Chuyện tình của "dũng sĩ phá bom" Vương Đình Nhỏ nơi ngã ba Đồng Lộc

Đã ngoài tuổi bảy mươi, nhưng chị Trần Thị Luận- vợ của anh hùng phá bom tại ngã ba Đồng Lộc năm xưa Vương Đình Nhỏ vẫn gánh trên đôi vai gầy guộc biết bao nhiêu nỗi lo toan, vất vả của gia đình.

Bà Luận vợ anh hùng Vương Đình Nhỏ đang viết lưu bút cho lớp trẻ

“Tôi đến với anh bằng sự khâm phục”

Dưới chân núi Mòi (xã Đồng Lộc, huyện can Lộc, Hà Tĩnh), ngọn núi lịch sử mà nữ anh hùng La Thị Tám thường đứng đếm bom, bây giờ mọc thêm ngôi nhà ngói mới của gia đình chị Trần Thị Luận, là con gái đầu lòng của ông Trần Ký (chị Luận là vợ của anh hùng Vương Đình Nhỏ).

Khi nghe tôi hỏi về chuyện tình của chị với anh hùng Vương Đình Nhỏ, chị Luận kể: Anh ấy hơn tôi những 15 tuổi, nhưng vì tình thương và sự khâm phục nên tôi lấy.

Chị Luận tâm sự: Làng này, lúc đó không khi nào ngớt tiếng bom, bom nó rải cả ngày lẫn đêm, hết tốp máy bay này quay về lại tốp khác tới. Tôi lúc đó cũng tham gia san lấp hố bom cùng đoàn viên thanh niên trong xã. 

Và chị nhớ lại hồi chị gặp anh Vương: "Lúc đó, anh Nhỏ ở nhà bà Toa, cạnh nhà tôi nên tôi thường hay cõng em sang chơi. Tôi và bạn bè thường gọi anh bằng chú. Anh Nhỏ tính hiền lành, nhưng ít nói ít đùa. Dáng người anh cao gầy, đôi mắt thâm quầng và da dẻ thì đen hơn cột nhà cháy. Áo quần lúc nào cũng khét lẹt mùi khói bom. Tôi nghe bà con bảo chú Nhỏ “phá bom” tài lắm, chú đã “phá” tới hàng trăm quả bom an toàn.

Nhưng có một lần tôi được tận mắt chứng kiến, đơn vị giao thông vận tải đặt trước sân những chiếc quan tài sơn màu đỏ và làm lễ “truy điệu sống” cho cho những người “cảm tử quân” đi phá bom, trong đó có chú Nhỏ. Đêm đó tôi nằm mơ thấy chú Nhỏ bị bom vùi, tôi vội vã gào lên: “Chú Nhỏ ơi! Chú đừng chết”. Lúc tỉnh giấc, nước mắt ướt đẫm cả gối.

Hôm sau tôi sang nhà bà Toa chơi, tôi thấy chú Nhỏ vẫn rắn rỏi trong bộ quân phục màu cỏ úa. Trên đôi vai chú, nặng trình trịch những dây, những chạc cuộn lại vòng tròn, cộng thêm một chiếc “ máy phá bom”, trông giống như máy bơm nước.

Tôi hỏi chú Nhỏ rằng, máy này với dây này, làm sao chú “rà” được, để cho bom nổ 9 – 10 quả một lần".

Nghe tôi hỏi vậy, chú Nhỏ chỉ nhẹ nhàng nói: Trước hết, mình phải rất bình tĩnh, để thao tác thật nhanh. Nếu bom địch nổ hàng loạt chưa “rà” kịp, máy bay bỏ tiếp loạt nữa, thì mình cứ việc rải dây, nối các đầu bom lại. Nối xong, ngồi vào hầm trú ẩn và dùng máy quay là bom phát nổ ngay.”. Nghe chú Nhỏ nói vậy, tôi có cảm tưởng như trời ban cái biệt tài cho chú. Cái tài đó, được xuất phát từ sự gan dạ phi thường".

