Du lịch hồi sinh hay “phép màu từ cây đũa thần”
Đây không phải một nhận định quá mỹ miều để nâng tầm quan trọng của ngành du lịch.
Bởi với những người từng “tưởng như không còn gượng dậy”, khi du lịch “chết lặng” vì dịch Covid-19, sự hồi sinh của “ngành công nghiệp xanh” thời gian qua, giống như một "phép màu".
Công viên nước Aquatopia tại Sun World Hon Thom Nature Park. |
Cơn “bĩ cực” chỉ mới …hôm qua
Từng là nhân viên an ninh một khu du lịch (KDL) tại Đà Nẵng, suốt khoảng thời gian ngành du lịch “đóng băng” vì Covid-19, anh Trần Hữu Thắng đã phải đối mặt với “khủng hoảng kinh tế” của chính bản thân, khi phải ngừng việc vì KDL đóng cửa. Vài tháng chờ đợi dịch bệnh đi qua, chứng kiến từng đồng tiết kiệm trong gia đình cứ vơi dần cùng những đồng trợ cấp của đơn vị mình làm việc, anh đành xoay chuyển tìm công việc thời vụ mưu sinh. Khát khao được trở lại làm việc, được thấy du khách tấp nập cứ từng ngày “chết dần”, theo cấp độ của dịch.
Ở thành phố biển Hạ Long, chị Lê Thạch Kim Anh đã buộc phải đóng cửa quầy hàng ăn nhỏ thuê tại khu phố bên ngoài công viên Sun World Ha Long Complex, để làm shipper cùng chồng, cầm cự đợi ngày bình thường hóa.
“Giãn cách xã hội khiến việc buôn bán rơi vào bế tắc. Lúc đó, tôi chỉ biết cố gắng tìm công việc gì làm tạm để duy trì cuộc sống, bởi số tiền tích góp ít ỏi có được chắc chắn không đủ để cả gia đình vượt qua, khi mà dịch bệnh cứ triền miên như thế”, chị Kim Anh nghẹn ngào nhớ lại.
Show diễn “Trận chiến ở vương quốc Mặt trăng” tại Sun World Ba Na Hills. |
Theo thống kê của Ban Tuyên Giáo, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch, khoảng 800.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Nguồn nhân lực ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, phần lớn mất việc làm, số khác phải đổi công việc làm cầm chừng.
Trong khi đó, số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch cho biết 90% doanh nghiệp không hoạt động và khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, bởi tác động từ dịch bệnh.
Nghĩ đến những tháng ngày đó, chị Hoài Anh, chủ một nhà hàng tại Đà Nẵng không khỏi xót xa: “Tôi đã phải cầm cố một cơ sở của mình, để có thể trả tiền thuê mặt bằng, nuôi giữ một số nhân viên cứng chờ ngày du lịch trở lại. Đã có lúc, tôi muốn tìm một cách sinh nhai khác, đặc biệt khi đợt dịch thứ 4 tưởng chừng không lối thoát…”.
Du lịch phục hồi, niềm vui lan tỏa
Hai dịp lễ Giỗ tổ và 30/4-1/5 vừa qua được người làm du lịch so sánh với “cây đũa thần” hồi sinh các điểm đến. Hà Nội, Quảng Ninh, Sa Pa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phú Quốc, TPHCM… khách tấp nập đông vui. “Quá tải” vốn là từ không mấy tích cực trước đây, nhưng bây giờ, với nhiều người làm du lịch, nó giống như “niềm ao ước thành hiện thực”.
Thoăn thoắt mang đồ ăn tới các bàn, chị Hoài Anh bảo: “Lúc dịch bệnh, chỉ mơ một ngày được …quá tải. Bây giờ được bận rộn tới 2h sáng mà thấy vui lắm. Mong đừng quay lại những chuỗi ngày u ám nữa”.
Lễ hội Ẩm thực và Bia B’estival tại Sun World Ba Na Hills. |
Trở lại vị trí nhân viên an ninh, anh Trần Hữu Thắng xem cái việc đếm từng đoàn xe vào cổng khu du lịch như một niềm hạnh phúc. “Sướng lắm, lại thấy khách đông, lại có việc làm ổn định, không phải ăn bữa nay, lo bữa mai nữa rồi”, anh cười rổn rảng.
