Nguy cơ sạt lở núi, huyện biên giới di dời khẩn cấp hơn 1.000 người dân
Mưa lớn kéo dài khiến một số xã ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn.
Trưa 21/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, các cơ quan chức năng của huyện đã di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại các xã Mường Típ, Bảo Nam, Mường Ải nên tuyến đường từ xã Chiêu Lưu đi xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi, gây ách tắc giao thông, đe dọa đến sự an toàn của nhà dân.
Tuyến đường nối xã Chiêu Lưu và Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) xuất hiện nhiều điểm sạt lở. |
Nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm ở huyện Kỳ Sơn. |
Các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn đã di dời khẩn cấp 271 hộ dân với hơn 1.380 nhân khẩu, chủ yếu ở các xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam và Chiêu Lưu đến nơi an toàn.
Tại huyện Tương Dương (Nghệ An), do mưa lớn, nguy cơ sạt xảy ra cao nên chính quyền xã Tam Quang đã phối hợp với bộ đội biên phòng di dời khẩn 22 hộ gia đình của hai bản Tùng Hương và Tân Hương đến nơi an toàn.
Ngoài ra, thị trấn Thạch Giám có 15 nhà nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Hiện, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ di dời một số tài sản và người đến nơi an toàn trong bản; sau khi hết mưa, tình hình an toàn mới được trở về nhà.
Bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền xã Tam Quang (huyện Tương Dương) di dời khẩn cấp 22 hộ dân ở sát lưng núi. |
Do mưa lớn kéo dài liên tục nhiều ngày, tuyến đường vào xã Nậm Giải (huyện Quế Phong) cũng bị sạt lở. Tuyến đường từ xã Châu Thôn đi bản Mường Lống (xã Tri Lễ) bị ách tắc nhiều ngày do sạt lở, đá lớn sạt từ vách núi xuống chắn ngang đường. Phát hiện sự cố trên, huyện Quế Phong đang cử lực lượng trực gác, không cho các phương tiện qua lại trên đoạn đường này.
Ngoài ra, huyện biên giới Quế Phong cũng đã chỉ đạo UBND xã Châu Kim tiến hành vận động 6 hộ dân di dời ra khỏi phạm vi có nguy cơ sụt lún, sạt lở trên nằm bên quốc lộ 16 để đảm bảo an toàn.
Lực lượng chức năng vận động các hộ dân để vận động di dời để đảm bảo an toàn về người và tài sản. |
Một số hình ảnh tại khu vực tập trung người dân phải di dời tránh nguy cơ sạt lở núi:
Hàng ngàn người dân xã Mường Ải, Mường Típ, Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) được di dời về khu vực lán trại tập trung để đảm bảo an toàn. |
Lực lượng chức năng hỗ trợ mì tôm, nhu yếu phẩm cho người dân. |
Ngày 21/10, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh Nghệ An vừa có công điện số 13 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 8.
Theo đó, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCTT - TKCN các huyện ven biển; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Ban chỉ huy PCTT - TKCN các sở ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các lực lượng chức năng tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, khi có tình huống đột xuất để xử lý kịp thời.
Việt Hòa