Đừng biến vi khuẩn Whitmore thành vi khuẩn ăn thịt người
Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết ông liên tục nhận được các câu hỏi của phụ huynh về vi khuẩn ăn thịt người mang tên Whitemore. Ông thấy ngạc nhiên khi thông tin đều dọa vi khuẩn ăn thịt người làm mọi người vô cùng lo lắng.
Bác sĩ Khanh cho biết vi khuẩn ăn thịt người trong y khoa có bàn nhưng không phải là cái bệnh mà mạng xã hội đang hoảng, đang bàn. Từ "ăn thịt người " là do vi khuẩn này có tiết ra 2 độc tố gây "thối rữa thịt" nhưng vi khuần này có tên là Aeromonas hydrophila
Còn cái bệnh đang lan tràn trên cõi mạng có tên Whitmore (hay bệnh melioidosis) và do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh này không phải mới có đây mà đã biết từ rất lâu.
Bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính. Vi khuẩn từ từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em.
Bác sĩ Wynn Huynh Tran – bác sĩ Việt hiện đang công tác tại Mỹ cho biết bệnh Whitmore do một loại vi khuẩn tên là Burkholderia pseudomallei, do bác sĩ Afred Whitmore mô tả năm 1912 tại Miến Điện, từ đó lấy tên Whitmore.
Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất bùn, nhiều nhất vùng nhiệt đới châu Á. Bác sĩ Wynn cảnh báo vi khuẩn Burkholderia pseudomallei không phải là vi khuẩn ăn thịt người. Bất cứ vi khuẩn hay bất kỳ nhiễm trùng nào đều có thể làm hoại tử và dẫn đến "ăn thịt người".
Trong Y khoa, có con vi khuẩn nổi tiếng hơn vì tốc độ hoại tử ăn thịt người cực nhanh là liên cầu khuẩn A Streptococcus (GAS) bacteria, cũng là loại vi khuẩn làm viêm họng.
Bình thường, vi khuẩn có mọi lúc mọi nơi trên da chúng ta. Khi da chúng ta bị đứt (vết thương), vi khuẩn sẽ vào bên trong cơ thể qua đường máu, dẫn đến nhiễm trùng. Con vi khuẩn Whitmore cũng vậy, khi quý vị tiếp xúc với bùn đất bị trầy xước, vi khuẩn đi vào trong máu, phát triển và gây bệnh.
Tuy nhiên, đa số nếu bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei qua đường máu hay đường hô hấp thì sẽ không sao cả. Cơ thể chúng ta có hệ miễn dịch, thường đủ sức mạnh để diệt chúng.
Nếu cơ thể chúng ta yếu (như mắc bệnh mãn tính tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, ung thư, bệnh miễn dịch) thì sức đề kháng yếu, dẫn đến vi khuẩn Whitmore phát triển thành bệnh.
Triệu chứng của bệnh Whitmore thường không rõ ràng như bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, sốt, đau nhức cơ thể, hay buồn ngủ, khiến cho việc chẩn đoán có thể chậm. Thông dụng nhất là nhiễm trùng máu (nặng nhất 40-60% ca), nhiễm trùng phổi (bệnh như lao phổi, khó thở, viêm), và nhiễm trùng da (hoạt tử da, tạo áp xe). Chẩn đoán bệnh này dựa vào bệnh sử, cấy vi khuẩn từ máu, dịch, hay mủ để tìm.
Điểm quan trọng khác là chẩn đoán bệnh Whitmore thường sai và chậm, dẫn đến các biến chứng của bệnh, làm cho mọi người càng sợ. Chữa trị bệnh Whitmore khá đơn giản, dùng trụ sinh IV ceftazidime để chữa.