Đường ngập sâu, sạt lở nặng, giao thông ách tắc sau mưa lớn ở Hà Tĩnh
Trong khoảng thời gian 10 ngày qua, địa bàn Hà Tĩnh đã 2 lần xảy ra mưa lớn khiến đất đá sạt lở, đường sá ngập lụt, giao thông bị chia cắt cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Hàng ngàn khối đất đá bị sạt lở
Khoảng 2.000 m3 đất, đá từ trên vách núi cao sạt lở, tràn xuống phủ kín mặt đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng, với chiều dài khoảng 150m, khiến giao thông bị tê liệt nhiều ngày |
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 15 đến 18/10, khu vực núi Bục (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Khoảng 2.000 m3 đất, đá từ trên vách núi cao sạt lở, tràn xuống phủ kín mặt đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng (ĐT547 - PV) với chiều dài khoảng 150m, khiến giao thông bị tê liệt.
Mưa lớn cũng gây sạt lở mái ta luy dương tuyến tỉnh lộ 551 tại địa phận xã Kỳ Trung giáp xã Kỳ Phong; đường quốc phòng ven biển đoạn qua xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), khiến hàng trăm m3 đất đá trên vách núi cao bị sạt lở xuống đường. Các phương tiện không thể qua lại, giao thông bị ách tắc.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã nhanh chóng lập rào chắn, đặt biển thông báo và cắt cử người trực hướng dẫn giao thông, cấm người qua lại.
Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã lập rào chắn, đặt biển thông báo cấm người qua lại |
Trưa 19/10, lực lượng chức năng đã di dời được một phần sạt lở tại tỉnh lộ 551, giúp các phương tiện tạm thời di chuyển. Riêng đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng, đoạn giáp ranh giữa xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) với xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) và đường quốc phòng ven biển vẫn còn dấu hiệu sạt lở nên chưa thể khắc phục khiến giao thông vẫn đang bị ách tắc.
Đến chiều 21/10, sau khi mưa tạnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tiến hành khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Để xử lý sạt lở, lực lượng chức năng đã tập trung phương tiện, nhân lực di chuyển lên đỉnh mái ta luy dương để xúc gạt số đất đá có thể rơi xuống. Đến khi an toàn thì mới tiến hành hốt dọn đất đá phía dưới chân ta luy rồi vận chuyển ra ngoài.
Sau hơn 1 ngày tích cực thu dọn, đến chiều 22/10, đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng đã thông tuyến tạm thời một làn đường |
Sau hơn 1 ngày tích cực thu dọn, đến chiều 22/10, ngành chức năng đã thu dọn được đất đá ở một làn đường, thông tuyến tạm thời qua khu vực này. Tuy nhiên, tuyến đường ven biển vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường bởi các tảng đá lớn có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Nhiều tuyến đường bị ngập sâu
Gần đây, không khí lạnh tiếp tục tăng cường nên từ ngày 27 - 28/10, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt dự báo phổ biến ở mức 150 - 300mm, riêng vùng đồng bằng ven biển phía Nam có nơi trên 350mm, khiến nhiều tuyến đường và một số nhà dân ở huyện Kỳ Anh bị ngập sâu.
Mưa lớn suốt nhiều giờ khiến tuyến đường trục liên xã Kỳ Đồng - Kỳ Khang bị chia cắt hoàn toàn. Đường trục chính xã Kỳ Khang cũng bị ngập băng nước khiến 756 học sinh Trường tiểu học Kỳ Khang I không thể đến trường.
Mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường tại xã Kỳ Khang. |
Tuyến đường từ xã Kỳ Bắc đi xã Kỳ Xuân cũng bị ngập cục bộ. |
Tại xã Kỳ Tiến, mưa lớn đã làm ngập 75 nhà dân và 12 trang trại chăn nuôi với độ sâu gần 1m. Do nước đã ngập vào nhà và đề phòng tiếp tục dâng cao, nhiều hộ dân tại xã Kỳ Tiến đã chủ động kê cao tài sản, đưa các cháu nhỏ, vật nuôi đi gửi ở những nơi an toàn.
Có 75 ngôi nhà và 12 trang trại chăn nuôi tại xã Kỳ Tiến bị ngập. |
Đặc biệt, Quốc lộ 1A đoạn qua xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) bị ngập sâu đến 60cm, với chiều dài khoảng 400m. Lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo, cấm người đi xe máy qua lại vị trí bị ngập, hướng dẫn phương tiện lưu thông theo tuyến đường khác. Với ô tô tải, xe gầm cao thì được phép đi qua nhưng phải đảm bảo an toàn.
Khoảng 400m tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) bị ngập sâu đến 60cm, khiến giao thông gặp nhiều khó khăn. |
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) cũng biến thành sông. |
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Anh yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi, bám sát tình hình diễn biến của thời tiết, chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ. Đặc biệt là tại các vùng trũng thấp để có phương án hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc hoặc sơ tán trong trường hợp cần thiết.
Hà Tĩnh: Triều cường đạt đỉnh sau mưa lớn, hàng trăm ngôi nhà ngập sâu, người dân chèo thuyền để di chuyển
Sau nhiều ngày mưa to, mặc dù hồ Kẻ Gỗ đã ngừng xả tràn nhưng do mực nước triều cường đạt đỉnh khiến nhiều xã ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt.
Trần Hoàn