Kể từ giờ phút ấy, Luận cảm thấy phục chú, thương chú và càng muốn tiếp xúc gần gũi với chú Nhỏ nhiều hơn. Một buổi trưa tình cờ, Luận thấy chú Nhỏ đang ngồi trước hiên nhà bà Toa, mở tung cái rương gỗ ra để sắp xếp lại đồ đạc, rồi lấy kim khâu lại quần bị đứt chỉ. Luận hồn nhiên nói: Chú “phá bom” giỏi, nhưng may vá chắc chi đã bằng cháu. Thôi, để cháu khâu giúp chú có được không?”. Chú Nhỏ gật đầu đồng ý, và lần đó Luận đã tình cờ phát hiện được vô số huân chương, huy chương, giấy khen và cả huy hiệu Bác Hồ tặng cho chú nhỏ như “Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ”. Rồi cả những bài báo viết về chú, chú đã cắt dán cẩn thận vào sổ tay công tác.

"Tôi quen chú Nhỏ được hơn 1 năm, thì đơn vị “phá bom” của chú Nhỏ được lệnh điều chuyển đi nơi khác. Không hiểu sao tôi lại khắc khoải nhớ về người con trai quê ở Kỳ Thịnh (Kỳ Anh) ấy. Thế rồi, chẳng hiểu “trời xe, đất kết” làm sao, tôi đem lòng yêu chú Nhỏ.

Tôi chẳng biết, sau cái đêm chú Nhỏ trở lại thăm nhà tôi và tâm sự cùng tôi, trong ánh trăng khuya xuyên qua tàu lá cọ là đêm gì? Chỉ biết đêm đó, tôi đã thốt lên tiếng: Anh!", chị Luận bồi hồi nhớ lại.

Và sau khi được anh Nhỏ chia sẻ về cuộc đời và gia cảnh của mình ở quê, và chị Luận cũng biết trước đây anh Nhỏ đã có vợ ở quê, nhưng hai vợ chồng không hợp nhau, nên ly hôn. Chị Luận đã thành thật nói với anh Nhỏ rằng: “ Nếu anh thương Luận và chịu “ở rể’ tại nhà, thì Luận chấp nhận lấy anh”. Ban đầu anh Nhỏ không thể tin vì hai bên quá “chênh lệch” nhau về tuổi tác, hơn nữa anh là người đàn ông đã qua một đời vợ.

Hồi đó, tôi đã bước qua mọi dư luận, bước qua sự dằn vặt nội tâm của người mẹ đẻ mình, để đi tới hôn nhân với anh. Trong bối cảnh này, anh Nhỏ cũng vậy, bao nhiêu bạn bè và đồng đội khuyên can. Rồi thủ trưởng đơn vị mời lên trao đổi, với mong muốn là anh quay về đoàn tụ với vợ cũ. Sắp xếp tốt được chuyện riêng tư, chắc chắn đợt này anh sẽ được làm hồ sơ, đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Anh Nhỏ bảo: “ Nếu một người vợ tốt, thì ai nhẫn tâm bỏ. Tôi còn trẻ gì nữa đâu mà không nhận thức được điều ấy. Chuyện phong anh hùng của tôi, nếu chưa được đợt này cũng chưa muộn đâu, rồi lịch sử sẽ phán xét”.

Sau đó, ngày 19/9/1970, đoàn thanh niên xã Đồng Lộc đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho chị Luận và anh Nhỏ. Một đám cưới thời chiến rất đơn sơ, giản dị, nhưng đầy ắp tình bạn, tình đồng chí. Chỉ có nước chè xanh, một ít kẹo và ba tút thuốc lá, nhưng ai cũng thích được lên đọc thơ, đọc vè, tấu và hát những bài ca chiến thắng để chúc mừng, vợ chồng ông “dũng sĩ phá bom”.

Cô con gái út Vương Thị Thương xúc động nhìn ảnh cha tại phòng truyền thống.

Cùng nhau vun đắp tổ ấm

 Sau 1 năm chung sống hạnh phúc, chị Trần Thị Luận đã sinh đứa con gái đầu lòng. Hôm cháu Vương Thị Vân chào đời, cũng là ngày anh Vương Đình Nhỏ suýt bị bom vùi. Khi về nhà xem gương mặt con, anh Nhỏ cười to và nói với mọi người: “Bữa nay là bữa tôi vui nhất, vì phá được 9 quả bom ở 2 đoạn đường. Thông đường cho hơn chục chuyến xe đi cùng một lúc. Và giờ được nhìn thấy “mẹ tròn con vuông” thì tối nay tôi không ăn cũng no”.

Năm 1972, chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt tại Ngã ba Đồng Lộc, dũng sĩ Vương Đình Nhỏ lại tiếp tục chỉ đạo và tham gia phá được 1899 quả bom các loại.

Không chỉ phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc, anh còn được cấp trên điều động đi phá bom ở Kỳ Anh, Cửa Sót, Thượng Gia, Khe Giao, Truông Kén... Sau này, anh Nhỏ tâm sự với chị Luận, lần anh lo nhất là buổi trưa ở bến phà Linh Cảm. Nắng tháng sáu hôm đó, như muốn nấu sôi cả dòng nước sông La. Bất ngờ, 2 chiếc máy bay phản lực của đế quốc Mỹ bổ nhào xuống, thả 4 quả bom tấn vào ngay đầu bờ Bắc bến phà Linh Cảm.

Đúng lúc này, có một đoàn xe đặc biệt của cán bộ cao cấp quân đội cần vượt phà để đi công tác gấp. Nếu chậm trễ, không những mọi kế hoạch bị đảo lộn, mà bom phát nổ sẽ gây nguy hiểm cho đoàn. Trước tình huống này, anh Nhỏ đã bình tĩnh, hướng dẫn anh em dùng dây kéo cho quả bom dịch chuyển sang bên mép đường, rồi lần lượt cõng từng người một qua phà. Sau đó, anh tiến hành tháo mấy quả bom một cách mau lẹ, an toàn. Xe đi bon bon, trong ánh mắt khâm phục của mọi người.

Mỗi lần hướng dẫn cho đồng đội phá bom, anh Nhỏ thường nhắc: “Thằng giặc thua, không chỉ do ta có cục gan to, mà ta còn sáng kiến và mưu mẹo nữa”.

Anh đã truyền đạt những sáng kiến ấy cho đồng đội mình học tập, từ cách tháo đồng hồ ở bom từ trường như thế nào cho an toàn đến cách tiết kiệm thuốc nổ, trong lúc phá bom phải xử lý như thế nào để vừa nổ được nhiều bom mà đường lại đỡ hư hỏng. Để đánh lừa mục tiêu của địch, Vương Đình Nhỏ và đồng đội đã dùng “lá cót” đóng thành những “chiếc ô tô giả”, rồi cài bóng điện vào. Địch cứ thấy ánh sáng là xả bom vào đấy.

Rồi chiến tranh cũng qua đi, đất nước thống nhất. Năm 1977, anh được Ty giao thông Hà Tĩnh làm thủ tục và cho hưởng chế độ hưu. Với cuốn sổ gạo 13kg mỗi tháng, cộng với số tiền lương hưu ít ỏi, khiến anh hàng ngày không khỏi suy tư, tính toán. Gia tài ra ở riêng, được mẹ vợ dành cho một chiếc giường gỗ cũ, mấy cái bát ăn cơm và một chiếc tô đựng canh. Kỷ vật trong chiến tranh, anh mang về là một tấm vải dù và chiếc ống pháo sáng bằng nhôm. Đủ khoai cho các con ăn lúc này đã là khó, chưa nói chi chuyện con trái gió trở trời. Gia đình anh Nhỏ, có tới 6 miệng ăn, riêng 4 đứa con anh đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Để tìm lối thoát cho gia đình trong cơn bĩ cực, Vương Đình Nhỏ đã lên xin phép chính quyền địa phương khai khẩn đất hoang trồng khoai, trồng sắn. Tận dụng gò bãi, gieo đậu lạc, cấy lúa. Cả hai vợ chồng làm “đầu tắt, mặt tối” nhưng sản phẩm thu hoạch chẳng đáng được bao nhiêu. Một hôm, ông xóm trưởng đến nhà anh Nhỏ uống nước chè, tình cờ thấy gia đình anh đang ăn bữa chiều bằng nồi cháo tấm loãng trộn với lá khoai lang.

Ông thấy thương tình quá, bèn bảo: “Làng ta, ai cũng nghèo. Nhưng nhìn gia cảnh nhà ông, tui thấy tội quá. Thôi, ông chịu khó nhận thêm chân bảo vệ hoa màu cho hợp tác xã để có thêm khoản thù lao”.

Vài hôm sau, ông xóm trưởng đưa trường hợp của anh lên xã, rồi họp đội xin ý kiến xã viên, ai cũng đồng tình ủng hộ. Được nhận chân bảo vệ, anh mừng lắm và luôn mẫn cán với công việc. Một mình, một đèn pin, với đôi ủng đen, đêm đêm anh lội hết đồng xa, đồng gần.

Tuy cuộc sống gia đình có phần dễ chịu hơn trước, nhưng đói nghèo vẫn níu gót chân anh. Phần vì ăn uống quá thiếu thốn, phần do hậu quả của chiến tranh để lại, sức khỏe của anh Vương Đình Nhỏ ngày một giảm sút. Năm 1989, căn bệnh sỏi thận của anh tái phát. Anh Nhỏ gói bộ quần áo vào  ba lô, rồi xin ra bệnh viện Quân khu IV xin điều trị. Nhưng bị từ chối, vì giấy tờ của anh thuộc diện “ trái tuyến”. Anh về nhà, hai ngày sau căn bệnh trầm trọng hơn.

Anh đau đớn vật vã, không ăn, không ngủ được. Hàng xóm và người thân trong gia đình, phải đưa anh vào Bệnh viện huyện Can Lộc cấp cứu. Tại đây, Vương Đình Nhỏ đã được các y, bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Khi gắp được viên sỏi quái ác, nằm âm ỉ trong ổ bụng lâu ngày, anh Nhỏ thấy nhẹ nhỏm và khỏe hẳn lên.  

Chị Luận cũng thấy mừng thầm trong bụng, khi vận hội làm ăn trong gia đình có vẻ “thuận buồm” hơn trước. Thế nhưng giọng chị Luận bỗng nhiên chùng xuống: Tưởng rằng gia đình khổ nhiều quá rồi, trời thương để anh ấy cáng đáng thêm nhiều việc cho gia đình. Ai ngờ được.

Vừa lau nước mắt, chị Luận vừa đưa cho tôi xem một tờ biên bản của UBND thị trấn Lao Bảo xác nhận: Trường hợp cái chết, do tháo gỡ bom mìn của Vương Đình Nhỏ. Tôi sững sờ và mắt cũng nhòe đi, khi đọc những dòng chữ: "Vào năm 1990 nhân dân ở bản Ka Tăng, xã Tân Phước (nay là thị trấn Lao Bảo, huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức khai hoang giải phóng mặt bằng để sản xuất. Do nằm ở vùng trước đây xảy ra chiến tranh ác liệt, vì bom đạn còn lại sau chiến tranh rất nhiều. Nhân dân ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo đã gặp nhiều khó khăn. Trong lúc này, được biết ông Vương Đình Nhỏ, nguyên là dũng sĩ phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc, quê quán tại xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, là người hiểu biết nhiều về bom. Nhân dân bản Ka Tăng đã đến nơi ở của ông và nhờ ông Vương Đình Nhỏ vào, cùng với một số cán bộ và dân quân trong bản tháo gỡ một số quả bom, giúp dân giải phóng diện tích để sản xuất. Không may vào ngày 26/1/1990, trong lúc đang tháo gỡ thì một quả bom phát nổ làm cho ông Vương Đình Nhỏ cùng hai ông Hồ Mường – Đại úy đồn biên phòng về hưu và ông Hồ Ka Dền - Tiểu đội trưởng dân quân, chết tại chỗ. Thi hài không còn nguyên vẹn, nhân dân ở bản đã lượm lặt và chôn cất”.

Lần phá bom này lại vào thời hậu chiến, cái chết của Vương Đình Nhỏ đã làm nhói lòng vợ con, đồng đội và bạn bè thân hữu. Khi nhận được tin này, ông Nguyễn Tiến Chương - Nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh và ông Trần Quang Đạt - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, người đã hiểu được khí phách gan dạ của Vương Đình Nhỏ ở Ngã ba Đồng Lộc, cảm thấy mình có điều gì hụt hẩng, vì chưa làm tròn trách nhiệm một nhân chứng lịch sử. 

Sau mấy năm trời, cất công đi tìm hồ sơ ở địa phương, đến gõ cửa ở cơ quan nọ, cuối cùng hành trình ý tưởng hai vị nguyên là lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có kết quả.

Năm nay, nhân kỷ 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, bao nhiêu đồng đội cũ lại tìm về địa chỉ đỏ, họ ngậm ngùi nhắc tên anh Nhỏ.

Vào ngày 23/5/2005, 15 năm sau ngày Vương Đình Nhỏ hy sinh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ra quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Ngày 17/01/2006, tỉnh Hà Tĩnh đã làm lễ truy phong Anh hùng cho anh Nhỏ trong sự chứng kiến của đồng đội và nhân dân.

Hiện nay, cô con gái út của anh Nhỏ là Vương Thị Thương đang làm cán bộ thuyết minh tại phòng truyền thống Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, cháu rất tự hào khi được giới thiệu lại những chiến công huy hoàng của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có người cha thân yêu của mình. 

Phan Thế Cải

Anh trai sắp phá sản, mất sạch cửa nhà, em giàu có từ chối cho vay 50 triệu

Các cụ xưa có câu “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, thế mà anh em ruột nhà tôi chẳng bằng ao nước lã.

Nghỉ lễ con rủ về quê, mẹ nghẹn ngào 'bán hết rồi, nhà đâu mà về'

Mỗi dịp lễ, Tết, mẹ lại xốn xang muốn về gặp họ hàng, người thân. Nghĩ đến cảnh người ta có quê, có nhà để về, mình thì không, mẹ lại giấu tôi khóc.

Loạt dự án giao thông trọng điểm 'treo' hàng thập kỷ ở TP.HCM sẽ sớm hồi sinh?

Loạt dự án khơi thông các cửa ngõ ở TP.HCM bị treo hàng thập kỷ sẽ sớm triển khai nhờ cơ chế đầu tư theo hình thức BOT, thông qua 'đòn bẩy' Nghị quyết 98.

Ước mơ 3 đời của gia đình sống trong 'căn nhà' hơn 10m2 trên sông Lam

Hàng chục năm qua, nhiều hộ dân chài lưới ven bờ sông Lam phải sống lênh đênh nay đây mai đó. Ngôi nhà của họ là những chiếc thuyền cũ rộng chừng chục mét vuông.

Khán giả 'xoắn não' vì màn kết hợp mới của Hồng Diễm và Phương Oanh, Thu Quỳnh

Trong phim 'VFC ngoại truyện' sắp phát sóng, khán giả 'xoắn não' vì các nhân vật trong 'Quỳnh búp bê', 'Hương vị tình thân', 'Trạm cứu hộ trái tim' với Hồng Diễm, Phương Oanh, Thu Quỳnh cùng xuất hiện.

Nhận cuộc gọi từ quê, tôi bần thần nhớ ngoại, tiếc những ngày mải mê kiếm tiền

Mỗi lần về quê dịp 30/4, ngoại thường nấu cho mấy đứa cháu món canh cá lóc nấu chua chuẩn vị Nam bộ. Giờ hình ảnh ngoại lui cui trong chái bếp đã thành quá khứ.

Chuyện thoát 'cơn bĩ cực' nhờ được vay 100 triệu đồng của người bán rau

Chị bán rau ở chợ Văn Thánh (TP.HCM) chia sẻ, dù hợp đồng vay 100 triệu là 10 năm, nhưng sau 3-4 tháng đầu tư có thu nhập, chị sẽ cố gắng trả nợ trong 5 năm và xin ra khỏi hộ nghèo, nhường suất cho những người không may mắn khác.

3 con gái lấy chồng xa, mẹ nuôi đàn gà chỉ mong con cháu về nghỉ lễ

Mới sớm, mẹ đã gọi điện hỏi xem dịp lễ này con có về quê ngoại. Chưa kịp trả lời đã thấy mẹ sụt sùi, giọng nghẹn lại, con cũng cứ thế nước mắt tuôn rơi.

Nữ DJ miền Tây mặc áo dài chơi nhạc gây sốt, kể góc khuất "sống về đêm"

DJ Tina Thảo thường được chú ý bởi hình ảnh mặc áo dài, áo bà ba trong những buổi diễn sôi động. Cô gái gốc Cà Mau cho biết đây là cách cô tạo dấu ấn riêng, bất chấp những tranh cãi.

Câu nói xót xa của cô gái sau hành trình thoát khỏi kẻ buôn người

Hầu hết các nạn nhân của mua bán người, sau khi được giải cứu, đều khá ổn về mặt tâm lý trong vòng 1-3 tháng đầu. Nhưng sau khoảng thời gian này, một số vấn đề ở họ bắt đầu nảy sinh.

Đang cập nhật dữ liệu !