ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến bỏ xét tuyển 'thuần' từ điểm thi tốt nghiệp THPT: Bất công với thí sinh các vùng miền?
Thông tin ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến không tuyển sinh từ điểm tốt nghiệp THPT từ năm 2023 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Có ý kiến cho rằng việc này gây bất công cho thí sinh nông thôn, miền núi.
Ngày 16/6, ĐH Kinh tế Quốc dân chính thức công bố Đề án tuyển sinh đại học 2022. Đáng chú ý, trường dự kiến từ năm 2023 không tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác, chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế.
Lý giải rõ hơn về phương thức tuyển sinh 2023, GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện nhà trường mới chỉ dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2023. Trong đó, dự kiến không xét tuyển "thuần" theo điểm thi tốt nghiệp THPT, mà xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với các tiêu chí khác.
"Nếu hiểu nhà trường không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là chưa chính xác. ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến vẫn sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển kết hợp với các tiêu chí khác chứ không phải không sử dụng. Ví dụ, có thể xét điểm thi IELTS + kết quả thi THPT của 2 môn Toán + Văn, hoặc kết hợp với một số tiêu chí khác", GS.TS Trần Thị Vân Hoa nói thêm.
Ảnh minh họa |
Ngay khi thông tin này được đăng tải phổ biến, trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít thí sinh tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Một số người còn bàn luận sôi nổi về việc ĐH Kinh tế Quốc dân từ bỏ phương thức tuyển sinh truyền thống bao năm nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách xét tuyển của ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ gây khó khăn hơn cho những em ở khu vực nông thôn, miền núi. Những thí sinh này thì ít cơ hội tiếp xúc và thi SAT, ACT, IELTS, thường chỉ tập trung vào kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.
Một số người khác cũng đặt ra vấn đề thay vì bỏ hẳn tại sao không góp ý để kỳ thi THPT quốc gia tốt hơn, để cơ hội vào những đại học lớn của học sinh thành phố và nông thôn là ngang nhau.
Chị Nguyễn Phương Nhi (Thái Bình) cho biết: “Với những học sinh ở tỉnh kẻ không có điều kiện thi IELTS thì kết quả thi tốt nghiệp THPT coi như biện pháp “cứu cánh” để vào những trường đại học top đầu.
Nay ĐH Kinh tế Quốc dân xét điểm thi tốt nghiệp kết hợp với các tiêu chí khác thì coi như những học sinh miền núi, vùng khó khăn không còn cơ hội.
Vì thế, tôi mong muốn chúng ta có những biện pháp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc hơn, đảm bảo chất lượng giúp xét tuyển đại học cũng là cách đảm bảo công bằng cho học sinh vùng khó khăn”.
Trao đổi với Infonet, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ Phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng việc tuyển sinh từ điểm tốt nghiệp kết hợp với các tiêu chí khác là quyền của các trường đại học.
“Đó là quyền của các trường đại học nhưng làm thế là không đúng với tinh thần Nghị quyết 59 về việc tạo thuận lợi, giảm nhẹ thi cử cho học sinh.
Tôi cho rằng các trường đại học không phải tự ý làm, thích là làm để rồi mất đi sự công bằng cho thí sinh các vùng miền.
Nếu nói không dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học là xu hướng chung của thế giới thì tôi đề nghị cho biết rõ xu hướng chung là xu hướng nào? Đừng bắt chước vô lối mà quên đi tính thực tế của việt Nam.
Đúng là các nước có hệ thống giáo dục tiên tiến thì họ bỏ thi tốt nghiệp nhưng Việt Nam liệu có làm được không?”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.
Chuyên gia này cũng đặt ra câu hỏi: Xem nhẹ thi tốt nghiệp và xét tuyển bằng điểm học bạ, thi SAT, ACT, IELTS nhưng ai chứng minh điểm đó chính xác hơn điểm thi tốt nghiệp THPT?
“Còn việc các trường đại học tổ chức thi riêng thì tôi không tán thành vì sẽ làm học sinh lại phải luyện lò nọ lò kia để thi càng gây áp lực hơn. Ngoài ra, các trường phải chứng minh họ đủ năng lực tổ chức thi riêng, những đề án tổ chức thi riêng phải đủ năng lực chứ không phải thích là tổ chức thi riêng”, Tiến sĩ Khuyến nói.
Hoàng Thanh