Điều ước “tham lam” suốt 10 năm của bác sĩ khiến nhiều người bật khóc
Ảnh minh họa. |
Đến với chương trình Cất cánh, bác sĩ Bùi Thanh Phúc (Khoa Phẫu thuật cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện đã chia sẻ với khán giả thực tế sự mất mát, nỗi đau của các nạn nhân chứ không chỉ là những con số tử vong hay thương tật khô khan.
Mỗi lần chứng kiến những câu chuyện thương tâm, bác sĩ Phúc lại ước rằng mỗi người cẩn thận hơn một chút để không ai gặp tai nạn. 10 năm túc trực ở khu vực cấp cứu, anh cho rằng mình thật "tham lam" khi đã ước quá nhiều. Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Phúc khiến hàng trăm người rơi nước mắt.
"Tôi nhớ như in đêm trực đầu tiên với tư cách là bác sĩ nội trú một ngày hè nóng nực khoảng 9h tối, cháu bé 8 tuổi vào viện trong tình chảy máu mũi, tai, biến dạng ở chân. Cháu lập tức được đưa vào phòng mổ. 30 phút sau, cấp cứu không hiệu quả bác sĩ cột 1 quyết định dừng cấp cứu. Bệnh nhân nhi đầu tiên của tôi, bệnh nhân đã tử vong. Tôi ngồi sụp xuống sàn.
Tôi biết thêm hoàn cảnh của cháu bé, hai bố con đi ăn giỗ. Trên đường về, bố con cháu gặp hội đua xe. Hai bố con bị hội đua xe đâm phải. Bố cháu đã mất ngay ở Bệnh viện tỉnh, còn cháu được đưa lên Bệnh viện Việt Đức.
Tai nạn đã cướp đi sinh mạng của hai bố con. Hai con người không còn trở về nhà mình được nữa. Tôi ước không có hội đua xe. Điều ước của tôi sau đêm trực đầu tiên.
Thời gian thấm thoát trôi đi, một buổi trực như bao buổi trực khác, tôi đi buồng cùng với các bác sĩ khác. Cô bé chừng 20 tuổi, cô bé được chẩn đoán dập nát phần tay bên phải. Cô bé là sinh viên của một trường nhạc viện. Trên đường bạn trai cô bé đưa đi sinh nhật về thì gặp tai nạn. Bạn trai cô cũng nằm đây, bị chấn thương sọ não nặng. Tôi xem hồ sơ của anh bạn đó, nồng độ cồn gấp 10 lần cho phép.
Cô gái đỡ đau hơn, cô hỏi bao giờ cô được mổ. Cô còn một kỳ thi, kỳ thi piano, liệu cô có kịp trở về dự kỳ thi đó không? Cô còn tham gia đi dạy thêm các bé cấp 1 học đàn, các học sinh của cô có phải chờ cô lâu không? Tôi động viên cô, cô sẽ được mổ ngay.
Hơn 1 tuần sau, tôi đi hội chẩn ở phòng hồi sức cấp cứu. Tôi gặp lại cô bé đó. Cô nhận ra tôi ngay. Giọng cô lần này buồn buồn. Cô nói với tôi “Vết thương của cháu ở bàn tay, cẳng tay tiến triển không tốt. Một vài ngày tới có thể phải cắt tay nếu không sẽ không giữ được tính mạng.
Ước mơ của một cô giáo piano không còn nữa. Tôi ước những buổi liên hoan, sinh nhật không có rượu bia.
Hơn 10 năm sau lại ngày trực khác. Một nữ điều dưỡng của Bệnh viện Việt Đức trên đường về quê bị tai nạn. Cô đã được sơ cứu ở bệnh viện tuyến dưới và chuyển lên tuyến trên. Cô bệnh nhân này, sáng chủ nhật đi về quê. Tai nạn xảy ra khi cô quay trở về Hà Nội. Chắc cô quá mệt, tôi nghĩ vậy. Hơn 8h ca mổ kết thúc. Mọi người đều cố gắng hết sức nhưng không có nhiều hi vọng.
Hơn 2 tháng trôi qua. Em ra viện, sụt 20 kg. Nhưng ra viện với xe lăn các bạn ạ. Tôi ước giá như hôm đó em đừng vội vàng đi về khi đã quá mệt mỏi, giá như em đi xe khách.
Đây là những trường hợp chúng tôi thực sự đã trải qua, thực sự chứng kiến. Tôi mong muốn chúng ta có thể cùng nhau thay đổi văn hóa giao thông để cho ai cũng được trở về nhà. Đây là điều ước của tôi sau 10 năm hành nghề và tôi mong nó sẽ thành sự thật”.
Chia sẻ của anh Phúc đã khiến cả trăm khán giả tại trường quay không cầm được nước mắt. Hàng trăm bình luận chia sẻ về mong ước thật tuyệt vời của bác sĩ Phúc.