Đào tạo nghề không thể từ "ngọn"
Nghề phổ cập trong dân
Tại các địa phương triển khai Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, các cấp chính quyền đều xác định và ý thức được tầm quan trọng của Đề án. Công tác chỉ đạo thực hiện được đưa xuống các xã, với phương châm “cho chiếc cần câu chứ không cho con cá”, đào tạo nghề để người dân dùng nó cải thiện đời sống.
Hòa Bình là tỉnh miền núi, dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nhiều, vì vậy công tác dạy nghề, tạo việc làm được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Hiện tại, tỉnh đã có 36 cơ sở dạy nghề, trong đó 35 cơ sở đã được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, một số cơ sở có cách làm sáng tạo, hiệu quả như Trung tâm dạy nghề huyện Tân Lạc. Thời gian đầu, do ý thức việc đào tạo là khó khăn đối với người dân vì phải đi lại, nhiều người không mặn mà tìm đến các lớp học, trung tâm đã chủ động lựa chọn nghề đưa về tận thôn, bản đào tạo. Lớp học dệt thổ cẩm đến nay bước đầu thu hiệu quả khá, người dân đã có kiến thức, am hiểu hơn về nghề và ứng dụng vào sản xuất nâng cao năng suất, đảm bảo cuộc sống.
Sau 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được 714 lớp dạy nghề cho gần 20.000 LĐNT, trong đó gần 19.000 người đạt yêu cầu, với trên 15% LĐNT là người dân tộc thiểu số và hơn 13% LĐNT thuộc diện hộ nghèo. Với ngành nông nghiệp, sau học nghề lao động đã vận dụng kiến thức vào sản xuất cây trồng, chuyên canh cây công nghiệp…
Theo số liệu báo cáo, toàn thành phố Hà Nội sau 3 năm triển khai Đề án số lao động được đào tạo là hơn 11.000 người, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo khá, đạt 70%, nhiều nghề phi nông nghiệp như mây tre giang đan, sơn mài, khảm trai… thu hút sự quan tâm khá lớn của LĐNT.
Bắc Cạn thuộc khu vực Miền núi Trung du phía Bắc, chương trình đào tạo nghề theo Đề án Chính phủ được tỉnh triển khai hết sức khẩn trương. Theo thống kê kế hoạch thực hiện năm 2012 của Sở NN – PTNT, tỉnh Bắc Cạn thực hiện đạt 100% kế hoạch đề ra, trong cả số lớp dạy nghề và số học viên theo học. Xã Quang Thuận – huyện Bạch Thông là một trong những xã dẫn đầu tỉnh về đào tạo nghề cho LĐNT nhằm xóa đói giảm nghèo. Xã đã mở lớp dạy chuyên canh cây lương thực, cây ăn quả, như trồng cam, quýt cho năng suất cao.
Theo thống kê của Sở LĐ - TBXH Hà Tĩnh, số LĐNT được đào tạo nghề là phụ nữ chiếm hơn 74% tổng số LĐ học nghề của tỉnh. Kết quả đáng mừng là sau khóa học, có 65% LĐ cho biết thu nhập của gia đình họ tăng lên, 78% LĐ có việc làm ổn định. Năm 2012, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện Đề án đào tạo nghề đạt kế hoạch đề ra.
Còn xa rời thực tiễn địa phương
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đang triển khai còn gặp phải không ít những khiếm khuyết cần khắc phục như: nhiều cơ sở đào tạo không đủ học viên để mở lớp, nhiều lớp lại quá số học viên quy định, nghề đào tạo ra người dân không sử dụng được, … gây nên sự lãng phí, đào tạo thừa nguồn nhân lực và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thực hiện đề án.
