Đổi tư duy, thay tập quán để không “đánh bạc” với trời!

Từ đặc tính cố hữu về địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế khó khăn… cũng cần sự đầu tư của Nhà nước với những chính sách phù hợp, có như vậy, người dân tại các tỉnh Tây Bắc mới có thể chung sống an toàn trước thiên tai.

Tại các tỉnh Tây Bắc, mùa mưa năm nào cũng xảy ra các đợt lũ quét, sạt lở đất. Có những trận lũ được ví như “Đại hồng thủy”, chỉ trong tích tắc đã cuốn phăng hàng trăm nóc nhà nơi nó đi qua; hay những vụ sạt lở đất vùi lấp cả một bản vùng cao đang thanh bình tươi đẹp, kéo theo đó là hàng chục người chết và mất tích, ước thiệt hại về kinh tế hàng trăm tỷ đồng, khiến vùng đất này đã khó, lại càng thêm khó.

Các cánh rừng ở Mường Tè (Lai Châu) từng bị giảm dần diện tích do tập quán phát nương làm rẫy của người La Hủ.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kè, hồ, đập phòng vệ; nâng cấp hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo sớm thiên tai; sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cấp còn nhiều khó khăn, bất cập; để có thể thực sự an toàn trong mỗi mùa mưa lũ, người dân Tây Bắc đã sáng tạo trong ứng phó và đang chủ động làm giảm các nguy cơ. Từ đặc tính cố hữu về địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế khó khăn… cũng cần sự đầu tư của Nhà nước với những chính sách phù hợp, có như vậy, người dân nơi đây mới có thể chung sống an toàn trước thiên tai.

Giữ “lá phổi xanh” từ hương ước và lễ cúng thần rừng

Như thường lệ, sau bữa cơm sáng, các thành viên tổ bảo vệ rừng ở các bản Vạ Pù, Là Pê, Ló Mé… ở xã Tá Bạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) lại cùng nhau mang theo dụng cụ đi tuần rừng. Đây là việc làm thường ngày, đã được duy trì trong những năm gần đây nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc xâm phạm đến rừng, bởi không chỉ giúp lá phổi trái đất luôn xanh, mà giữ được rừng là làm giảm các nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Hệ lụy là hàng năm tại địa phương thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản.

Phó Chủ tịch xã Đao Văn Tuệ cho biết: Tá Bạ là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào La Hủ, với hơn 300 trong tổng số 400 hộ dân trong xã. Dân tộc La Hủ vốn có biệt danh là "lá vàng rơi", bởi trước đây họ sống du canh du cư qua từng mùa nương rẫy. Để duy trì cuộc sống, người La Hủ thường tìm một cánh rừng, chặt cây dựng lán để ở và đốt nương làm rẫy. Khi hết mùa nương, lá trên cây dựng lán vàng úa rơi rụng, thì họ lại tìm cánh rừng khác để chặt phá, đốt nương. Những cánh rừng của xã, bản cứ thế bị thu hẹp dần.

Không thể để rừng cứ “không cánh mà bay”, sau khi họp bàn, xã đã quyết định chia rừng, giao cho cộng đồng từng bản quản lý; mỗi bản lại chọn các hộ để làm chủ rừng. Quy định về bảo vệ rừng được nêu rõ trong quy ước của từng bản, như: ai muốn vào rừng thì phải được sự nhất trí của chủ rừng; nhà nào có việc như cưới hỏi, nhà mới…thì được phép vào rừng lấy ít củi khô về đun bếp…Nhờ giao khoán chặt chẽ; mỗi năm, bà con trong xã cũng nhận được khoảng 6 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày càng tăng lên; tỷ lệ che phủ rừng ở Tá Bạ hiện đã gần 71% - nằm trong danh sách các địa phương có tỷ lệ rừng che phủ cao của tỉnh Lai Châu.

Nhờ bà con thay đổi tư duy, nâng cao ý thức giữ rừng, nên các cánh rừng ở Tây Bắc đang tươi tốt trở lại.

