Độc đáo 18 cây di sản ở Lam Kinh, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) có 18 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
Trong đó, tại trung tâm Khu di tích có 13 cây và 5 cây tại Khu đền thờ Trung túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc).
Ngay từ khi bước vào cổng Ngọ Môn, cổng đón tiếp trước khi vào sân chầu điện Lam Kinh là sự hiện diện của cây đa thị với tuổi đời đã 300 năm.
Cây đa thị là một trong những cây cổ thụ lớn nhất ở Lam Kinh, mọc lên giữa thành nội phía Tây Nam sân Rồng.
Không rõ từ bao giờ, cây đa phát triển ôm trọn cây thị, trở thành một gốc hai ngọn (vừa đa, vừa thị) vào mùa nào cho ra quả ấy nên được nhân dân địa phương gọi là "cây Đa-Thị".
Đến năm 2007, cây thị chết đi chỉ còn lại cây đa. Nhưng đến năm 2016, thì có sự hồi sinh khi bên phải cây đa lại mọc lên một cây thị.
Ngày nay, du khách đến với Lam Kinh vẫn được những hướng dẫn viên giới thiệu và dẫn đi thăm cây đa thị.
Nằm bên phải chính điện Lam Kinh là cụm cây duối (cây dưới) gồm 5 cây mọc sát nhau với 300 năm tuổi. Theo sử sách vào năm 1788, khi bức tường thành nội phía Tây sụp đổ, những cây duối bắt đầu mọc lên trên nền bức tường thành.
Phía sau 5 tòa Thái miếu là cây sui khoảng 600 năm tuổi, nằm ngay trước mộ vua Lê Thái Tổ.
Cây sui có đường kính rộng hơn 1m, cao hơn 40m đứng thẳng tắp, cành lá xanh tốt như tấm lọng che chắn cho mộ của vua Lê.
18 cây di sản được phân bố rải rác ở các khu vực trong khu di tích, mỗi cây có dáng vẻ riêng nhưng tạo nên một quần thể cây cổ thụ hiếm có và vô cùng độc đáo.
Cụ thể, đứng trước mộ vua Lê Thái Tổ là cây sồi nếp hàng trăm năm tuổi với vỏ cây xù xì, như một tiêu binh danh dự canh giấc ngủ cho vị vua có công đánh đuổi giặc Minh.
Ngoài ra, trong 18 cây di sản tại Lam Kinh còn có cây lim xanh hàng trăm năm tuổi nằm bên cạnh mộ vua Lê Hiến Tông với thân hình xù xì, tán cây rộng lớn...
Nhìn trên bản đồ hành chính, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh nằm cách TP Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Nơi đây cũng chính là quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ), nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh.
Sau mười năm đầy gian khổ (1418-1427) nằm gai nếm mật dựng cờ khởi nghĩa, quy tụ được biết bao anh hào khắp nơi tụ hội như Nguyễn Trãi; Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đã đánh đuổi được giặc Minh, khôi phục độc lập cho dân tộc, lập ra triều Lê Sơ.
Khu di tích Lam Kinh cũng chính là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua, thái hoàng, thái hậu triều Lê Sơ...