024.
"Trong trường học đâu chỉ có nhà giáo, chúng tôi - nhân viên văn thư, kế toán... cũng cống hiến, có khi một lúc phải kiêm vài nhiệm vụ, lương bèo bọt, không phụ cấp, nhưng lại bị 'quên' trong đề xuất miễn học phí của Bộ GD-ĐT", một độc giả bày tỏ.