Điểm danh những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu
Giao thông của Napoli (Italy) và Krakow (Ba Lan) được đánh giá là ô nhiễm môi trường nhất ở châu Âu.
Theo một nghiên cứu của Mạng lưới liên kết các thành phố sạch (Clean Cities), các thành phố châu Âu phải khẩn cấp giảm lượng khí thải carbon từ giao thông để đáp ứng các mục tiêu khí hậu, trong đó có quá trình chuyển đổi sang dịch vụ di chuyển xanh vào năm 2030.
Cụ thể, trong số 36 thành phố châu Âu được phân tích, không có thành phố nào đủ gần để đạt được mức trung tính carbon trong lĩnh vực giao thông vào thời điểm nghiên cứu.
Điểm danh những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu. (Ảnh: Globallookpress) |
Khi đánh giá xếp hạng, Clean Cities đã tính đến các yếu tố như an toàn đường bộ cho người đi bộ, khả năng tiếp cận phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và chất lượng không khí. Thủ đô Oslo của Na Uy thành công nhất trong việc chống khí thải giao thông, tiếp theo là Amsterdam (Hà Lan) và Helsinki (Phần Lan).
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đánh gia Napoli và Krakow là ô nhiễm nhất về lượng khí thải từ giao thông, hơn nữa, thành phố của Ba Lan xếp hạng thấp một phần do vấn đề tắc đường.
Các trung tâm tài chính của Paris và London lần lượt ở vị trí thứ 5 và 12. “Đây nên là lời cảnh tỉnh cho các cơ quan chức năng thành phố. Ngay cả những thành phố tốt nhất cũng không đi đúng hướng”, Giám đốc Chiến dịch Clean Cities Barbara Stoll cho biết.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), các khu vực đô thị chiếm hơn 1/5 tổng lượng khí thải giao thông ở Liên minh châu Âu (EU). EU cần ưu tiên giảm phát thải từ lĩnh vực này để đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2050.
Trước đó, vào tháng 11/2021, các nhà phân tích đã đánh giá thành phố có không khí bẩn nhất là thủ đô của Kyrgyzstan Bishkek. Nồng độ các hạt PM2.5 mịn trong không khí ở Bishkek vào ngày 8/11 là 294 microgam/mét khối, cao gấp 10 lần so với quy chuẩn.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) trong quý III/2021, Bulgaria là quốc gia ô nhiễm nhất châu Âu, với lượng khí thải tăng 22,7% so với năm trước. Tiếp theo là Latvia và Hy Lạp lần lượt là 16,2% và 13,1%. Đồng thời, lượng khí thải ở Slovenia, Luxembourg và Hà Lan giảm so với quý III/2020.
Eurostat ước tính rằng lượng phát thải lên tới 881 triệu tấn tương đương CO2, tăng 6% so với quý III/2020. Sự gia tăng lượng khí thải có liên quan đến sự hồi sinh hoạt động kinh doanh vào năm ngoái. Mỗi lĩnh vực điện và sản xuất chiếm gần 1/4 tổng lượng phát thải, trong khi các hộ gia đình và ngành nông nghiệp mỗi ngành chiếm 14%.
Tuy nhiên, Eurostat lưu ý rằng, so với quý III/2019, lượng khí thải giảm 10 triệu tấn. Bất chấp ảnh hưởng của sự phục hồi kinh tế, lượng phát thải vẫn có xu hướng giảm trong các mục tiêu của Liên minh châu Âu.
Thanh Bình (lược dịch)
Dòng người Ukraine ùn ùn di tản đến nơi an toàn
Nhiều người Ukraine bắt đầu rời khỏi các thành phố bị pháo kích sau khi Nga tuyên bố bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Donbass.