Nghệ An: Nước thải đen ngòm chảy thẳng ra sông Lạch Vạn, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng
Rác thải và nước thải “bủa vây” khiến cho môi trường cảng cá Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Rác thải “bủa vây” Lạch Vạn
Cảng cá Lạch Vạn là một trong những cảng lớn ở Nghệ An. Nơi đây tập trung tàu thuyền của ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Kim… (huyện Diễn Châu) ra, vào cập bến.
Tại cảng cá Lạch Vạn vào những ngày cuối tháng 3/2021, một mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, đặc biệt vào những ngày trời bắt đầu có nắng nóng. Nguyên nhân phần lớn là do tình trạng rác thải vứt bỏ tràn lan dọc cảng cá Lạch Vạn.
Rác thải vứt bừa bãi ở cảng cá Lạch Vạn gây ô nhiễm môi trường. |
Lượng rác thải tràn lan ở ven bờ lạch chủ yếu là do một số người dân thiếu ý thức đổ trộm; hoặc những người đi vào cảng vào ban đêm và sáng sớm đổ ra với đủ loại rác như bao bì xác rắn, túi ni lon, vỏ chai nhựa…
Theo người dân địa phương, tình trạng cảng cá ô nhiễm xảy ra đã nhiều năm nay, đặc biệt là mỗi lần tàu thuyền cập bến. Lúc này, công tác phân loại, chế biến hải sản diễn ra khiến tất cả nước thải, rác thải từ hoạt động này tuồn thẳng xuống dòng Lạch Vạn.
Ngoài ra, việc người dân tiến hành rửa các loại hải sản, nước thải đen ngòm chảy lênh láng trên khu vực cảng rồi đổ thẳng xuống sông Lạch Vạn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nước rửa hải sản, nước thải đen ngòm, chảy lênh láng tại khu vực cảng. |
Trước đó, vào những tháng cuối năm 2020, vào mùa đánh bắt ốc dùi (hay còn gọi là ốc xoắn, ốc đinh - PV) mỗi ngày chàng trăm con tàu lớn, nhỏ cập cảng Lạch Vạn với hàng tấn ốc đem về. Ốc được phân loại ngay tại cảng cá và con đường dọc sông Vạn, nhiều nhất là địa bàn từ xóm Yên Quang đến xóm Đông Lộc (thuộc xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu). Sau khi phân loại, thương lái thường thu mua ngay tại chỗ để xuất khẩu đi Trung Quốc.
Điều đáng nói, vỏ ốc sau khi được phân loại thì phần lớn người dân đổ ngay xuống khu vực cảng Lạch Vạn và xuống sông, mùi hôi thối nồng nặc. Nguy hại hơn khi hàng tấn ốc đổ lấn sông, ảnh hưởng đến dòng chảy.
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện nay, một lượng lớn vỏ ốc “tập kết” dọc bờ sông vạn một phần đã bị dòng nước cuốn trôi, số còn lại nằm dọc bờ sông, mùi hôi thối nồng nặc. Tình trạng này vẫn chưa được chính quyền sở tại và ban quản lý cảng Lạch Vạn có phương án xử lý triệt để.
Hiện nay một lượng lớn vỏ ốc dùi vẫn đang tồn tại dọc bờ sông Vạn khiến môi trường bị ô nhiễm, dòng chảy bị bồi lắng. (Ảnh tư liệu) |
Tuyên truyền, xử lý các trường hợp xả rác
Theo đại diện cảng cá Lạch Vạn, trung bình mỗi ngày cảng cá có khoảng 50 - 60 tàu tàu của ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích và một số ít xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu) ra - vào cảng để bốc dỡ hải sản và tiếp nhiên liệu đi biển. Cảng cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường.
Trung bình mỗi ngày cảng cá có khoảng 50 - 60 tàu của ngư dân ra - vào. |
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) xác nhận, việc xả rác bừa bãi ra khu vực cảng và dọc bờ sông Vạn là đúng thực tế và người dân cũng phản ánh nhiều với chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động bà con cần nâng cao ý thức trong việc xử lý rác thải, bảo vệ tài nguyên môi trường. Nhất là khu vực cảng cá khi lượng ngư dân, thương lái tập trung về đây buôn bán rất đông mỗi ngày.
“Địa phương cũng đã nhiều lần phối hợp với Cảng cá tiến hành tuyên truyền, cấm người dân không xả rác bừa bãi để bảo vệ môi trường xung quanh. Hiện nay, tình trạng xả vỏ ốc dùi thì không còn nữa nhưng bao ni lông người dân vẫn vứt bừa bãi, rồi nguồn nước thải khiến môi trường bị ô nhiễm”, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.
Nước rửa hải sản cùng nước thải đổ xuống cống, xả thẳng ra sông Lạch Vạn đầy rẫy vỏ ốc. |
Lượng vỏ ốc một phần bị cuốn trôi, số còn lại vẫn tồn tại gây ô nhiễm, bồi lắng. |
Bảo Trâm