Đừng sơ cứu nửa vời, đây là cách sơ cứu nạn nhân tốt nhất
Nhiều người khi thấy có nạn nhân bị tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông, nhanh chóng hỗ trợ người bị nạn nhưng quy trình sơ cứu sai dẫn tới làm hại nạn nhân nhiều hơn
Thạc sĩ Trần Văn Oánh - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ có nhiều nạn nhân cấp cứu do tai nạn vào viện trong tình trạng được sơ cứu ban đầu sai, thậm chí khi di chuyển sai dẫn tới những nguy hiểm đáng tiếc cho người bệnh. Thạc sĩ Oánh cho rằng nếu sơ cứu ban đầu đúng thì nạn nhân có cơ hội được cứu sống càng cao, tỷ lệ di chứng cũng ít. Khi sơ cứu cần sơ cứu đúng, không nên sơ cứu bệnh nhân một cách nửa vời.
Khi tai nạn điện giật, tai nạn giao thông… ai cũng nghĩ làm sao đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế cấp cứu nhanh nhất nhưng thực tế thì việc sơ cứu trong những giờ đầu với nạn nhân mới là vấn đề quan trọng.
Thạc sĩ Oánh lấy ví dụ nếu người bệnh ngừng thở ngừng tim trong 3 đến 5 phút chưa sơ cứu để tim đập trở lại thì sau thời gian này người bệnh nếu được cứu sống thì cũng tổn thương não, sống đời thực vật.
Nếu bệnh nhân tổn thương mạch ở chi không được sơ cứu can thiệp sớm, máu nuôi dưỡng ở chi đến chậm sau 6 tiếng thì không cứu được chi, có bệnh nhân phải tháo xương do không sơ cứu ngay từ đầu.
Ảnh minh hoạ. |
Khi gặp nạn nhân bị nạn, thạc sĩ Oánh chia sẻ, người cứu nạn nhân cần nắm rõ 5 nguyên tắc:
Thứ nhất, khi cứu người việc đầu tiên là đảm bảo an toàn cho chính mình và nạn nhân. Nếu bệnh nhân bị điện giật, tai nạn giao thông khi hiện trường chưa an toàn mình vào sơ cứu sẽ nguy hiểm.
Thứ hai, đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Thứ ba, đánh giá tổn thương của nạn nhân xác định ưu tiên cứu.
Thứ tư, đánh giá bệnh nhân nhanh, gọi lực lượng hỗ trợ, những người xung quanh. Gọi 115
Thứ năm, cấp cứu từng bước một như khai thông đường thở, đảm bảo đường thở, tuần hoàn của bệnh nhân, kiểm tra xương khớp của bệnh nhân.
Ở nguyên tắc thứ 5, trong xử trí đường thở, trước hết cần nhận biết nếu bệnh nhân tỉnh, còn tiếp xúc được hay không? Nếu có tắc nghẽn cần thực hiện ngay lập tức các động tác sau:
Nghiêng người ghé sát miệng nạn nhân để xem còn thở hay không. Mở miệng nạn nhân kiểm tra xem có đờm dãi, dị vật hay không?
Móc lấy sạch dị vật đờm dãi. Nếu nạn nhân còn khó thở, cần phải kiểm tra xem có phải do tụt lưỡi để tiến hành kéo lưỡi, nâng cằm, đẩy hàm giữ cho đường thở được thẳng trục.Tiến hành thổi ngạt đường miệng hoặc đường mũi nếu bệnh nhân ngừng thở. Có thể sơ cứu song hành cố định đường sống cổ.
Các biện pháp như nới rộng quần áo, làm sao để nạn nhân có thể trao đổi khí. Nếu bệnh nhân có liên quan tới tình trạng mất máu thì cần cầm máu. Cho nạn nhân nằm tư thế an toàn nằm đầu bằng, kê cao chân. Nạn nhân có tổn thương chi cần lưu ý xem nạn nhân chấn thương bị ngã do tai nạn, ngã từ trên cao xuống…
Khi sơ cứu ban đầu vẫn có các tình huống như trời mưa nạn nhân nhiễm lạnh hay có các hoá chất trên quần áo của nạn nhân. Nếu trời lạnh quá, bị ngã vào vùng có nước cần đảm bảo thân nhiệt cho nạn nhân, tránh nhiễm lạnh.
Thạc sĩ Oánh cho biết thực tế đa số người sơ cứu nạn nhân đều vội vàng, sơ cứu qua loa và vẫy phương tiện tại chỗ chuyển nạn nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân nằm trên hệ thống không chuyên nghiệp sẽ nguy hiểm.
Nếu bệnh nhân gãy xương không biết vận chuyển, một mình bê bệnh nhân lên kiểu “vo viên bệnh nhân” dẫn tới việc vận chuyển sai, tổn hại cho nạn nhân. Cần phối hợp nhiều người cùng hỗ trợ chuyển nạn nhân lên xe, cố gắng duy trì tốt tư thế của nạn nhân tránh trào ngược thức ăn vào phổi gây suy hô hấp có thể khiến nạn nhân tử vong.
Các hộ gia đình có thể chuẩn bị sẵn bộ kít cấp cứu như eugo, băng dính y tế, bông gạc, các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, các thuốc giảm đau dạng xịt để nạn nhân được bảo vệ da, giảm đau, giảm phù nề.
K.Chi