Đưa giáo dục tình yêu biển đảo vào chương trình chính khóa
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục tình yêu biển đảo với thế hệ trẻ, thời gian qua, ngành giáo dục Khánh Hòa đã đưa giáo dục biển đảo vào chương trình chính khóa ở trường phổ thông.
Một trong những hình thức giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh hiệu quả là sử dụng phương pháp lồng ghép vấn đề biển đảo trong chương trình học chính khóa ở bậc phổ thông.
Việc đưa vấn đề biển đảo vào bài học chính khóa theo ngành giáo dục Khánh Hòa là một việc làm hết sức cần thiết, vừa tăng thêm nhận thức, tình yêu biển đảo cho các em, vừa góp phần đổi mới trong phương pháp dạy học hiện tại theo hướng tích hợp liên môn, một xu thế đang dần phổ biến trên thế giới.
Một thực tế là hiện nay là đa số học sinh, đặc biệt những em ở vùng nông thôn, vùng xa còn thiếu kiến thức về biển đảo và chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Đưa giáo dục tình yêu biển đảo trong chương trình chính khóa (ảnh minh họa) |
Việc tổ chức tuyên truyền lồng ghép nội dung biển đảo vào chương trình giáo dục chính khóa hay các buổi sinh hoạt chuyên đề có ý nghĩa quan trọng giúp học sinh hiểu hơn về biển đảo của Tổ quốc.
Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các em trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi giờ học, sinh hoạt ngoại khóa về nội dung này cũng sẽ giúp giáo viên có thêm cơ hội tìm hiểu, tích lũy vốn kiến thức phục vụ công tác giảng dạy.
Nhằm truyền dạy tình yêu biển đảo quê hương tới thế hệ trẻ, nhiều năm qua ngành giáo dục Khánh Hòa đã lồng ghép nội dung này vào chương trình chính khóa, ngoại khóa; tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm, thi vẽ tranh, tìm hiểu về biển đảo.
Tài liệu phục vụ các tiết học do chính giáo viên tự sưu tầm, sau đó truyền tải đến các em bằng nhiều hình thức sinh động như xem video clip, tranh, ảnh, kể chuyện...
Ngoài lồng ghép các nội dung giáo dục về chủ quyền biển đảo trong chương trình chính khóa, những chương trình ngoại khóa sôi nổi như triển lãm sách, kể chuyện, thi tìm hiểu chính là phương pháp hiệu quả giúp học sinh vừa học vừa chơi, tạo tinh thần thoải mái, dễ dàng tiếp thu kiến thức.
“Ngay từ cấp tiểu học, học sinh cần được giáo dục chủ quyền biển đảo với liều lượng phù hợp với lứa tuổi. Hiện nay, yêu cầu này đã được đưa vào hoạt động giảng dạy trong các trường tiểu học dưới dạng lồng ghép. Vừa qua, Sở GD-ĐT cũng đã tập huấn cho giáo viên khá kỹ về nội dung giáo dục này.
Ngoài các phương pháp dạy học theo đặc trưng bộ môn, giáo viên có thể sử dụng các phương pháp tham quan, điều tra, khảo sát thực tế, khai thác kinh nghiệm thực tế để giáo dục, phương pháp hoạt động thực tiễn kết hợp với kỹ năng sống, để giúp học sinh hiểu biết ban đầu về vị trí, vai trò, về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và lợi ích của tài nguyên môi trường biển đảo với cuộc sống của con người…”, lãnh đạo ngành giáo dục Khánh Hòa cho biết.
Có thể thấy, các hoạt động tuyên truyền về biển đảo ở các trường những năm gần đây đã có nhiều đổi mới về cả nội dung và hình thức. Các trường đã đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo vào các hoạt động sinh hoạt chính trị đầu năm học, các cuộc họp, sinh hoạt công đoàn, đoàn, hội, đội…
Đồng thời, thông qua website, trang mạng xã hội của nhà trường, các trang thông tin điện tử chính thống, những nội dung tuyên truyền đã được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng hơn.
Từ nhận thức biến thành hành động, học sinh ở các trường trên địa bàn Khánh Hòa đã tham gia nhiều chiến dịch ra quân như: làm sạch bãi biển, thu gom chất thải, rác thải ven biển, khuyến khích hoạt động tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa.
Nhiều trường còn tổ chức cho học sinh đi thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang sinh sống tại các bãi ngang và hải đảo có nhiều khó khăn.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Khánh Hòa còn phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ “Vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu” trao học bổng cho học sinh là con em ngư dân, cán bộ, sĩ quan công tác tại các đảo thuộc Trường Sa. Các phong trào: Góp đá xây Trường Sa, Hành trình Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương… đã thu hút đông đảo HS tham gia, các em đã tặng áo phao, đèn tích điện, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Những việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa và bài học giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ.
Hoàng Thanh