Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2022 các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý có gì mới?
Đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố cơ bản tương tự như các năm học trước.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2022, nhiều giáo viên tỏ ra khá bất ngờ khi đề tham khảo không có nhiều thay đổi so với đề thi những năm trước.
Nhận định về đề tham khảo năm nay, TS Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên dạy Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi Ngữ văn giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lý, nhận thức của học trò".
Cụ thể, phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ nhận thức đã được giảm tải. Cũng như đề tham khảo và đề chính thức kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2020 – 2021, hai câu hỏi 1 và 2 cho phần Đọc hiểu của đề tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2021 – 2022 đều dừng lại ở mức độ câu hỏi nhận biết với những tín hiệu khá rõ ràng.
Câu hỏi số 1 yêu cầu nhận biết về một yêu tố hình thức của ngữ liệu, đó là thể thơ; câu hỏi số 2 yêu cầu nhận biết về một yếu tố nội dung của ngữ liệu, đó là yêu cầu: “Theo đoạn trích, sông Hồng đã để lại những gì trước khi về với biển”. Với yêu cầu nhận biết, đây sẽ là những câu hỏi giúp học trò dễ dàng đạt mức điểm tuyệt đối dành cho mỗi câu hỏi, thường có thể từ 0,5 tới 0,75 điểm.
Câu hỏi số 3 hướng tới mức độ thông hiểu khi yêu cầu thí sinh giải thích một chi tiết nội dung của ngữ liệu đọc hiểu “Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam?...”.
Câu hỏi số 4 có thể coi là câu hỏi vận dụng cao khi yêu cầu học trò chỉ ra ý nghĩa của hai dòng thơ “…máu ta mang sắc đỏ sông Hồng/nỗi khổ và niềm vui bất tận” với suy nghĩ, xúc cảm… của các em.
Đề thi tham khảo không có sự thay đổi nhiều giúp thí sinh cảm giác yên tâm, an toàn hơn. |
TS Trịnh Thu Tuyết nhận định: Với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kỳ thi THPT Quốc gia trước đây, phần Đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kỹ năng hứa hẹn khả quan cho quỹ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài. Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần Đọc hiểu trước đó, và đó cũng là những kỹ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT. Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian…
TS Trịnh Thu Tuyết cũng cho biết, đề tham khảo đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2021 – 2022, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù không có được nhiều cảm giác hồi hộp đón chờ sự mới mẻ, bất ngờ, điều vốn luôn là những thách thức thú vị cần có của mỗi kì thi.
Thầy Đỗ Ngọc Hà - Giáo viên Vật lý, Hệ thống Giáo dục HOCMAI) thì cho biết đề tham khảo môn Vật lý có 45% (18 câu) số câu hỏi là bài tập tính toán, 55% (22 câu) số câu hỏi lí thuyết. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ. Câu 36 là loại câu hỏi kết hợp kiến thức chuyên đề dòng điện không đổi (lớp 11) và dao động và sóng điện từ (lớp 12) đã từng xuất hiện dạng thức tương tự trong đề thi Tốt nghiệp THPT 2021 lần 1.
Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lí 12 là: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều và Hạt nhân nguyên tử.
Thầy Lê Anh Tuấn - Tổ Toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định đề thi tham khảo môn Toán bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi Tốt nghiệp THPT những năm gần đây và tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11. Mặt khác, các kiến thức trong đề thi đều nằm trong nội dung dạy học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong CV 4040 và đảm bảo mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Về độ khó của đề thi khoảng 45 câu hỏi trong đề (90%) là các dạng bài quen thuộc, học sinh đã được làm quen trong quá trình ôn tập. Trong đó, 39 câu đầu là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết, có 5 câu hỏi mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề Số phức, hàm số, mũ – logarit, hình Oxyz và tích phân (tương tự đề thi Tốt nghiệp năm 2021). Các câu hỏi vận dụng cao hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi trước đây (như cực trị hàm hợp, diện tích hình phẳng,…).
Ngoài ra, đề thi xuất hiện dạng câu hỏi mới liên quan đến tiếp tuyến của mặt cầu (câu 49) và mang tính phân loại cao. Để giải quyết câu hỏi này, học sinh cần kết hợp nhiều kiến thức về hình học Oxyz như vị trí tương đối của điểm và mặt cầu, của mặt phẳng và mặt cầu; cách tính khoảng cách,…
Hoàng Thanh