Điếc hoàn toàn chỉ vì thói quen hàng triệu người vẫn làm mỗi ngày
Các bác sĩ đã cảnh báo không nên ngoáy sâu vào tai bằng tăm bông bởi đầu tăm bông có thể gây ù tai, thủng màng nhĩ, mất thính giác hoàn toàn nhưng hàng triệu người vẫn làm điều đó mỗi ngày.
Điếc hoàn toàn chỉ vì thói quen ngoái lỗ tai (ảnh minh hoạ) |
PGS.TS. BS chuyên khoa tai mũi họng Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, dù đã được khuyến cáo chỉ được sử dụng tăm bông ở vành ngoài của tai, không bao giờ được đưa vào trong ống tai nhưng nhiều người vẫn sử dụng để lấy ráy tai hoặc làm khô tai khi nước vào trong tai sau tắm, bơi...; hoặc đơn giản là ngoáy khi cảm thấy ngứa trong tai… chỉ vì dụng cụ đó được gọi là tăm bông tai.
Một cuộc nghiên cứu mới tại Mỹ, mỗi năm có hơn 12.000 trẻ em cần điều trị y tế sau khi sử dụng tăm bông ngoáy tai. Tăm bông là nguyên nhân phổ biến gây chấn thương tai tại đất nước này. Theo đó, trong vòng hơn 20 năm qua, Mỹ đã ghi nhận có 263.000 trẻ em phải cấp cứu do tự làm mình bị thương bằng tăm bông.
Qua quá trình thăm khám cho bệnh nhân, PGS.TS. BS Phạm Thị Bích Đào cho biết, thực tế, hầu hết người bệnh đến với bác sĩ tai mũi họng đều khẳng định rằng họ rất cẩn thận trong việc hạn chế độ sâu của tăm bông ngoáy tai. Tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra với tai của họ.
Bản thân bác sĩ Đào từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ rơi vào tình cảnh oái oăm khi cô ấy đang ngoáy tai thì vô tình có người đi ngang qua, lỡ chạm vào tay cô ấy.
Bệnh nhân thấy xuất hiện đau tai khủng khiếp kèm theo chảy máu ngay sau đó. Màng nhĩ của cô gần như đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại một phần nhỏ. May mắn thay, các cấu trúc khác của tai giữa không bị tổn thương.
“Chúng tôi đã phải tiến hành phẫu thuật để vá lại màng nhĩ. Rất may, đã không xảy ra vấn đề nghiêm trọng. Bởi nếu tăm bông chỉ cần vào sâu hơn vài mm, cô ấy có thể đã mất đi vĩnh viễn toàn bộ thính giác (điếc vĩnh viễn- pv)”, PGS. TS Bích Đào nói.
Lý giải sự nguy hiểm khi sử dụng tăm bông để ngoaý tai, PGS Bích Đào cho biết, thực tiễn tại các cơ sở y tế đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sử dụng tăm bông thường xuyên, dần gây ra hiện tượng nghe kém.
“Điều này là do tăm bông như một cái pít-tông trong ống tai, sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn và nút chặt lấy ống tai, ngăn chặn dẫn truyền âm thanh vào tai giữa và gây khó cho bác sĩ khi lấy ráy tai”, PGS. TS Bích Đào nói.
Không chỉ gây giảm thính lực, tăm bông còn có thể gây thủng màng nhĩ. Trường hợp cô gái được PGS. TS Bích Đào từng cấp cứu là ví dụ điển hình.
Ngoài ra, theo PGS. TS Bích Đào, trong trường hợp nghiêm trọng, tăm bông có thể làm tổn thương nhiều cấu trúc thành trong hòm tai: cửa sổ tròn, cửa sổ bầu dục, chấn thương chuỗi xương con, chấn thương mê nhĩ qua cửa sổ tròn và gây điếc hoàn toàn, gây chóng mặt kéo dài kèm theo buồn nôn và nôn, mất chức năng vị giác, thậm chí liệt mặt…
Ráy tai là một chất tự nhiên mà cơ thể bạn tạo ra có lợi cho chính bản thân bạn. Nó có tính axit nhẹ, giúp chống lại vi khuẩn và nấm trong tai. Do ráy tai hơi nhờn, tạo ra một rào cản chống thấm nước cho da ống tai.
“Bạn thường không cần phải làm sạch ráy tai vì có một hệ thống làm sạch tự nhiên trong ống tai giúp quét ráy tai ra ngoài giống như một băng chuyền.
Ngay cả khi có nhiều ráy tai, nguy cơ bị tắc đến 90% ống tai mà vẫn có thể nghe rõ, vì bạn chỉ cần một khoảng không gian nhỏ để âm thanh truyền qua. Trong một số tình huống, tai tạo ra quá nhiều ráy tai đọng thành một nút, cản trở chức năng dẫn truyền âm thanh, lúc ấy bạn cần đến bác sĩ tai mũi họng để làm sạch”, PGS. TS Bích Đào nhấn mạnh.
Vị bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cũng nhấn mạnh, hiện ở một số nhà thuốc cũng có bán dụng cụ lấy ráy tai tại nhà sử dụng chất lỏng nhẹ trong ống tiêm để rửa sạch ống tai.
Đánh giá đó là những sản phẩm an toàn khi sử dụng, nhưng theo PGS. TS Bích Đào đôi khi chất lỏng này lại khiến ráy tai đóng quánh lại như xi măng trên bề mặt màng nhĩ, sẽ rất khó khăn cho bác sĩ khi làm sạch.
“Trong một số trường hợp chúng tôi đã phải sử dụng thuốc gây tê tiêm tại ống tai trước khi làm sạch khối ráy đó. Hãy cẩn trọng trước khi đưa một dụng cụ nào đó vào ống tai của bạn mà bạn khó kiểm soát được tác dụng bất lợi”, PGS. TS Bích Đào khuyến cáo.
H. Anh