Điều hành tỷ giá linh hoạt, chống sốc cho thị trường tiền tệ
Những ngày gần đây, tỷ giá trung tâm USD được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày duy trì quanh mức 22.727 VND. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần và tỷ giá sàn giao động quanh mức 23.410-22.048 VND/USD.
Thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng khá tốt, nhu cầu mua bán ngoại tệ của khách hàng được đáp ứng tốt. |
Hiện lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.
Đối với các giao dịch USD, so với tuần trước, lãi suất bình quân trong các tuần đầu tháng 11 khá ổn định. Lãi suất một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm và 01 tháng tăng nhẹ lần lượt từ 0,01%/năm và 0,11%/năm lên mức 2,25%/năm và 2,62%/năm. Trong khi với kỳ hạn 1 tuần thì diễn biến ngược lại, lãi suất giảm 0,02%/năm về mức 2,28%/năm.
Có được sự ổn định như trên, chuyên gia cho rằng cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay của Ngân hàng Nhà nước đã có sự tính toán kỹ lưỡng và dựa trên cơ sở thực tế như rổ tiền tệ, đồng Nhân dân tệ cũng như các yếu tố vĩ mô. Thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng khá tốt, nhu cầu mua bán ngoại tệ của khách hàng được đáp ứng tốt.
Bên cạnh đó, nguồn cung USD dồi dào nhờ năm nay Việt Nam xuất siêu mạnh hơn, thặng dư thương mại hơn 6 tỷ USD, nguồn tiền giải ngân FDI hơn 13,5 tỷ USD.
Toàn bộ những yếu tố trên là cơ sở hiến tỷ giá USD/VND nhanh chóng ổn định sau thời gian “tăng nhiệt”.
Thêm vào đó, áp lực trả nợ ngoại tệ cuối năm không lớn vì đối tượng vay USD khá hạn chế. Việc thoái vốn nhà nước tại các DN cổ phần hóa được đốc thúc, trong đó có nhiều thương vụ lớn như BIDV bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, cùng với nguồn kiều hối gửi về tăng mạnh vào dịp cuối năm tạo nguồn cung USD dồi dào cho thị trường.
Trong thông điệp phát đi tuần trước, NHNN khẳng định sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Theo đánh giá của chuyên gia, ưu điểm trong chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam trong nhiều năm qua là thông điệp tích cực, lạc quan, tạo sự yên tâm nơi dân chúng về đồng tiền quốc gia, đảm bảo ổn định tiền tệ, giúp ổn định vĩ mô. Đây là thành tích đáng ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước trong thực thi các chinh sách về thị trường tiền tệ, tránh sốc cho các doanh nghiệp cũng như người dân, thị trường.
Hiện nay bên cạnh những thống kê về thị trường tiền tệ do NHNN công bố, trên thị trường còn một số các thống kê công bố từ nhiều nguồn khác nhau, điển hình là công bố thống kê về thị trường tài chính, tiền tệ từ các công ty chứng khoán.
Nhằm đảm bảo thông tin công bố thống kê về thị trường tiền tệ đảm bảo khách quan, không gây tác động xấu đến sự ổn định tiền tệ, hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ quốc gia, NHNN vừa ban hành thông tư về điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng ngoài thống kê nhà nước.
Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng ngoài thống kê nhà nước nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuân thủ tuân thủ yêu cầu quy định tại Điều 68 Luật thống kê. Tổ chức, cá nhân không được tiến hành điều tra thống kê hoặc công bố thông tin về điều tra thống kê làm phương hại đến lợi ích quốc gia, sự ổn định tiền tệ, an toàn hoạt động ngân hàng và chính sách tiền tệ quốc gia. Khi công bố kết quả điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng ngoài thống kê nhà nước phải trích dẫn phương pháp điều tra, mẫu điều tra, phạm vi tiến hành điều tra, thời gian và thời điểm tiến hành, kết thúc cuộc điều tra. Điều này hy vọng mang lại thị trường thông tin thống kê về tài chính tiền tệ lành mạnh, phản ánh thực chất thực tế cũng như ngăn chặn những bất ổn có thể nảy sinh từ việc công bố thông tin có hơi hướng lợi ích nhóm.