Sạt lở đất 45 người mất tích ở Quảng Nam, tìm thấy 7 thi thể
Vụ sạt lở đất ở Nam Trà My chiều 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn. Sở Chỉ huy Tiền phương do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm Trưởng Chỉ huy.
Ngày 28/10, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 2 vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người dân.
Ngay trong đêm 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị, lực lượng ứng cứu bàn phương án cứu nạn các nạn nhân bị vùi lấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện chỉ đạo, phải khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, cứu những người còn sống sót. Theo đó, yêu cầu địa phương và các đơn vị phải tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần với phương châm “4 tại chỗ”, để thực hiện nhiệm vụ này.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn. Sở Chỉ huy Tiền phương do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm Trưởng chỉ huy, đại diện lãnh đạo Quân khu 5 làm Phó chỉ huy, một người của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn- Bộ Quốc phòng làm Phó chỉ huy.
Trước hết là sớm xác định vị trí bị nạn, đường đi đúng tuyến để tập trung lực lượng tìm kiếm. Trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn phải lưu ý đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm. Cần rất thận trọng, chúng ta rút kinh nghiệm của những lần trước, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta thận trọng và hết sức chú ý nhưng không vì thế làm chậm quá trình tìm kiếm cứu nạn.
Ông Lê Trí Thanh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc thành lập Sở Chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích là cần thiết và đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu thành phần tham gia phục vụ công tác tìm kiếm.
Trong đó, phải trinh sát thật kỹ để tìm ra phương án tối ưu nhất. Trên cơ sở phải nắm bắt được đặc điểm địa hình ở khu vực đó: "Với tình hình thời tiết vừa rồi, chúng ta mới xây dựng đề xuất phương án tối ưu nhất. Lực lượng chúng ta phải tham khảo ý kiến người dân địa phương. Họ có kinh nghiệm đặc điểm trên đó, phải cùng với họ để tìm ra phương án tối ưu nhất".
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị các đơn vị Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam chuẩn bị lực lượng, đảm bảo công tác hậu cần, xe cứu thương, sử dụng Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My làm bệnh xá của Sở Chỉ huy Tiền phương.
Theo đó, Y tế phải là của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Lấy Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My làm Bệnh xá Sở Chỉ huy tiền phương. “Tôi sẽ cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Lữ đoàn công binh 270 và cơ quan của quân khu sẽ lên trên đó. Đề nghị cho kiểm tra, khảo sát trước, chỗ nào tắc phải báo trước, chuẩn bị xe đầu kéo, sáng mai cơ động”, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến nói.
Quảng Nam: Xót xa những ngôi nhà tan hoang, đổ nát do sạt lở
Sau tiếng “ầm”, hàng trăm mét khối đất đá cuồn cuộn đổ xuống chôn vùi nhà cửa cùng nhiều tài sản. Trong tích tắc, 5 ngôi nhà bên đồi Thượng Đức (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bỗng tan hoang, đổ nát.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện đã có thông tin ban đầu về sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng, tuy nhiên từ trung tâm xã đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận.
Theo đó, có 45 người ở thôn 1 xã Trà Leng và 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân mất tích. Đến 23 giờ đêm qua đã tìm thấy 7 thi thể. 4 người may mắn thoát nạn.
Đường từ trung tâm huyện Nam Trà My đến xã Trà Leng khoảng 25km đang bị chia cắt do ảnh hưởng bão số 9, nhiều điểm sạt lở trong khi trời tiếp tục mưa to, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Xã Trà Leng và xã Trà Vân cùng ở huyện miền núi Nam Trà My, cách nhau 45 km; giao thông khó khăn, địa hình phức tạp, chủ yếu là gò đồi xen với ruộng bậc thang.
PV