Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới: Xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã trên đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đúng quy định, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện...
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp, nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả đã được tỉnh triển khai thực hiện như người dân hiến hàng triệu mét vuông đất và hàng trăm nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Sửa chữa, trải đá trên 1.000 km đường nông thôn, thắp sáng đường quê…
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn như: Mô hình “Vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng cầu, đường” ở huyện Châu Thành; mô hình “Đội thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới” ở huyện Cao Lãnh;
mô hình “Tự quản cộng đồng” ở Tháp Mười... tỉnh đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình “Hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới” một cách toàn diện hơn về toàn bộ 19 tiêu chí nông thôn mới đến từng hộ dân tại hai xã điểm là Bình Thạnh và Hòa An (TP Cao Lãnh)...
Theo ông Phan Thanh Điền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh, ngay lúc đầu, chính quyền và địa phương xác định xây dựng nông thôn mới là vấn đề trọng tâm, thường xuyên, liên tục, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lấy người dân làm chủ thể, do đó, khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã cũng tập trung một số công việc như phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Do đó, cùng với xây dựng các tiêu chí về hạ tầng, sản xuất nông nghiệp ở các xã nông thôn mới được thực hiện theo hướng tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, nâng cao chuỗi giá trị nông sản theo các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất để hướng đến mục tiêu đưa nông sản xâm nhập vào thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, mô hình Hội quán được thành lập và phát triển mạnh giúp nhiều địa phương kết nối các chủ trương, chính sách, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và tăng tính đoàn kết, thống nhất và tính hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả ban đầu cho thấy hiệu ứng tích cực của mô hình về phát huy tính tự giác của người dân đối với các nhiệm vụ, nội dung thực hiện chương trình tại địa bàn.
Cùng quan điểm, ông Ngô Văn Hồng Em, nông dân phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, tham gia mô hình hội quán, các thành viên đã tích cực đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới với tinh thần đoàn kết cao, sẵn sàng hiến đất làm đường, góp ngày công, tiền của xây dựng thôn ấp khang trang sạch đẹp.
Về cơ bản, các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới ở Đồng Tháp đều chuẩn hóa hệ thống giao thông nông thôn. Đồng thời các địa phương cũng xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình nên việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn để đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường cải tạo lưới điện dùng chung để đạt chuẩn theo quy định.
Đặc biệt, qua các mô hình xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân hăng hái chủ động nâng cao hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao; tiếp tục phát triển sản xuất; chủ động tự đào tạo nghề, tổ chức lại sản xuất trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; duy trì phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Được biết, bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, các địa phương vừa đạt chuẩn tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại Đồng Tháp cũng có những kết quả khả quan.
Ngoài ra, nhờ việc tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp được tiến hành bằng nhiều hình thức như truyên truyền miệng, thông qua các hội thảo, các buổi họp, hội nghị của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội diễn, cuộc thi tìm hiểu xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền trực quan thông qua pa nô, áp phích...
Từ đó, nhận thức về một nông thôn mới của cán bộ các cấp và người dân ở Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Được biết, từ nay đến năm 2020, Đồng Tháp sẽ có những thay đổi trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình. Tập trung phát huy tính tự quản của cộng đồng, xây dựng lực lượng nòng cốt, cốt cán trong nhân dân. Đồng thời tỉnh sẽ nâng chất các nội dung của mỗi tiêu chí, lấy “mức độ tiếp cận và thụ hưởng của người dân” để đánh giá mức độ hoàn thành tiêu chí nhất là các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đang yêu cầu từng cấp cơ sở phải lồng ghép, gắn kết được các chương trình, dự án phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường trong mục đích chung của xây dựng nông thôn mới. Lấy Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, du lịch làm nhiệm vụ chính trong phát triển kinh tế vùng nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn.