Đội Kyrgyzstan trở thành tân vương nội dung Tank Biathlon ở Bảng 2
Hôm 3/9, tại thao trường Alabino, ngoại ô Moscow đã diễn ra trận chung kết trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 nội dung “Xe tăng hành tiến” (Tank Biathlon) giữa các đội ở Bảng 2.
Trận chung kết ở Bảng 2 có sự tham dự của các đội tuyển Myanmar (xe vàng), Tajikistan (xe đỏ), Kyrgyzstan (xe xanh dương) và Nam Ossetia (xe xanh lá).
Theo kết quả chính thức từ Ban tổ chức Tank Biathlon, kíp xe tăng của Kyrgyzstan thi đấu xuất sắc vượt qua tất cả các bài thi trên đường đua ở nội dung Tank Biathlon với thời gian là 2 giờ 16 phút 50 giây, hạ 11/24 mục tiêu. Với kết quả này đội Kyrgyzstan giành HCV nội dung Tank Biathlon ở Bảng 2.
Về đích thứ 2 là đội Tajikistan với tổng thời gian 2 giờ 20 phút 3 giây, hạ 5/24 mục tiêu và giành HCB.
Đội Myanmar giành HCĐ với thành tích trong 2 giờ 28 phút 5 giây, hạ 8/24 mục tiêu.
Đội Nam Ossetia đứng ở vị trí thứ 4 với thành tích 2 giờ 29 phút 6 giây, hạ 3/24 mục tiêu.
Trận chung kết ở Bảng 1 diễn ra vào ngày 4/9 lúc 19h30 (giờ Hà Nội) giữa các đội Nga, Trung Quốc, Kazakhstan và Azerbaijan.
Theo kết quả bốc thăm chia bảng trước đó, có 11 đội tuyển thi đấu ở Bảng 1, bao gồm: Azerbaijan, Belarus, Venezuela, Việt Nam, Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, Serbia, Syria và Uzbekistan.
Bảng 2 có 8 đội tuyển xe tăng, bao gồm: Lào, Qatar, Kyrgyzstan, Mali, Myanmar, Tajikistan, Abkhazia và Nam Ossetia.
“Vòng đua tiếp sức” được áp dụng ở vòng bán kết và chung kết của nội dung Tank Biathlon. Phần thi đua tiếp sức được tiến hành trên đường chạy với 10 chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo. Khác biệt của vòng đua tiếp sức so với vòng đua riêng lẻ là tham gia phần thi này có 3 kíp xe cho một đội và các kíp xe luân phiên sử dụng 1 xe tăng để thi đấu. Trong trường hợp xe tăng thi đấu gặp trục trặc kỹ thuật sẽ được Ban tổ chức xem xét chuyển sang sử dụng xe tăng dự phòng.
Thành tích của các đội tham gia trận chung kết ở Bảng 2 nội dung Tank Biathlon. (Ảnh cắt từ video) |
Tại vòng đua tiếp sức, mỗi kíp xe sẽ chạy 4 vòng, bao gồm vượt chướng ngại vật và tiêu diệt 8 mục tiêu theo quy định. Độ khó của các bài thi cũng được nâng lên đáng kể so với vòng đua riêng lẻ. Đối với mục tiêu của pháo tăng, đội thi sẽ phải bắn mục tiêu ở trạng thái hành tiến (pháo ngang). Phần thi bắn súng máy 12,7 mm ngoài bia số 25, xạ thủ phải bắn thêm bia số 11 giả lập pháo chống tăng.
Vòng 1: Đua tốc độ có chướng ngại vật.
Vòng 2: Trong vòng đua có hành tiến bắn đạn pháo trong khi xe chạy ngang vào 3 mục tiêu xe tăng (bia số 12).
Vòng 3: Trong vòng đua có bắn súng máy 12,7 mm vào các mục tiêu máy bay trực thăng treo (bia số 25) và pháo chống tăng (bia số 11).
Vòng 4: Trong vòng đua có bắn súng máy song song vào mục tiêu xạ thủ mang súng chống tăng cá nhân (3 bia số 9).
Thứ tự thực hiện các vòng thi được các đội thực hiện là khác nhau để tránh trường hợp cùng lúc có quá nhiều đội tuyển cùng tham gia một vòng đấu.
Tổng cộng, hơn 5.000 quân nhân, gồm 275 đội từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham gia tranh tài ở 34 nội dung. Trong đó, các đội tuyển đến từ Brazil, Burkina Faso, Cyprus, Malaysia, Cameroon và Ecuador sẽ lần đầu tiên tham gia tranh tài.
Đội tăng của Serbia và Belarus ‘tuột xích’, mất vé vào vòng chung kết
Hôm 2/9, trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 nội dung “Xe tăng hành tiến” (Tank Biathlon) trận bán kết 2 của Bảng 1 đã kết thúc với kết quả rất bất ngờ.
Thanh Bình (lược dịch)