Doanh nghiệp Việt “nhập cuộc” sử dụng hợp đồng lao động điện tử
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, tính đến tháng 9/2022, cả nước có tổng số 50,5 triệu người trong độ tuổi lao động, tăng 1,5 triệu người so với cùng kỳ 2021.
Cùng với sự phát triển của Internet, người lao động và doanh nghiệp không chỉ gói gọn ở quy mô làm việc tại 1 nhà máy, 1 tòa nhà văn phòng mà có thể có mặt ở khắp cả nước (Grab, Bee, Freelancer…) dẫn đến nhu cầu của doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng trong việc tăng cường sử dụng các phương tiện điện tử trong việc ký kết hợp đồng lao động để có thể: Tuyển dụng nhanh chóng, giảm gánh nặng hành chính, quản lý từ xa và hiệu quả tài liệu nhân sự, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường…
Hợp đồng lao động điện tử được nhìn nhận là xu hướng mới và doanh nghiệp nên tham gia càng sớm càng tốt.
Tại Việt Nam, Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, Bộ luật Lao động năm 2019 đã thừa nhận tính pháp lý của hợp đồng điện tử nói chung và hợp đồng lao động điện tử nói riêng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm cần được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn và triển khai đồng bộ.
Bàn về câu chuyện hiện trạng triển khai ứng dụng hợp đồng lao động điện tử tại Việt Nam, ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) dẫn một cuộc khảo sát và nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mức độ ứng dụng giao kết hợp đồng lao động điện tử tại doanh nghiệp mới bắt đầu có xu hướng phát triển từ năm 2021 và chủ yếu mới được áp dụng tại các doanh nghiệp về công nghệ, trong khi đó, nhu cầu quản lý số lượng lớn lao động hiện tập trung nhiều ở các ngành nghề khác như: Dệt may, chế biến…
“Quy trình giao kết hợp đồng lao động điện tử vẫn đang được triển khai dưới dạng mô phỏng lại quy trình giấy của doanh nghiệp. Việc thương thảo chủ yếu được thực hiện bên ngoài quá trình giao kết hợp đồng lao động, chỉ khi đã thống nhất thì các bên mới sử dụng hợp đồng lao động điện tử như một công cụ ký kết”, ông Bảo phân tích.
Được biết, VNPT là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nghiên cứu và đưa vào triển khai chính thức dịch vụ Hợp đồng điện tử - VNPT eContract từ năm 2021 với hơn 5.000 doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng. Trong đó 20% khách hàng đang sử dụng để ký kết hợp đồng lao động điện tử.
Sau quá trình triển khai và ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp, lãnh đạo VNPT-IT nhận định: Với hợp đồng lao động điện tử, thủ tục giao kết được tiến hành mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng và thuận tiện; dễ dàng quản lý, lưu trữ, tra cứu; tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn như: Thiếu sự công nhận của hợp đồng điện tử nói chung và hợp đồng lao động điện tử nói riêng từ một số cơ quan bên ngoài (bảo hiểm xã hội, tòa án…); Chi phí đối với việc sử dụng chữ ký số cao tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp khi mua chữ ký số trang bị cho người lao động.
Để thúc đẩy hoạt động triển khai ứng dụng hợp đồng điện tử nói chung, hợp đồng lao động điện tử nói riêng, mong muốn của lãnh đạo VNPT-IT cũng như của nhiều doanh nghiệp Việt khác là các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, chấp nhận hợp đồng điện tử ở mọi lĩnh vực, đẩy nhanh tiến trình liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền thúc đẩy ứng dụng hợp đồng lao động điện tử và chữ ký số tới mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Lãnh đạo VNPT-IT cam kết thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục cung cấp đa dạng tiện ích, triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy thị trường giao dịch điện tử đến từng công dân.
Lam Anh