ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: "Cản trở thi hành án là một tội hình sự"
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm trên khi Quốc hội cho ý kiến về Luật thi hành án dân sự sửa đổi chiều 23/6.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cản trở thi hành án là một tội hình sự (Ảnh: VNN) |
Liên quan đến yêu cầu thi hành án, ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án mà không cần đơn yêu cầu của người được thi hành án. Quan điểm này phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Hơn nữa, khi bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành.
ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định theo hướng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án khi bản án quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu đương sự tự thỏa thuận giải quyết thì lập biên bản ra quyết định điều chỉnh việc thi hành án. Nếu đương sự không yêu cầu nữa thì ra quyết định đình chỉ việc thi hành án.
ĐB đoàn Hải Phòng cũng cho rằng, hiện nay vai trò của tòa án trong thi hành án dân sự còn mờ nhạt. Nhiều bản án quyết định tòa tuyên không rõ, có sai sót, không có tính khả thi… dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt kéo dài. Vì vậy, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của tòa án trong công tác thi hành án là cần thiết, giúp tòa án kiểm soát được phán quyết của mình để bản án có hiệu lực thực sự.
Theo ĐB H`Yim Kđoh (Đắk Lắk), tôn trọng sự tự định đoạt của các bên đương sự là nguyên tắc của Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó, có đề nghị thi hành án dân sự hay không cũng là quyền mà người được thi hành án dân sự được tôn trọng.
“Pháp luật luôn khuyến khích ý thức tự giác thực hiện pháp luật của công dân. Do đó, việc các bên tự nguyện thi hành án cần phải khuyến khích. Trong trường hợp tòa án nhân dân ra quyết định thi hành án mà không có ý kiến của người được thi hành án là vi phạm quyền tự định đoạt của người được thi hành án” – ĐB H`Yim Kđoh nói.
Ông H`Yim Kđoh cũng dẫn dụ thực tế nhiều bản án tuyên các bị cáo phải bồi thường nhưng không rõ địa chỉ của người bị hại, song vẫn được ra quyết định thi hành án nên cứ tồn từ năm này qua năm khác mà cơ quan thi hành án không có cách nào xử lý. Trong khi đó, theo quy định, khi đã có quyết định thi hành án dân sự phải có ý kiến của người được thi hành án tự nguyện từ bỏ không yêu cầu hoặc xác nhận đã thi hành thì mới có căn cứ để đình chỉ nhưng cơ quan thi hành án không xác định được địa chỉ của người được thi hành án nên không thể lập biên bản với họ được.
Để khắc phục những bất hợp lý trên, ĐB đề nghị giữ nguyên quy định ra quyết định theo đơn yêu cầu của người được thi hành án dân sự trong Luật thi hành án dân sự năm 2008.
Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), khó khăn vướng mắc trong công tác thi hành án hiện nay không phải là cơ quan nào ra quyết định đưa bản án ra thi hành mà vướng mắc tồn tại là trong quá trình tổ chức thi hành án. “Nếu chúng ta giao trách nhiệm cho tòa án có quyết định đưa bản án ra thi hành thì phải tính đến tính khả thi, hiệu lực thi hành khi tòa án ra quyết định. Nếu tính khả thi, hiệu lực không cao mà giao cho tòa án thì vô tình làm hạ thấp vai trò của tòa án”.
Ông Học nhấn mạnh, nếu chúng ta giao cho tòa án có trách nhiệm ban hành quyết định đưa bản án ra thi hành nhưng không giao quyền yêu cầu, quyền giám sát cho tòa án thì việc ra quyết định của tòa án không phát huy tác dụng.
Đề cập đến “nỗi đoạn trường” trong thi hành án, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) dẫn dụ, có những người 5, 7, 10 năm sau chết mà vẫn chưa được thi hành án, vì sự trì trệ của những bên có liên quan. Do đó, ĐB đề nghị luật này phải có một số thống nhất để khắc phục tình trạng này để làm cho nhân dân khôi phục niềm tin trở lại đối với hoạt động tư pháp.
ĐB Nghĩa cũng cho hay, việc thi hành án không chỉ là trách nhiệm của các bên đương sự, là trách nhiệm của cả cơ quan thi hành án mà nếu để trì trệ, cản trở việc thi hành án thì chính anh phải bị chế tài.
Mặt khác, những người có liên quan như ngân hàng, những nơi biết thông tin, biết tài sản của các đương sự thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu họ phải cung cấp và phải có trách nhiệm hợp tác. Nếu họ không cung cấp, không hợp tác thì phải có chế tài, thậm chí là chế tài hình sự.
“Cản trở thi hành án là một tội hình sự, kể cả án đó là án dân sự” – ĐB Nghĩa nhấn mạnh.