Tỉnh Lạng Sơn, hưởng ứng Đề án đào tạo nghề LĐNT, tỉnh đã mở lớp dạy trồng nấm và nghề cơ khí tại xã Hữu Khánh – Lộc Bình với số lượng học viên lớn trên 100 người, do chưa tìm hiểu kĩ thị trường và đầu ra cho sản phẩm nên sản xuất ra không tiêu thụ được. Chỉ sau thời gian ngắn duy trì, ứng dụng kiến thực học vào thực tiến nhưng không đạt hiệu quả, người dân đã không còn mặn mà với nghề, điều này khiến cho việc mở lớp và triển khai Đề án 1956 của Chính phủ gặp khó khăn.
Tại tỉnh Phú Yên, việc làm cho lao động sau quá trình học nghề cũng gặp phải khó khăn, lao động đào tạo ra không xin được việc do nghề tại địa phương rơi vào hoàn cảnh thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất do chủ yếu nhập từ các tỉnh khác nên bị phụ thuộc, nghề cắt may công nghiệp cũng không dễ để lao động tìm được việc làm do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn thua lỗ. Kết quả không khả quan này là do khâu khảo sát thực tiễn nhu cầu học nghề của LĐ địa phương làm chưa được tốt.
Đề án đào tạo nghề cho LĐNT ngoài dạy những nghề sẵn có tại địa phương, người lao động còn được học nghề mới theo chương trình đào tạo nghề. Một số địa phương triển khai dạy nghề mới cho lao động như Thanh Hóa, ... Tuy nhiên, đây là vướng mắc trong quá trình học cũng như ứng dụng thực tiễn, bởi thời gian học cho mỗi nghề chỉ kéo dài 3 tháng. Chừng đó thời gian vừa để người lao động làm quen và tiếp thu kiến thức là không dễ. Vì thế, sau quá trình học nghề, nhiều người không tự tìm được việc làm cho bản thân, dẫn đến lãng phí kinh phí cho việc đào tạo.
Trao đổi với PV bà Đào Thị Hương Lan – Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo – Vụ tổ chức cán bộ (Bộ NN – PTNT) bày tỏ: “Đề án đào tạo nghề của chúng ta thực hiện theo chiều từ trên xuống, các cấp chính quyền Trung Ương chỉ đạo địa phương thực hiện, vì vậy nhiều địa phương công tác phối hợp giữa tỉnh, huyện và xã chưa đạt hiệu quả cao. Đề án chưa thực sự đến với người dân, chúng ta đào tạo kiểu trên ngọn, vẫn lựa chọn nghề và cơ sở đào tạo cho người lao động. Phần lớn LĐNT vẫn chưa trực tiếp tìm hiểu Đề án và tự chọn nghề muốn học”.
Thứ trưởng Bộ LĐ – TBXH Nguyễn Ngọc Phi bức xúc nói: “Tôi đi thực tế xuống các xã đã và đang được đào tạo nghề, có huyện ở Thanh Hóa với 3 lớp học, 140 học viên nghe giảng dạy về nuôi cua và thỏ, vậy mà giao cho bao nhiêu con giống thì chết bấy nhiêu. Lý do là không phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương nhưng vẫn đào tạo”.
Thứ trưởng Phi chỉ đạo: “Cần phải kiểm tra và khảo sát địa phương, sát từng cơ sở, từng người học nắm cụ thể nhu cầu, tính chất từng vùng để đào tạo nghề có hiệu quả nhất mới báo cáo Chính phủ được”.
LĐNT chủ yếu là phụ nữ từ 35 – 55 tuổi, họ có nhu cầu học nghề để thay đổi cuộc sống, tuy nhiên, đều quá số tuổi quy định được tham gia đào tạo. Đây là điều chưa hợp lý trong Đề án đào tạo nghề nông thôn. Số lao động trẻ, đủ tuổi tham gia lớp học nghề thì thường rời bỏ quê hương đi làm ăn xa. Số người có nhu cầu thực sự cần học lại vượt quá tuổi quy định và không được đào tạo. Sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tình trạng manh mún, làm theo kiểu truyền thống.