Đề xuất ‘gái ế’ lấy trai thất nghiệp ở Trung Quốc gây tranh cãi
Tranh cãi bùng nổ sau khi một huyện ở Trung Quốc khuyến khích phụ nữ độc thân lấy chồng là người thất nghiệp để tăng tỷ lệ kết hôn và sinh con.
Giữa lúc chính phủ Trung Quốc lo ngại về tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh con trên toàn quốc, huyện Nghi Hoàng thuộc tỉnh Giang Tây bất ngờ trở thành tâm điểm bị dư luận chỉ trích sau khi đưa ra loạt sáng kiến khuyến khích những “phụ nữ dư thừa” kết hôn bao gồm lấy đàn ông thất nghiệp.
Tại Trung Quốc, cha mẹ thường hy vọng con cái kết hôn trước 30 tuổi. Do đó, không khó để nhìn thấy cảnh bố mẹ chủ động đi tìm kiếm bạn gái hoặc bạn trai cho con cái thông qua mai mối.
Nhiều đề xuất khuyến khích kết hôn ở Trung Quốc gây tranh cãi trong dư luận. (Ảnh minh họa) |
Nếu như một người phụ nữ ở Trung Quốc vẫn chưa kết hôn sau 27 tuổi, họ thường bị gọi “shengnu” (tạm dịch: phụ nữ thừa thãi). Dù gần một nửa phụ nữ trẻ mà đa số họ có học thức cao và sinh sống ở các thành phố của Trung Quốc bị gọi với danh xưng này, nhưng họ khẳng định bản thân không vì thế mà vội vàng tiến tới kết hôn.
Theo tờ The Paper, chính quyền huyện Nghi Hoàng tung ra những ưu đãi về nhà ở và công việc, cùng khoản trợ cấp sinh con cho phụ nữ cùng bạn đời.
“Ở hiện tại, những cán bộ và người lao động là nữ giới đã lớn tuổi nhưng còn độc thân đang trở thành vấn đề đáng quan tâm nhất ở Trung Quốc và cần nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ toàn xã hội”, văn bản được chính quyền huyện Nghi Hoàng công bố nhắc tới những người phụ nữ ngoài 26 tuổi.
Điều gây tranh cãi là chính quyền huyện Nghi Hoàng khuyến khích phụ nữ chưa kết hôn lấy nam giới thất nghiệp với lời hứa chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ đào tạo nghề và kinh doanh, vay vốn làm ăn cũng như ưu tiên các vị trí việc làm trong ngành dịch vụ công.
Ngay lập tức, đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía cộng đồng mạng Trung Quốc. Nhiều phụ nữ đặt ra câu hỏi tại sao việc họ chọn không kết hôn lại có thể trở thành vấn đề của xã hội.
“Tôi nghĩ mình biết tại sao tỷ lệ kết hôn và sinh con lại liên tục giảm, nếu như họ không tôn trọng phụ nữ và xem phụ nữ là con người, tuyệt chủng là chuyện không còn xa”, một bình luận trên Weibo viết.
Một người khác bày tỏ bức xúc, “Tại sao nữ cán bộ 26 tuổi đã bị nói là ‘già’ và phải sinh con với một người thất nghiệp?”.
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ kết hôn và sinh con sụt giảm liên tiếp trong những năm gần đây khiến chính quyền các địa phương tung ra hàng loạt kế hoạch và sáng kiến để khắc phục tình hình. Trong số này, nhiều nơi đã cho xây dựng bộ dữ liệu thông tin để ghép đôi cho công dân, tổ chức các hoạt động hẹn hò, và thậm chí là hỗ trợ chi phí mua nhà dựa trên số con mà một cặp vợ chồng có.
Huyện Nghi Hoàng với dân số 240.000 người cũng đang tiến hành thu thập thông tin những phụ nữ độc thân để thiết lập cơ sở dữ liệu với mục đích “làm mối”.
Hồi năm ngoái, đề xuất từ một quan chức cấp cao Trung Quốc về việc để những “phụ nữ dư thừa” sinh sống ở thành thị kết hôn với nam giới độc thân ở vùng nông thôn cũng đã làm cộng đồng mạng Trung Quốc dậy sóng phản đối.
Trong năm 2021, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh con thấp kỷ lục, dù chính phủ nước này đã cho xóa bỏ chính sách một con vào năm 2016 và cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con từ năm ngoái.
Cụ thể, theo số liệu thống kê chính thức, 10,62 triệu trẻ ra đời vào năm 2021, giảm 11,5% so với con số 12 triệu trẻ trong năm 2020.
Tỷ lệ sinh con trên toàn lãnh thổ Trung Quốc giảm còn 7,52 trẻ/1.000 người. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc tiến hành thống kế. Và con số này cũng đã giảm so với mức 8,52 trẻ/1.000 người vào năm 2020.
Không riêng Trung Quốc, quốc gia này cũng ‘tặng tiền’ để người dân sinh con
Trước tình trạng tỷ lệ sinh đẻ giảm xuống mức thấp kỷ lục, chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách khuyến sinh bao gồm tặng tiền hỗ trợ.
Minh Thu (lược dịch)