“Bà con La Hủ trên địa bàn hàng năm ngoài việc sản xuất, canh tác ruộng và nương rẫy thì nguồn thu chính vẫn là quản lý rừng nên là bà con nhận thức rõ việc bảo vệ rừng rất là quan trọng. Các bản bây giờ đều có ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng rất tốt, một số diện tích nương rẫy thì đã được quy hoạch, do vậy đời sống của nhân dân là đã được nâng lên. Vì vậy, trong những năm qua không có hộ vi phạm về phá rừng, cũng như thiệt hại về cháy rừng”, ông Đao Văn Tuệ cho hay.

Anh Sò Cố Suy, dân tộc Hà Nhì ở thôn Choản Thèn, xã Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết, ở mỗi thôn, bản người Hà Nhì đều có một cánh "rừng thiêng” để bảo vệ. “ Rừng thiêng” được chọn là cánh rừng ở phía trên bản, cao hơn bản, có tác dụng chống sói lở đất, ngăn chặn lũ quét tràn về, nó được coi là tấm áo giáp để bảo vệ bản. Với ý nghĩa đó, vào mùa xuân, người Hà Nhì tổ chức lễ cúng rừng thiêng để cùng bảo ban nhau bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tươi tốt. 

Làm nhà ở sát suối, ven đường quốc lộ là người dân đã tự tạo hiểm họa cho chính mình.

“Người Hà Nhì có những quy ước, hương ước rất khắt khe liên quan đến vi phạm về rừng, như khi không được phép vào rừng lấy củi, những người bị vi phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm ngặt. Do vậy, người Hà Nhì rất ý thức, không tự ý vào rừng lấy củi về đun. Đây là một nghi lễ rất quan trọng, được duy trì hàng năm, để tự tuyên truyền, giáo dục, phổ biến để mọi người hiểu rừng có vai trò rất quan trọng, bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn sống của con người. Bì vậy, người Hà Nhì rất có ý thức bảo vệ rừng”, anh Sò Cố Suy nói.

Thay đổi tập quán để giảm hiểm họa

Tây Bắc vốn có nhiều suối, khe do địa hình chia cắt mạnh; đồng bào các dân tộc vẫn giữ tập quán làm nhà sát suối, dọc khe để tiện cho việc canh tác, sản xuất và sinh hoạt.

Các nhà khoa học nhận định, chính việc lưu giữ tập quán này là người dân đã tự tạo hiểm họa cho mình và cộng đồng. Như tại bản Nà Lo, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La), nhiều hộ dân làm nền nhà thấp, chỉ cách lòng suối vài mét; hay tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nhiều hộ dân bám vào các quốc lộ, khe suối làm nhà cho tiện giao thông, mà không tính đến tác hại nghiêm trọng khi có thiên tai xảy ra…

Một căn nhà của người dân bị thiệt hại trong trận lũ quét ở Mường La năm 2017 do ở sát con suối Nậm Păm.

Để người dân không phải “đánh bạc với trời”, đảm bảo an toàn trước mưa lũ, cần thiết phải thay đổi tập quán và di dời họ đến nơi ở an toàn. 

Gần 30 hộ dân bị lũ quét mất nhà cửa vào tháng 8/2018 ở bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hôm nay đã di chuyển lên Khu tái định cư Noong My nằm trên cao, bằng phẳng, gió mát quanh năm. Những căn nhà xây kiên cố, trị giá từ 200 đến 350 triệu đồng được người dân dựng lên từ sự trợ giúp của nhà nước, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm mang lớp sơn tươi mới, nổi bật giữa núi đồi.

Bà Hà Thị Dừn và con trai là những người vượt qua nỗi đau mất con dâu và cháu trong lũ dữ, vừa xây dựng lại nhà cửa ở khu tái định cư Noong My. Cuộc sống mới chưa thật ổn định, nhưng điều bà yên tâm nhất là mỗi khi mưa lớn không còn nơm nớp lo lũ lớn ập về.

“Cái gì cũng được sự của Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến, gia đình tôi rất cảm ơn. Được ở nơi ở mới tôi  thấy yên tâm rồi…”, bà Hà Thị Dừn bày tỏ.

