Điểm sáng ở Yên Bái
Đạt 17/19 tiêu chí NTM
Khi đặt chân đến xã Tuy Lộc, những hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là con đường bê-tông dài vút tầm mắt, rẽ nhánh vào từng đường làng, ngõ xóm. Xen lẫn những ngôi nhà ngói kiên cố là nhiều ngôi nhà tầng cao rộng, kiến trúc sang trọng, đầy đủ tiện nghi. Ngay phía sau là cánh đồng đất bãi phẳng lì, xanh mướt mát màu của lá ngô, rau sạch... Điểm tô vào nền xanh ấy là màu đỏ của những chùm ớt, cà chua chín mọng.
Ông Nguyễn Đức Luận, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, hồ hởi khoe: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, chính quyền và nhân dân xã đã phải đổ không ít mồ hôi và tiền của. Động lực để địa phương không ngừng nỗ lực phấn đấu là 19 mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM”.
Là một trong 10 xã trên địa bàn TP Yên Bái được thành phố lựa chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình xã NTM, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại, thúc đẩy kinh tế phát triển, trong những năm qua, chính quyền xã Tuy Lộc đã tích cực phối hợp với hệ thống Khuyến nông Yên Bái mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, như: trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi, trồng rau an toàn… Sau đào tạo, nông dân đã mạnh dạn tham gia vào các dự án chăn nuôi lợn, gà, thỏ... các dự án trồng nấm, dự án hoa và rau an toàn… Đồng thời liên kết với Cty Cổ phần Rau củ quả Hương Cảnh Yên Bái trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt xuất khẩu và các loại rau an toàn để xây dựng hệ thống sản xuất - tiêu thụ ổn định.
Những thửa ruộng ớt xuất khẩu trở thành điểm tựa để những nông dân Tuy Lộc
thoát nghèo
Bên cạnh đó, những phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo được phát động rộng khắp. Thông qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh hiệu quả; số hộ vươn lên thoát nghèo có đời sống khá giả ngày càng tăng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,7 triệu đồng năm 2010 lên 15 triệu đồng năm 2012. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 13,4% năm 2011 xuống chỉ còn 7,62% năm 2012.
Điều đặc biệt, xã Tuy Lộc có 2.200 người trong độ tuổi lao động thì 99,3% trong số đó có việc làm thường xuyên (còn lại 0,7%, tương đương 15 người thuộc diện yếu thế, ốm đau). Trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay, khi mà ở nhiều địa phương khác đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là bài toán việc làm cho người lao động, thì những kết quả nêu trên rất đáng được biểu dương.
Ông Nguyễn Đức Luận cho biết thêm: Đến hết năm 2013, Tuy Lộc đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí NTM (theo bộ tiêu chí đã điều chỉnh). Trong đó có 15 tiêu chí tiếp tục được duy trì và nâng cao. Còn 2 tiêu chí chưa đạt là chợ nông thôn và cơ sở vật chất văn hoá. Tuy nhiên, với tiêu chí chợ nông thôn, xã đề nghị thành phố điều chỉnh vì Tuy Lộc không nằm trong quy hoạch phát triển chợ của tỉnh.
Dựa vào sức dân
Nhờ triển khai sâu rộng phong trào toàn dân góp sức xây dựng NTM, xã Tuy Lộc đã huy động được một khối lượng nhân lực, vật lực hùng hậu. Đến hết năm 2012, tổng kinh phí xây dựng NTM của xã là 18,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Nhà nước chỉ ở mức gần 6 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là nguồn vốn của nhân dân và các doanh nghiệp.
Trong 2 năm 2011-2012, xã đã kiên cố hoá được 4,8 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 5,8 tỷ đồng, hoàn thành xong các tuyến chính về giao thông nông thôn. Phong trào hiến đất làm đường giao thông, làm nhà văn hoá được nhân dân đồng tình ủng hộ; tiêu biểu như nhân dân thôn Minh Thành hiến 1.600 m2 đất xây dựng nhà văn hoá; các thôn Thanh Sơn, Hợp Thành hiến gần 2000 m2 đất, phá dỡ trên 1.000 m2 cac công trình kiến trúc xây dựng đường giao thông…
Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Hoa chia sẻ: “Do Tuy Lộc nằm tiếp giáp sông Hồng nên những năm trước trước thường xảy ra lũ lụt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nhân dân, đặc biệt là hệ thống chống úng trên địa bàn. Để cải thiện tình trạng này, xã đã cho khởi công xây dựng dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi phục vụ dự án sản xuất rau an toàn và hoa trên địa bàn; xây dựng mới hoàn thiện hệ thống kênh tiêu chống úng. Đến nay, nhiều vùng trũng trước đây không sản xuất được, nay người dân đã có thể gieo trồng trở lại”.
Qua ghi nhận thực tế các mô hình sản xuất rau an toàn ở thôn Minh Thành, trang trại chăn nuôi lợn tại Trung tâm Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thuộc Tổng Cty Hòa Bình Minh, chúng tôi nhận thấy, hoạt động sản xuất chăn nuôi của địa phương đang ngày càng được chuyên nghiệp hoá với sự kết hợp hiệu quả giữa đồng vốn của doanh nghiệp và trình độ chuyên môn của nông dân. Và sự hiệu quả ấy được thể hiện ngay trong lời tâm sự của một người nông dân chất phác.
“Đầu năm 2012, sau khi kết thúc lớp học trồng ớt xuất khẩu do Khuyến nông thành phố tổ chức, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 mẫu ruộng từ trồng lúa sang trồng ớt. Kết quả thật ngoài mong đợi. Với năng suất hơn 3 tạ/sào, bán cho Cty Hương Cảnh giá 12.000 đồng/kg chúng tôi lãi to", bà Nguyễn Thị Loan, 49 tuổi ở thôn Minh Đức.