Đội du kích tự vệ Nam Kỳ - lực lượng quan trọng trong Cách mạng tháng Tám
![]() |
Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta đã đi từ xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng lên xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, đi từ xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng rộng rãi lên xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng tập trung, phối hợp giữa đội quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương trong các hoạt động xây dựng và tác chiến.
Từ kinh nghiệm của phong trào cách mạng quần chúng đang diễn ra, Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng (10/1930), đề ra tổ chức các đội tự vệ của công nhân, nông dân và chỉ rõ phải thành lập ra bộ phận chuyên trách quân sự trong Đảng để giúp cho các công hội, nông hội tổ chức lực lượng tự vệ của công nông, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang của quần chúng sau này.
Tháng 3/1940, Xứ ủy Nam Kỳ vạch rõ: Để chuẩn bị bạo động, trước mắt là tổ chức đội tự vệ và du kích ở các địa phương. Đến tháng 7/1940 tại nhiều nhà máy, trường học, đường phố các tỉnh Nam Kỳ, ngoài tổ chức tự vệ đã hình thành các tổ, tiểu tổ du kích.
Ở vùng nông thôn, nhiều xã tổ chức được từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Biên chế ba người thành một tổ, ba tổ thành một tiểu đội, ba tiểu đội thành một trung đội, trang bị thô sơ, tiến hành huấn luyện quân sự, chuẩn bị khởi nghĩa.
Đội du kích Hóc Môn (Gia Định), đội du kích Cần Giuộc (Chợ Lớn), đội du kích Vĩnh Liên (Vĩnh Long), đội du kích Mỹ Tho là những đội quân du kích đầu tiên của Nam Kỳ tham gia khởi nghĩa tháng 12/1941.
Vào những năm trực tiếp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, các đội tự vệ cứu quốc được thành lập ở những nơi có các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.
Từ trong lực lượng tự vệ cứu quốc hết sức rộng rãi ấy lại thành lập ra các đội tự vệ chiến đấu (còn gọi là tiểu tổ du kích) làm hạt nhân, được tổ chức chặt chẽ hơn, trang bị đầy đủ hơn và luyện tập nhiều hơn.
Trong điều kiện cách mạng nói chung và khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng nói riêng đang trên đà phát triển mạnh, trên cơ sở các lực lượng tự vệ, du kích các địa phương Cao - Bắc - Lạng đã trưởng thành, để có một lực lượng chủ lực làm nòng cốt và chuẩn bị cho việc phát động chiến tranh du kích sắp tới, ngày 22/12/1944, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Với sự ra đời của đội quân chủ lực này, hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm 3 thứ quân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – đội quân chủ lực; Các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, các châu, các huyện và các đội quân địa phương; các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng xã, xí nghiệp, đường phố - lực lượng bán vũ trang địa phương.
Đội du kích Ba Tơ là tổ chức vũ trang đầu tiên ở Nam Trung Bộ ra đời sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11/3/1945) do Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi lãnh đạo.
Ngoài Khu Giải phóng Việt Bắc, tại các chiến khu khác và vùng ngoại vi Khu giải phóng, nhiều đội du kích tập trung đã được thành lập và ngày càng lớn mạnh.
Tại chiến khu Trần Hưng Đạo (duyên hải Đông Bắc), đội du kích khi mới được thành lập vào tháng 6/1945 có khoảng 200 người, đến hạ tuần tháng 7 lên tới 500 người, biên chế thành 2 đại đội và 3 trung đội.
Tại chiến khu Quang Trung (Hòa Bình – Ninh Bình - Thanh Hóa), ở khu căn cứ trung tâm Quỳnh Lưu (Ninh Bình) ngoài các trung đội tự vệ chiến đấu còn có một trung đội vũ trang thường trực mang tên Giải phóng quân.
Tại Quảng Ngãi, lực lượng du kích Ba Tơ khi mới thành lập vào trung tuần tháng 3/1945, chỉ có một trung đội, cho tới đầu tháng 8 đã phát triển thành hai đại đội du kích tập trung ở hai chiến khu Vĩnh Sơn (Sơn Tịnh) và Núi Lớn (Mộ Đức).
Mỗi đại đội gồm 5 trung đội, 1 trung đội gồm 5 tiểu đội, tổng số tới 1000 người. Tại nhiều địa phương khác như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Đông, Hà Nam, Hòa Bình, Vinh… các đội tự vệ cứu quốc và các đội du kích tập trung cũng được xây dựng và phát triển.
Bên cạnh các lực lượng tự vệ, du kích, tại nhiều tỉnh còn lập ra các đội thanh niên xung phong vũ trang, các đội “Danh dự” trừ gian, diệt phản như Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây,Vinh – Nghệ An…
Trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám, lực lượng quần chúng có vũ trang thô sơ là lực lượng đông đảo nhất và giữ vị trí quyết định. Lực lượng vũ trang tuy số lượng không nhiều, thiếu trang bị, non yếu về trình độ tác chiến nhưng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động công kích quân sự ở một số nơi, gây thanh thế cho cách mạng, đồng thời là lực lượng nòng cốt, lực lượng xung kích hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.