Ai cũng biết di dời người dân vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu thiệt hại nếu có lũ quét, sạt lở đất xảy ra, song thực tế, việc tổ chức di dời các hộ này đến nơi ở an toàn không phải là câu chuyện dễ dàng, do thiếu mặt bằng, thiếu kinh phí xây dựng, vận chuyển…

Theo thống kê nhanh, năm 2020, mỗi địa phương trong khu vực Tây Bắc đều có từ 500 đến 600 hộ dân sống trong vùng thiên tai nguy hiểm cần được hỗ trợ di chuyển. Tuy nhiên, quỹ đất để di chuyển các hộ dân này còn hạn chế; kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng một hộ còn thấp, trong khi đa số các hộ này đều là hộ nghèo, kinh tế khó khăn nên việc tái định cư cho các hộ này không dễ triển khai. So sánh với 1 hộ di dân công trình thủy điện trước đây, kinh phí đầu tư từ 500 đến 700 triệu đồng, thì mức chi cho một hộ di dân vùng thiên tai nguy hiểm hiện nay là quá thấp. Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La nêu ý kiến: “Sơn La kiến nghị tăng mức hỗ trợ cho người dân, bởi mức hỗ trợ làm nhà 20 triệu đồng như hiện nay là rất thấp, đề nghị tăng lên 40 triệu đồng/hộ thì mới giúp người dân đỡ khó khăn khi chuyển về nơi ở mới”.

Sẽ thí điểm triển khai công trình đập lũ, bùn đá đầu tiên tại Tây Bắc

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: việc di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai là cấp thiết, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp giao cho các bộ, ngành chức năng xây dựng Đề án để trình Thủ tướng. Đến nay, Đề án đã được triển khai hoàn tất. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện có tới hàng vạn hộ đang nằm trong khu vực nguy hiểm sạt lở, số tiền hỗ trợ di chuyển tương ứng cũng rất lớn. Vì vậy, việc này phải làm rải trong các năm. Phía Tổng cục Phòng chống thiên tai đã báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ bố trí nguồn lực đầu tư để các địa phương thực hiện việc di chuyển dân đến nơi ở mới đảm bảo thuận lợi hơn.

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai khảo sát vị trí xây đập lũ, bùn đá ở huyện Mường La (Sơn La) - công trình triển khai thí điểm trong cả nước.

Cũng theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, lũ quét thường xảy ra trong thời gian rất ngắn, mang theo những khối đá tảng nặng cả nghìn tấn từ thượng nguồn quần nát mọi thứ trên đường nó đi và phía hạ du, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Vì vậy, nhằm giúp người dân Tây Bắc giảm thiểu các thiệt hại, chung sống an toàn trước thiên tai, Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai có kế hoạch xây dựng các công trình đập lũ, bùn đá; trước mắt, trong năm 2021 – 2022 sẽ triển khai tại 2 khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhất Tây Bắc là Mường La của Sơn La và Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. 

“Cả 2 khu vực này chúng tôi đã cùng các chuyên gia Nhật Bản đến để khảo sát chi tiết cụ thể, cũng như đã có thiết kế bản vẽ chuẩn bị sẵn sàng cho việc xem xét phối kết hợp với các chuyên gia nước ngoài xây dựng công trình. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã làm lâu rồi, chúng ta vì điều kiện kinh tế chưa triển khai được. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng công trình sẽ sớm được thi công tại Mường La và Mù Cang Chải để sau đó có thể nhân rộng ra các địa phương khu vực miền núi trong cả nước”, ông Trần Quang Hoài nói.

Thiên tai ngày càng diễn biến dị thường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Thực tiễn tại Tây Bắc cho thấy, trong bối cảnh điều kiện kinh tế khó khăn do đa phần thuộc danh sách các tỉnh nghèo nhất nước, nguồn lực đầu tư cho phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn thấp, nhưng nếu biết giữ rừng đầu nguồn để làm chức năng giữ nước, cân bằng sinh học; đặc biệt là biết chủ động phòng ngừa, thay đổi tập quán sinh sống và tư duy phát triển, kết hợp với vận dụng các biện pháp thích ứng phù hợp thì thiệt hại khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra có thể được kiểm soát và người dân có thể chung sống an toàn trước thiên tai.