Chị Kim Anh cũng đã mở lại cửa hàng, mỗi ngày lễ đón cả trăm lượt khách ăn. Cuối tuần sau đó, dù không còn lễ, Hạ Long vẫn có khách. “Như thế là… sống rồi”, chị bảo.
Ngay cả du khách cũng mừng vui. Anh Ngô Văn Tịnh đến từ Bắc Ninh bảo: “Khách đông đúc thế, mình chờ thêm lâu chút cũng thông cảm. Ngẫm lại cảnh ở nhà hai năm qua, tôi nghĩ thôi cứ được đi là vui. Du khách đông, bà con làm du lịch có việc, thế là mừng rồi…”.
Du lịch hồi sinh, như một thứ “doping”, mang đến sự hưng phấn cho cả du khách lẫn người đón khách.
Những điểm đến bừng lên sức sống
Những đoàn khách, những chuyến bay kín chỗ cũng đã thổi vào các điểm đến một vẻ đẹp sống động. Các khu, điểm du lịch khắp các địa phương rộn ràng lễ hội. Chiếc áo mới mà nhiều điểm đến chuẩn bị trong những ngày đóng cửa được dịp khoe sắc.
Du khách tận hưởng Lễ hội Ẩm thực và Bia B’estival tại Sun World Ba Na Hills. |
Đà Nẵng tưng bừng với Lễ hội Ẩm thực và Bia B’estival tại Sun World Ba Na Hills, du khách không ngừng trầm trồ trước những kiệt tác điêu khắc tại thác Thần Mặt Trời, say mê với show diễn “Trận chiến ở vương quốc Mặt trăng”… Chỉ riêng khu du lịch này cũng đã góp cho Đà Nẵng vô số sản phẩm du lịch mới đẳng cấp trong ngày trở lại.
Tại Phú Quốc, tổ hợp vui chơi giải trí biển Sun World Hon Thom Nature Park đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi dịp cuối tuần. Combo Đêm Thiên Đường của tổ hợp này đang được du khách đánh giá cao. Bởi chỉ với một tấm vé thông hành, du khách đã có thể tận hưởng trọn vẹn phần đẹp nhất của Phú Quốc là Nam đảo, từ du ngoạn Địa Trung Hải với những công trình kiến trúc đa sắc màu; ngắm biển đảo từ trên cao với cáp treo Hòn Thơm; tận hưởng những trò chơi biển kỳ thú ở Bãi Trào; thử thách cùng 21 làn trượt đầy cảm xúc ở công viên nước Aquatopia; phiêu lưu với hành trình chinh phục Mộc xà thịnh nộ- tàu lượn bằng gỗ đầu tiên tại Việt Nam; bay lên cao để chiêm ngưỡng Hòn Thơm cùng trò chơi mới Mắt đại bàng và thưởng thức những món ngon cùng các vũ điệu thổ dân bừng lửa từ các nghệ sĩ quốc tế.
Trò chơi “Mộc xà thịnh nộ”. |
Chị Nguyễn Phương Đào từ Vĩnh Phúc không khỏi ngạc nhiên: “Gần 2 năm quẩn quanh mãi trong nhà, cứ ngỡ các điểm đến bị quên lãng bởi dịch bệnh sẽ xuống cấp. Nhưng thật bất ngờ, Phú Quốc khiến tôi không khỏi kinh ngạc, bởi rất nhiều công trình và sản phẩm mới hoành tráng”.
Một “Phố đêm du thuyền Hạ Long” được kỳ vọng sẽ tạo nên một không gian vui chơi khác lạ, độc đáo cho vùng di sản về đêm. Một Lễ hội Hoa hồng Fansipan rực rỡ cùng sự kiện Vó ngựa trên mây thu hút hàng trăm ngàn du khách đến Sapa… Sự ảm đạm, đìu hiu trong dịch đã được thay bằng sôi động, rộn ràng và xinh đẹp. Dường như ai cũng nhìn thấy rất rõ: du lịch phục hồi không chỉ mang tới sự khởi sắc cho kinh tế nói chung, mà còn khiến các điểm đến đẹp hơn, cuốn hút hơn.
Phạm Trang