Động thái lạ đầu tiên sau 4 năm ở cơ sở thử nghiệm hạt nhân Triều Tiên
Lần đầu tiên hình ảnh vệ tinh ghi nhận động thái xây dựng diễn ra ở cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên sau 4 năm dừng hoạt động.
Hình ảnh vệ tinh lần đầu tiên phát hiện hoạt động xây dựng đang diễn ra ở một cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, kể từ khi cơ sở này dừng hoạt động vào năm 2018. Động thái của Triều Tiên khiến các chuyên gia nghi ngờ Bình Nhưỡng có thể sớm cho nối lại chương trình thử nghiệm vũ khí quy mô lớn.
Reuters đưa tin, các hình ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 4/3. Tới hôm nay (8/3), sau khi phân tích hình ảnh, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu giải trừ vũ khí hạt nhân James Martin tại bang California (CNS), Mỹ nhận định có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên có những hành động bất thường bao gồm xây dựng một tòa nhà mới, sửa chữa một tòa nhà khác, và sự xuất hiện của những nguyên liệu như gỗ và mùn cưa.
Hình ảnh vệ tinh phát hiện hoạt động xây dựng diễn ra ở cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. (Ảnh: Maxar Technologies) |
“Hoạt động xây dựng và sửa chữa cho thấy Triều Tiên đã đưa ra một số quyết định về hiện trạng của cơ sở thử nghiệm hạt nhân”, báo cáo của CNS cho hay.
Trong tháng Một năm nay, Triều Tiên đã cho phóng hàng loạt tên lửa bao gồm loại tên lửa có quy mô lớn nhất kể từ năm 2017 và dường như đang chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh tình báo.
Ngoài ra, các nhà quan sát quốc tế cũng báo cáo cơ sở chứa lò phản ứng hạt nhân chính của Triều Tiên ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon cũng đã hoạt động đầy đủ công suất và có khả năng đang sản xuất nguyên liệu để chế tạo các loại vũ khí hạt nhân.
Cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri đã dừng hoạt động vào năm 2018, sau khi Triều Tiên tuyên bố tự áp đặt lệnh dừng tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm đó, Triều Tiên thông báo đã đóng cửa các đường hầm thử nghiệm bằng cách cài thuốc nổ cho nổ tung, chặn lối vào cơ sở, cũng như tháo dỡ các tòa nhà quan sát, tòa nhà nghiên cứu và chốt an ninh. Triều Tiên còn mời truyền thông quốc tế tới quan sát quá trình phá dỡ, nhưng lại từ chối để các nhà giám sát quốc tế tới làm việc. Hành động của Triều Tiên khiến nhiều chuyên gia nhận định các cơ sở của Bình Nhưỡng từng bị phá bỏ vẫn có thể khôi phục hoạt động bất cứ lúc nào.
Hôm 6/3, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cũng nhấn mạnh đang theo dõi sát sao mọi động thái ở hai cơ sở hạt nhân của Triều Tiên là Yongbyon và Punggye-ri, song chi tiết thông tin không được tiết lộ.
Còn theo các nhà phân tích CNS, những thay đổi ở cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri mới chỉ diễn ra trong vài ngày gần đây, do đó khó có thể dự báo chính xác cái gì đang được xây dựng và vì sao lại được xây dựng.
“Một khả năng là Triều Tiên có kế hoạch đưa bãi thử nghiệm trở lại trạng thái sẵn sàng để phục vụ một vụ thử nghiệm hạt nhân”, CNS cho hay.
Song theo chuyên gia CNS, cơ sở Punggye-ri sẽ phải mất nhiều tháng để sẵn sàng thực hiện một vụ nổ hạt nhân mới. Nhưng không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ nối lại chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại một vị trí khác.
Cho tới nay, Punggye-ri được biết tới là cơ sở thử nghiệm hạt nhân duy nhất tại Triều Tiên. Đây là nơi đã diễn ra 6 vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong các đường hầm kể từ năm 2006 – 2017.
Vụ thử vũ khí hạt nhân có quy mô lớn nhất và gần nhất của Triều Tiên dường như đã tạo ra những thay đổi trong cấu trúc địa lý và gây ra nhiều vụ động đất quy mô nhỏ. Song các nhà phân tích và giới chức tình báo Mỹ cho rằng cơ sở này vẫn có thể hoạt động trở lại.
Mỹ khẳng định vẫn mở cửa đối thoại mà không đưa ra bất cứ điều kiện nào trước với Triều Tiên. Song Bình Nhưỡng cho biết các cuộc đàm phán sẽ chỉ diễn ra một khi Mỹ và các đồng minh từ bỏ chính sách thù địch.
Trong bản báo cáo được Ban Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) công bố hôm 7/3 trước khi diễn ra phiên điều trần trước Quốc hội vào hôm nay, DNI nhấn mạnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân, đồng thời tăng cường nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo.
Theo DNI, việc Triều Tiên tiếp tục phát triển các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cho thấy mục tiêu của chính quyền Bình Nhưỡng là thúc đẩy năng lực triển khai hạt nhân.
“Trong tháng Một, Triều Tiên đã bắt đầu đặt nền móng làm gia tăng căng thẳng, cùng khả năng tiến hành phóng thử nghiệm ICBM hoặc thử nghiệm hạt nhân trong năm nay. Đây là những hành động mà Bình Nhưỡng đã dừng triển khai kể từ năm 2017. Các vụ thử nghiệm là một phần trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm mở rộng số lượng và loại tên lửa có năng lực tích hợp đầu đạn hạt nhân với tầm bắn vươn tới toàn lãnh thổ Mỹ”, DNI nhấn mạnh.
Việc Triều Tiên trở lại phóng thử ICBM hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden càng thêm đau đầu, giữa lúc chiến dịch tấn công quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang diễn ra.
Túp lều tù nhân Triều Tiên từng ẩn náu bỗng hút khách du lịch Trung Quốc
Du khách Trung Quốc đổ xô tới thăm quan túp lều tù nhân Triều Tiên từng ẩn náu sau khi vượt ngục.
Minh Thu (lược dịch)