Đồng Tháp ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030
Đồng Tháp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2030 đạt 4%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4,3%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 3,6%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,1 - 1,2 tỷ USD.
Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,1 - 1,2 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, tăng cường xuất khẩu. Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt; tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ...
Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 681.208 tấn; trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 661.900 tấn, sản lượng khai thác thủy sản 19.308 tấn.
Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 đạt 819.150 tấn; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng 802.150 tấn, sản lượng thủy sản khai thác 17.000 tấn.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2030 đạt 4%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4,3%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 3,6%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến năm 2030 đạt 1,1 - 1,2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu và hướng đến nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Thảo Nguyên