Điểm mặt những thảm kịch hàng không từng xảy ra ở Trung Quốc
Trung Quốc từng phải chứng kiến không ít vụ tai nạn máy bay cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Vụ tai nạn trên chuyến bay MU5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines có thể khiến ngành hàng không Trung Quốc phải nâng mức cảnh báo an toàn.
Hôm 21/3, chiếc Boeing 737-800 của hãng China Eastern Airlines chở theo 132 người đã bất ngờ gặp nạn và lao xuống khu rừng ở huyện Đằng thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.
Chiếc ERJ-190 gãy đôi và khiến 44 trong tổng số 96 người trên máy bay tử vong ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Tính tới ngày 23/3, tức 2 ngày sau vụ tai nạn, công tác tìm kiếm những người sống sót vẫn đang được lực lượng cứu hộ Trung Quốc triển khai. Chưa có phát ngôn chính thức từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc về con số thương vong sau tai nạn. Đáng nói, trong đống vật dụng cá nhân và la liệt các mảnh vỡ ở hiện trường, lực lượng chức năng vừa tìm thấy chiếc hộp đen và vẫn đang xác minh nguyên nhân dẫn tới thảm họa hàng không thảm khốc đầu tiên trong 12 năm qua tại Trung Quốc.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), vụ tai nạn không chỉ khiến dư luận Trung Quốc bị sốc về con số thương vong tiềm tàng, mà còn bởi những sự vụ như này là chuyện khá hiếm trong vòng 20 năm qua.
Nói tổng thế, ngành hàng không dân sự Trung Quốc được đánh giá duy trì độ an toàn cao kỷ lục. Bởi Trung Quốc là một trong những quốc gia có khoản đầu tư lớn nhất trên thế giới để đảm bảo an toàn hàng không, cùng các quy định chặt chẽ và trang bị nhiều máy bay thế hệ mới nhất.
Vào ngày 19/2, Cục Hàng không Dân sự Trung Quốc thông báo các máy bay chở khách của nước này đã vận hành 100 triệu giờ bay trong vòng 137 tháng mà không để xảy ra sự cố lớn nào. Đây được xem là con số an toàn kỷ lục trên thế giới.
Trước khi xảy ra tai nạn vào ngày 21/3, vụ rơi máy bay gần nhất gây thương vong cho hành khách ở Trung Quốc là vào ngày 24/8/2010. Tai nạn xảy ra trên chuyến bay của hãng hàng không Henan Airlines khởi hành từ thành phố Cáp Nhĩ Tân. Máy bay đã bị rơi trong lúc hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Nghi Xuân của tỉnh Giang Tây.
Cụ thể, chiếc máy bay ERJ-190 do Brazil sản xuất đã gặp sự cố và gãy đôi khi hạ cánh xuống đường băng, khiến 44 trong tổng số 96 người có mặt trên máy bay tử vong.
Cách tai nạn ở sân bay thành phố Nghi Xuân 2.102 ngày, Trung Quốc chứng khiến thảm kịch trên chuyến bay của hãng China Eastern Airlines di chuyển từ thành phố Bao Đầu thuộc khu tự trị Nội Mông. Vụ tai nạn xảy ra chỉ ít phút sau khi chiếc Bombardier CRJ-200 cất cánh. Máy bay sau đó đã rơi xuống một hồ nước gần sân bay và nổ tung khiến toàn bộ 53 người có mặt trên máy bay thiệt mạng cùng 2 người dân ở gần đó.
Những vụ tai nạn cướp đi sinh mạng nhiều người nhất được xác định xảy ra trong thập niên 80 và 90 tại Trung Quốc.
Riêng tỉnh Quảng Tây từng chứng kiến 2 vụ tai nạn hàng không quy mô lớn. Vào năm 1982, một chiếc máy bay của hãng China Southern Airlines đã lao xuống huyện Cung Thành và khiến toàn bộ 112 người trên chuyến bay tử vong. Tới năm 1992, một chiếc máy bay khác cũng của hãng China Southern Airlines gặp nạn ở huyện Dương Sóc và khiến 141 người mất mạng.
Đỉnh điểm vào năm 2002, 2 chuyến bay của hàng không Trung Quốc gặp tai nạn trong vòng 1 tháng. Trong đó, một chuyến bay gặp nạn ở Hàn Quốc vào ngày 15/4, và chuyến bay còn lại là ở thành phố Đại Liên vào ngày 7/5. Tổng số người tử vong trong 2 vụ tai nạn là 234. Con số thương vong lớn khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng và buộc các ban ngành liên quan đẩy mạnh công tác tăng cường mức độ an toàn cho ngành hàng không.
Ngoài vấn đề kỹ thuật, hàng không Trung Quốc từng đối mặt với không ít tình huống gây mất an toàn trên các chuyến bay xuất phát từ phía hành khách.
Như vào ngày 7/3/2008, một người phụ nữ định châm lửa vào bình xăng để tự sát ngay trên chuyến bay của hãng China Southern Airlines trên hành trình từ Urumchi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương tới thủ đô Bắc Kinh. May mắn, hành động của người phụ nữ đã được ngăn chặn kịp thời và sau đó máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống thành phố Lan Châu thuộc tỉnh Cam Túc.
Sau đó 4 năm, phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay của hãng Tianjin Airlines từ thành phố Hòa Điền tới thành phố Urumchi cũng đã ngăn được vụ đánh cắp máy bay do nhóm 6 người thực hiện.
Trong quá trình ngăn chặn không tặc, 11 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã bị thương. Ngoài ra, 2 tên tội phạm bị tiêu diệt và 2 kẻ khác bị thương. Máy bay đã quay đầu trở về sân bay thành phố Hòa Điền an toàn.
Hai sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng hàng không China Southern Airlines và Tianjin Airlines được liệt vào hành động khủng bố.
Hay như trên chuyến bay của hãng Sichuan Airlines khởi hành từ thành phố Trùng Khánh tới Thành Quan vào ngày 14/5/2018, kính chắn gió ở khoang lái chiếc Airbus A319-100 đã bị rơi ra ngoài. Hậu quả, cơ phó đã bị hút ra ngoài phía cửa, nhưng may mắn cơ trưởng kịp hạ cánh khẩn cấp và tránh nguy hiểm cho 128 người có mặt trên chuyến bay.
Chiếc máy bay trong thảm kịch hàng không ở Trung Quốc nổi tiếng toàn cầu như thế nào?
Máy bay Boeing 737-800 trong thảm kịch hàng không ở Trung Quốc có tới 4.502 chiếc đang được khai thác trên toàn cầu.
Minh Thu (lược dịch)