Đào tạo nghề cấp thẻ vẫn "rối tơ vò"
Bộ NN – PTNT xác định, đào tạo nghề bằng thẻ là nhằm tạo ra một môi trường đào tạo cạnh tranh lành mạnh, giúp người học được chủ động lựa chọn. Theo tổng hợp, sau hai năm thực hiện mô hình thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp tại hai tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre đã cấp được 8.935 thẻ học nghề nông nghiệp, trong đó thẻ màu đỏ 3.506 thẻ - chiếm 39,3%, thẻ màu xanh 416 thẻ - chiếm 4,7%, thẻ màu vàng 5.013 thẻ - chiếm 56,1%.
Các nghề đào tạo tại Thanh Hóa và Bến Tre thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản: Kỹ thuật trồng mía, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng lúa năng suất cao; trồng nấm; Nuôi cua đồng; Thuyền trưởng tàu cá hạng IV; Thuyền trưởng tàu cá hạng V; Thuyền trưởng tàu cá hạng nhỏ...
Kế hoạch đề ra của Sở NN - PTNT tỉnh Bến Tre về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2012 là thực hiện 41 lớp dạy nghề nông nghiệp bằng hình thức cấp thẻ cho 1.097 lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, tỉnh mới chỉ thực hiện được trên 62% kế hoạch, cấp 943 số thẻ cho học viên. Tỉnh Thanh Hóa năm 2012 mở được 48/83 lớp học cấp thẻ, số lao động có việc làm sau khi được học nghề của tỉnh Bến Tre đạt tỉ lệ khoảng 70%, một số nghề đạt tỉ lệ xấp xỉ 90%.
Mặc dù số lao động có việc làm sau khi được học nghề của tỉnh Bến Tre đạt từ 70 - 90% nhưng Bộ NN - PTNT vẫn quán triệt, cần phải phát triển hướng đào tạo nghề bền vững, giúp người nông dân sau học có thể tận dụng triệt để những kiến thức được đào tạo, hướng đến nhu cầu thực tiễn của học viên.
Ảnh minh họa: IT |
Thực trạng, việc cấp thẻ học nghề hiện đang nảy sinh những vấn đề gây khó khăn cho người đi học, theo ông Đỗ Thế Hạnh – PGĐ Sở NN - PTNT tỉnh Thanh Hóa: Việc phân thẻ học nghề theo các loại thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ khiến việc quản lý và thẩm định cho đối tượng được ưu tiên đi học là hết sức rối rắm.
Tiếp đến, ông Hạnh chỉ thêm vướng mắc đó là khâu thẩm định hồ sơ còn nhiều rườm rà, thanh khoản kinh phí đào tạo muộn ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT.
Ông Hạnh bày tỏ: Xét duyệt hồ sơ của đối tượng học viên phải trải qua tới 3 – 4 cơ quan thẩm định, chính quyền sở tại, Sở LĐ - TB&XH, Kho bạc nhà nước. Việc xuất kinh phí đào tạo của Bộ Tài chính về địa phương chậm, mức hỗ trợ cho giảng viên đào tạo tại trung tâm thấp, những vướng mắc đó gây khó khăn không nhỏ cho quá trình đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay.
Chỉ ra hạn chế của việc đào tạo nghề bằng thẻ tại địa phương, bà Phan Thị Thu Sương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre nói: Đào tạo nghề bằng thẻ giúp LĐNT chủ động hơn trong khâu đăng ký ngành học, trên địa bàn một xã, người lao động được đăng ký nhiều nghề, nhiều cơ sở dạy nghề khác nhau, nhưng lại gây khó khăn trong tổ chức lớp học, có những nghề không đủ học viên để mở lớp đào tạo đã xảy ra, số lao động học thực chỉ đạt trên 75% số thẻ được cấp.
Thứ trưởng Bộ LĐ – TBXH Nguyễn Ngọc Phi bày tỏ: Cần phải cân nhắc kỹ lại hình thức đào tạo nghề bằng thẻ xem hiệu quả đến đâu, có thực sự tốt để tiếp tục duy trì và nhân rộng hay không, bởi theo kiểm tra có hiện tượng bán thẻ, chuyển nhượng giữa người này với người kia, điều đó gây ra sự lãng phí, tiền hỗ trợ dự án bị sử dụng không đúng. Trách nhiệm của cơ quan chức năng cần phải được nâng cao hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Đăng Khoa chỉ đạo: Hai tỉnh Thanh Hóa và Bến tre cần tổ chức buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn triển khai để hỗ trợ nhau trong quá trình đào tạo nghề. Thẳng thắn nhìn nhận kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT và thí điểm cấp thẻ cho học viên theo học nghề nhằm phát huy mặt tích cực và khắc phục những điểm còn yếu kém để thực hiện hình thức cấp thẻ đạt hiệu quả nhất”.