Nhờ chủ động ứng phó, thiệt hại do mưa lũ tại nhiều địa phương Tây Bắc đã giảm đáng kể. Như tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, nếu như năm 2018, toàn huyện có 25 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ, thiệt hại về tài sản trên 113 tỷ đồng; thì cả năm 2019 và 2020, địa phương chỉ có 1 người chết và thiệt hại về tài sản hơn 40 tỷ đồng.
Tại tỉnh Yên Bái, việc kết hợp các biện pháp thích ứng phù hợp đã làm  số người chết, mất tích do mưa lũ giảm từ hàng chục người trong các năm 2018,2019 xuống còn 2 người vào năm 2020.
Từ phương châm lấy phòng ngừa là chính, chủ động hơn trong ứng phó, khắc phục, Tây Bắc đang tiến tới kiểm soát, chủ động an toàn trước thiên tai.

Theo vov.vn

Công nghệ sản xuất tạo nên nước uống Sữa trái cây mãng cầu vạn người mê

Chính quy trình và công nghệ sản xuất hiện đại đã tạo nên hương vị tự nhiên thơm ngon khác biệt cho thức uống từ mãng cầu mới của Tập đoàn TH.

Hàng ngàn quà tặng hấp dẫn chờ đón khách hàng SHB dịp sinh nhật 31 tuổi

Sổ tiết kiệm 310 triệu đồng, bộ cốc thương hiệu, ô cầm tay, áo mưa, hàng trăm ngàn voucher giảm giá cùng những lời cảm ơn dễ thương, thú vị là những hoạt động đặc biệt tri ân khách hàng của SHB nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập.

Chuyện ấm áp tình người ở khu chung cư bình dân TPHCM

Cuộc sống của gia đình tôi ngày một tốt hơn, nhiều khi muốn chuyển đến một chỗ ở tiện nghi, nhưng cái tình người ở chung cư đã níu chúng tôi lại.

Cảnh sát chạy bộ 29 tầng chữa cháy chung cư do chủ nhà đun nước trên sofa

Chủ nhà đun nước trên bộ bàn ghế sofa rồi đi ra ngoài quên không tắt, gây ra đám cháy tại tầng 29 chung cư Lạc Hồng (Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Bảo hiểm Nhân thọ FWD lan tỏa thông điệp sống đầy theo cách đặc biệt

Vào ngày 23/6, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam tiếp tục lan tỏa thông điệp sống đầy qua sân chơi mới mang tên “FWD Cung đường sống đầy” được tổ chức tại TP.HCM.

Cánh rừng Net Zero Vinamilk tại Cà Mau đón những đàn chim trở về

Bên trong cánh rừng Net Zero Vinamilk tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, hơn 71.000 cây mắm con đã cao 40-50cm, trở thành bãi sinh sản cho tôm cá, thu hút những đàn chim cót, chim nhàn… trở về làm tổ.

8X mở quán cơm 2.000 đồng/suất ở Gia Lai, bà con thoải mái vào ăn

Mở quán cơm từ thiện 2.000 đồng ngay trước cổng bệnh viện, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Huy (Gia Lai) đã chia sẻ khó khăn với hàng trăm người nghèo, nhất là những bệnh nhân.

Chàng trai 9X 7 năm làm điều đặc biệt trên hè phố Đà Nẵng

7 năm qua, điểm cắt tóc miễn phí của chàng trai trẻ đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người chạy xe ôm, bán vé số và sinh viên nghèo ở Đà Nẵng.

Nữ giúp việc phát hiện bọc vàng: Tôi run lắm, chưa bao giờ thấy nhiều vàng thế

Phát hiện vàng lẫn trong túi quần áo cũ, nữ nhân viên cửa hàng 0 đồng lập tức báo cho người quản lý. Chị làm nghề giúp việc, hoàn cảnh gia đình chật vật nhưng không tham lam.

Ám ảnh tuổi thơ cơ cực, chàng trai Hà Giang lên núi làm điều cảm động

Ám ảnh chuyện cứ mua gạo nấu cơm ăn lại thiếu tiền đi học, nên khi đã tạm lo được cho mình, chàng trai Hà Giang quyết định làm điều khiến ai cũng bất ngờ, cảm động.

Đang cập nhật dữ liệu !