Em gái muốn xin tinh trùng của anh rể
Em ấy có ý muốn xin tinh trùng của chồng em. Mong muốn của em ấy là muốn sinh ra một em bé gần gũi huyết thống với gia đình em.
Chào chị Hạnh Dung,
Em có một cô em gái độc thân rất giỏi giang. Hai chị em rất thương nhau. Lớn lên, em gái em chọn sống độc thân vì không thích hôn nhân. Ba mẹ em phản đối và suốt ngày hối em gái lấy chồng, nhưng em thì ủng hộ. Vậy nên cho đến tận bây giờ, em vẫn là người ruột thịt thân thiết nhất, đồng thời cũng là người bạn gần gũi nhất với em ấy.
Năm nay em gái em tròn 30 tuổi, đúng độ tuổi mà em ấy dự định có con sau khi đã chuẩn bị các nguồn lực. Theo kế hoạch, em ấy sẽ làm thụ tinh nhân tạo. Thế nhưng, khi ngày đó gần đến thì em ấy lại hoang mang về “gen di truyền” từ một người cha nào đó trong ngân hàng tinh trùng.
Sau khi tâm sự với nhau, em ấy có ý muốn xin tinh trùng của chồng em. Mong muốn của em ấy là muốn sinh ra một em bé gần gũi huyết thống với gia đình em. Để sau này các cháu yêu thương và nâng đỡ nhau như những anh chị em ruột, giống chị em em bây giờ.
Thế nhưng, thực sự em vẫn thấy ngại. Nếu nói em “ghen” hay lo lắng về sự chung thủy của chồng thì không phải, nhưng vẫn có cảm giác lấn cấn rất nặng nề. Liệu có phải em ích kỷ?
Phương Hằng (TP.HCM)
Ảnh minh họa |
Chào Phương Hằng,
Hạnh Dung nghĩ, ở một tâm lý thông thường, có lẽ người phụ nữ nào cũng lấn cấn trước lời đề nghị này. Vậy nên, bạn hãy chấp nhận cảm giác của mình và đừng trách bản thân.
Về câu chuyện của em gái bạn, nếu phân tích ở góc độ đạo lý hay cảm xúc, rất khó để nói cho hết ý. Nhưng chắc chắn cả bạn và em gái đều chỉ mong mọi thứ suôn sẻ, tốt đẹp. Vậy, hãy phân tích các giả thuyết để xác định những viễn cảnh có thể thấy, trước khi quyết định, bạn nhé.
Em gái bạn muốn xin tinh trùng anh rể để sinh đứa con có huyết thống gần gũi với con của bạn, để các cháu yêu thương nhau như chị em ruột thực sự, giống như cách hai bạn đang gắn bó. Vậy, ta hãy đặt câu hỏi: Sự gắn bó và thân thiết giữa hai con người có nhất thiết phải đến từ việc có cùng huyết thống hay không?
Thực tế, hầu hết mọi người đều thân thiết và gắn bó với những người bạn họ gặp gỡ sau này, khi đi học, đi làm. Ngược lại, rất nhiều anh chị em ruột nhưng không thân, không tâm sự được với nhau. Và có một thực tế khác nữa, là tình yêu thương giữa những đứa trẻ phụ thuộc một phần vào cách giáo dục, cách tổ chức sinh hoạt gia đình của người lớn.
Phân tích như thế, Hạnh Dung mong bạn hiểu, việc chủ động chọn lọc gen di truyền để tạo ra một đứa trẻ gần gũi, thân thiết với gia đình… có thể là một điều vô ích. Gen di truyền không quy định sự gắn bó. Cả bạn và em gái của bạn cần nhìn nhận thật rõ thực tế này để tránh kỳ vọng vào những nỗ lực không cần thiết.
Đó là chưa kể, nếu ta quá kỳ vọng vào sự thân thiết của các con, thì vô tình ta đã sinh ra chúng với một kỳ vọng ích kỷ của người lớn…
Quay lại vấn đề xin tinh trùng. Chuyện này liên quan đến quyền quyết định của chồng bạn. Dù tâm nguyện của em gái bạn là hoàn toàn trong sáng, thì đây vẫn là một việc nhạy cảm. Chắc chắn chồng bạn cũng sẽ bước qua một rào cản tâm lý để tiếp nhận chuyện này một cách trong sáng nhất, rồi mới đưa ra quyết định.
Sự trong sáng đó lại đòi hỏi quá nhiều sự tỉnh táo, bản lĩnh, mà không phải ai cũng có được. Và dù anh ấy đồng ý hay không, thì sự khó xử đó cũng đã gieo xuống, gây thử thách cho mối quan hệ giữa anh rể và em vợ.
Chính vì vậy, bạn cần bàn bạc với em gái thật thấu đáo trước khi đề nghị với chồng. Vấn đề cần bàn chính là mục đích của sự nhờ cậy đó. Như Hạnh Dung phân tích bên trên, với mục đích đó thì không nhất thiết phải xin tinh trùng của anh rể.
Tình yêu thương hoàn toàn có thể nảy mầm từ chính yêu thương, gắn bó, chứ không nhất thiết phải đến từ “gen” hay huyết thống.
Mong bạn sáng suốt.
HẠNH DUNG
Lần đầu gặp anh rể tương lai tôi sốc đến độ đánh rơi cả túi xách trên tay
Giận anh ta bao nhiêu thì tôi lại càng thương chị gái mình bấy nhiêu.
Theo www.phunuonline.com.vn