Đốt tinh dầu diệt muỗi: Muỗi chết, người cũng liêu xiêu
Sau trường hợp cả 4 người trong gia đình bị ngộ độc tinh dầu diệt muỗi, các chuyên gia cảnh báo các biện pháp diệt muỗi đều gây ngộ độc.
Tại Hoà Bình một gia đình 4 người đã phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc tinh dầu xông để diệt muỗi. Tình hình sức khoẻ của 2 người lớn trong nhà vẫn cần theo dõi. Đáng chú ý, tinh dầu này không có tiếng Việt, toàn bộ nguồn gốc, hoá chất bên trong là gì không ai biết.
Theo PGS Nguyễn Văn Châu – nguyên bác sĩ tại khoa Côn trùng, Viện sốt rét và ký sinh trùng quốc gia, hiện chỉ có hai hoá chất có tác dụng diệt muỗi được cấp phép là Bambancyphaclothrin và Alphacypermethrin.
Thực tế hiện nay thuốc muỗi nhập lậu và không đăng ký vẫn tồn tại trên thị trường ở nước ta. Do đó, các loại sản phẩm này có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Ảnh minh hoạ |
PGS Châu cho biết có những loại thuốc muỗi, nhang muỗi còn được người ta pha trộn thậm chí sử dụng cả thuốc trừ sâu DDP, alfatoc – một loại hoá chất diệt côn trùng trong nông nghiệp nhưng được cấm sử dụng là hoá chất sử dụng trong gia dụng, hộ gia đình.
PGS Châu đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị dị ứng, ngộ độc sau khi sử dụng các sản phẩm xịt muỗi.
Gia đình chị Phan Thị Thuỷ, Hà Đông, Hà Nội nằm trong khu đô thị mới, muỗi rất nhiều. Chị Thuỷ mua xịt muỗi được quảng cáo của Thái Lan về xịt. Sau khi xịt thì cả nhà cũng ra ngoài khoảng nửa tiếng quay lại nhưng vào nhà, lát sau nhiều thành viên trong gia đình người bị mẩn ngứa, người bị nổi mề đay còn chị Thuỷ nôn thốc, nôn tháo, hai mắt cay xè. Nghi do thuốc diệt muỗi, cả nhà chị Thuỷ đưa nhau vào viện kiểm tra. Sau khi được bác sĩ cho sử dụng thuốc 1 tiếng sau, các triệu chứng này mới hết.
PGS Châu cho biết sản phẩm diệt muỗi mà gia đình chị Thuỷ dùng không có tên nhãn tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không riêng thuốc xịt muỗi, PGS Châu cho biết nhang muỗi cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Cách đây không lâu Trung Quốc đã cảnh báo về loại nhang muỗi có chứa chất gây ung thư. Nó có khả năng gây đột biến tế bào mầm ở người và đã được xếp vào loại thuốc trừ sâu nguy hiểm cao (HHP) vì nó gây ra nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe con người và môi trường.
PGS Châu cho biết thói quen sử dụng sản phẩm của người dân vẫn còn rất nhiều thiếu sót đó là không bao giờ đọc nhãn mác mà chỉ quan tâm nó diệt được nhiều muỗi hay không. Hương muỗi hay một số sản phẩm hoá chất diệt côn trùng sử dụng trong gia đình hầu như chỉ xua muỗi hoặc làm muỗi ngất đi. Sau đó người dân quét muỗi đi bởi nếu để có thể muỗi sẽ sống lại. Nếu dùng thuốc muỗi, hương muỗi mà muỗi chết hàng loạt thì chắc chắc sức khoẻ người dùng cũng bị ảnh hưởng.
Cùng quan điểm, PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hoá học, trường Đại học Khoa học tư nhiên Hà Nội cho biết nhiều loại hoá chất diệt côn trùng có trên thị trường rất bát nháo, không rõ xuất xứ, chất lượng như thế nào.
PGS Côn khuyến cáo tốt nhất không nên sử dụng các sản phẩm diệt muỗi không rõ nguồn gốc. Nếu trường hợp quá nhiều muỗi có thể đến các trung tâm y tế dự phòng nhờ hỗ trợ, để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Còn dùng các loại phun muỗi, xịt muỗi, tinh dầu thì chất độc có thể thâm nhập vào da, qua cơ quan hô hấp dễ dàng. Sản phẩm chứa hóa chất càng mạnh khiến côn trùng mau chết thì khả năng gây ngộ độc cho con người càng cao. Nếu dùng vô tội vạ có thể gây ngộ độc trường diễn làm tổn thương gan phổi, nhất là khi sử dụng các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng.
Từ xưa người dân đã biết đuổi muỗi bằng các loại truyền thống tự nhiên như đốt trấu thóc cho cháy âm ỉ sau đó bỏ lá xoan vào để đuổi muỗi.
Ngoài ra, người dân có thể sử dụng cách đuổi muỗi từ thiên nhiên như trồng cây diệt muỗi như cây ngũ gia bì, cây húng quế, cây hương thảo, cây oải hương, đinh hương. Khi đến vùng nhiều muỗi nên sử dụng kem chống muỗi, không nên mặc quần áo tối màu vì muỗi sẽ thích hơn.
Trong có người bị ngộ độc thuốc diệt muỗi cần đưa đến trạm y tế gần nhất. Khi đi nhớ mang theo vỏ thuốc để bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh hơn.
Khánh Chi