Đất nền đang dần vắng khách
Từng là “phân khúc vua” lúc bất động sản lên “cơn sốt”, song khi thị trường hạ nhiệt, đất nền đang dần vắng khách.
Nhà đầu tư rụt rè
Sau khi thắng chứng khoán dịp cuối năm 2021, anh Lê Văn Trường (ngụ tại quận 3, TP.HCM) muốn tranh thủ đầu tư sang bất động sản, cụ thể là phân khúc đất nền, nhằm “lướt sóng” kiếm lời. Nhưng sau thời gian tham khảo thông tin và trao đổi với môi giới, anh quyết định không đầu tư để bảo toàn nguồn vốn.
Lý do là, giá đất tại những khu vực vùng ven của TP.HCM như quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức) hay các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… hiện neo ở mức cao. “Nếu đầu tư, phải xác định để thời gian dài, khoảng 5 năm, thì mới có lãi. Chưa kể, có nhiều mảnh mua bán chằng chịt, không rõ ràng, đầu tư vào có khi mất hết vốn”, anh Trường nói.
Cũng “rủng rỉnh” nguồn tiền, chị Trần Thanh Nga (ngụ tại quận 12, TP.HCM) bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào đất nền nhằm kiếm lời. Chị cho biết, từ cuối năm ngoái, tuần nào, chị cũng được nhóm bạn rủ đi xem đất nền thổ cư ở Long An, Đồng Nai, Bình Phước, xa hơn là Tây Ninh... Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thủ tục pháp lý và giá cả các khu đất, chị Nga cũng… rút lui.
Chị Nga cho biết, tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), sau khi có thông tin huyện sẽ được quy hoạch lên thành phố trực thuộc tỉnh, giá đất tại khu vực này tăng nhanh. Có những vị trí, như dọc Tỉnh lộ 824 (xã Hựu Thạnh), giá đất tăng gấp đôi chỉ trong 5 tháng, từ 5,2 triệu đồng/m2, lên 11,8 triệu đồng/m2. Giá đất tăng nóng, lo sợ rủi ro, nên chị không đầu tư.
Doanh nghiệp gặp khó
Ông Hà Vũ Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Thành Nam (doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong mảng phân phối đất nền) chia sẻ, doanh nghiệp môi giới lo nhất là không có hàng để bán, nhưng khi có hàng mà khách hàng lại ngại “xuống tiền”, thì chính là lúc việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó.
“Lúc này, doanh nghiệp chỉ mong cầm cự, giữ chân được nhân viên, chứ không nghĩ tới lợi nhuận”, ông Thắng nói.
Tương tự, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đức Linh Real chia sẻ, thị trường bất động sản hiện nay gần như không có thanh khoản. Dòng tiền bị đứt gãy khiến các sàn giao dịch gặp nhiều khó khăn.
“Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn, tâm lý từ lãnh đạo đến nhân viên đều ít nhiều hoang mang, dao động. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi bỏ cuộc. Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, chúng tôi đang tập trung chăm sóc các khách hàng cũ, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, hợp tác với các đối tác khác để có nguồn hàng mới”, bà Linh chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường đất nền gặp khó được ông Huỳnh Hữu Tường, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư môi giới bất động sản VP chỉ ra là thiếu thông tin minh bạch. Theo ông Tường, thông tin trên thị trường rất đa dạng và phong phú, nhưng tin tức tiêu cực bao giờ cũng thu hút sự chú ý của khách hàng hơn. Không ít khách hàng lấy lý do thị trường khó khăn, giao dịch chậm… để từ chối mua, đòi lấy lại tiền đặt cọc, cho dù đã được cung cấp đầy đủ thông tin về chủ đầu tư, quy hoạch và pháp lý dự án.
Bên cạnh đó, việc vay vốn gặp nhiều khó khăn hơn, nên nhu cầu đầu tư cũng sụt giảm. Khó khăn ở đây không chỉ là việc ngân hàng hạn chế cho vay, người mua nhà khó tiếp cận nguồn vốn, mà còn ở việc lãi suất tăng cao đột ngột. Nếu như trước kia, ngân hàng cho vay với lãi suất trung bình 7 - 7,2 %/năm, thì nay tăng lên hơn 10%/năm, đặc biệt là khách hàng phải mua thêm một số sản phẩm “đi kèm”, thì ngân hàng mới xem xét giải ngân.
Chưa kể, giá đất liên tục tăng, việc gom đất để phân lô bán nền cũng không còn thuận lợi như trước khi chính quyền các địa phương siết chặt hoạt động này. Dù vậy, đây cũng là những động thái cần thiết để thị trường đất nền phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Đáng chú ý, chỉ có 410 nền được tiêu thụ, sức cầu thị trường chỉ ở mức 48%. Tỷ lệ tiêu thụ giảm đáng kể so với các tháng trước đó (giảm 6% so với tháng 6 và giảm 26% so với tháng 5).
Về giá bán, giá đất nền tại thị trường sơ cấp ở Long An dao động từ 15,6 đến 31,9 triệu đồng/m2, tại Đồng Nai khoảng 16,5 - 49,7 triệu đồng/m2, tại Bình Dương khoảng 16,8 - 25 triệu đồng/m2.
Giá bán trên thị trường thứ cấp tăng phổ biến ở mức 7 - 11% so với cuối năm 2021. Điểm đáng lưu ý là, thanh khoản trên thị trường thứ cấp đã sụt giảm, kể cả với những dự án đã có sổ cho từng nền. DKRA cho rằng, nguyên nhân phần lớn đến từ động thái tăng cường kiểm soát tín dụng. Dự báo, trong những tháng tiếp theo, nguồn cung và lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm.
Thị trường bất động sản như tơ vò, cạn nguồn vốn dễ dãi, đầu cơ hết cửa 'diễn'
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại giống như mớ tơ vò, giá thì loạn, người nói tăng, người nói giảm. Bất động sản đầu cơ giai đoạn tới đây gần như hết đất diễn…
Theo Báo Đầu tư