Điểm chuẩn đại học 2022 tăng hay giảm?
Đại diện các trường ĐH Hà Nội, ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã có dự báo ban đầu về điểm chuẩn tuyển sinh 2022.
Từ ngày 1/9 - 17/9, các cơ sở đào tạo (CSĐT) tải dữ liệu từ Hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo.
Trước 17 giờ ngày 17/9, các CSĐT công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ ngày 30/9, thí sinh trúng tuyển tiến hành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống. Từ tháng 10 - 12/2022, các CSĐT có thể tổ chức tuyển sinh bổ sung.
Thí sinh có nhu cầu xét tuyển sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của CSĐT.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay số thí sinh chính thức tham gia xét tuyển vào ĐH giảm khoảng 30% so với số có nguyện vọng đăng ký trước đó. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu điều này ảnh hưởng gì đến điểm chuẩn vào đại học bằng phương thức điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT?
TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội chia sẻ, với Trường ĐH Hà Nội, ngành có điểm chuẩn đầu vào cao là những ngành thị trường đang có nhu cầu, chẳng hạn như: Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh. 4 ngành này có điểm cao nhất.
Trong trường hợp một số thí sinh muốn học ngành Ngôn ngữ Anh nhưng biết khó đỗ được ngành này nên đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Nga, thường lấy điểm thấp hơn. Khi đã vào học Ngôn ngữ Nga, thí sinh không thể bỏ ngành này để chuyển sang học ngành Ngôn ngữ Anh?.
Đặc biệt, sinh viên có cơ hội khác để theo học ngành yêu thích tại ĐH Hà Nội bằng cách: đăng ký học song ngành, tức học cùng lúc 2 chương trình. Nếu thí sinh trúng tuyển vào trường theo ngành học bất kỳ, sau 1 học kỳ mà điểm trung bình đạt từ 6.0 trở lên, sinh viên có thể đăng ký học cùng lúc ngành thứ 2 trong trường. Ví dụ một số thí sinh muốn học ngành Ngôn ngữ Anh nhưng biết khó đỗ được ngành này nên đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Nga, thường lấy điểm thấp hơn.
“Tuy nhiên, sinh viên phải duy trì cả 2 chương trình này trong suốt thời gian học 4 năm. Việc này tương đối vất vả, tùy theo cặp ngành sinh viên lựa chọn mà quá trình học có thể dễ dàng hơn hoặc vất vả hơn”, TS Nguyễn Thị Cúc Phương trao đổi.
Để có thể dự đoán điểm chuẩn năm nay bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, thí sinh có thể lấy điểm chuẩn của năm 2021 cộng thêm 0,5 - 1 điểm sẽ ra điểm ở ngưỡng an toàn để cân nhắc đăng ký xét tuyển. Điểm chuẩn của những ngành hot có thể tăng từ 1 - 2 điểm.
Ngoài ra, tùy theo ngành/chương trình đào tạo (trừ một số ngành khó tuyển), điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn từ 2-6 điểm, một số ngành “cực hot” như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Y dược, Hàn Quốc học,… điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn 7-8 điểm.
Đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng với phương thức xét tuyển tổng hợp nhưng nếu so sánh từng thành phần thì điểm chuẩn có khả năng không tăng so với năm ngoái. Trong đó, một số ngành vẫn tiếp tục giữ mức điểm chuẩn cao như: khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật ô tô…
Còn đại diện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thì cho rằng số lượng nguyện vọng nhiều hay ít chưa phải là yếu tố quan trọng quyết định điểm chuẩn. Nguyện vọng giảm không hẳn điểm chuẩn giảm mà còn phụ thuộc vào kết quả thi của thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành cụ thể.
Hoàng Thanh