Danh hiệu thi đua trong trường học: “Sếp chưa có sao tới lượt nhân viên”
Cụm từ “dân chủ” trong trường học là thứ gì đó quá xa xỉ với giáo viên ở hầu hết các cơ sở giáo dục. Khi lấy ý kiến đánh giá trong các sự việc, hầu hết giáo viên đều chọn cách im lặng. Vậy nguyên nhân do đâu?
Hiệu trưởng phải được nhận danh hiệu thi đua đầu tiên
Chia sẻ về vấn đề này, một giáo viên tiểu học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Giáo viên chúng tôi chọn thái độ im lặng cũng là việc cực chẳng đã. Bởi lẽ, giáo viên đều biết rõ, hiệu trưởng sẽ quyết định và là người chấp bút để nhận xét, đánh giá trong hồ sơ công chức nên trong bất kì cuộc họp nào, mỗi khi hiệu trưởng hỏi "thầy/cô có ý kiến gì không?" chúng tôi thường chọn sự im lặng.
Chúng tôi hiểu rằng, dẫu có phát biểu đúng/ sai thì hiệu trưởng vẫn là người quyết định cuối cùng.
Chỉ cần có ý kiến trái chiều thì trong khoảng thời gian ngắn, giáo viên sẽ được thường xuyên kiểm tra hồ sơ, giáo án… Nếu không có sẽ bị lập biên bản về sai phạm trong quy chế thi đua.
Vì thế, nếu muốn nói chúng tôi cũng chỉ dám nói trong một nhóm nhỏ và cũng rất dè chừng vì "bờ vách có tai", "tay chân của hiệu trưởng rất nhiều" biết đâu lời nói lúc ấy đã được thêm "hương vị"”.
Dân chủ trong trường học là vấn đề chưa bao giờ được thực hiện triệt để tại trường học |
Giáo viên này cũng cho biết thêm: “Quan điểm “sếp chưa có sao tới lượt nhân viên” hiện nay đã tồn tại như một bất cập trong môi trường giáo dục.
Điển hình là các danh hiệu thi đua luôn phải để hiệu trưởng nhận trước. Mặc dù xét về thành tích và năng lực thì chưa đủ tiêu chuẩn.
Cụ thể: Theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT về Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục, tại Điều 10, mục 4 có quy định về tỷ lệ “Chiến sĩ thi đua tại cơ sở”: “Chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 15 % số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” của đơn vị.
Trong đó bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý, nếu có số dư thì được làm tròn lên. Thế nhưng trên thực tế năm học vừa qua, Ban giám hiệu của các trường đều đạt Chiến sĩ thi đua.
Trường tôi, có 3 người trong Ban giám hiệu gồm 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó đều được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp quận. Điều này vừa không đúng theo hướng dẫn của Bộ vừa làm cho giáo viên nghĩ sai lệch về Ban giám hiệu (BGH).
Đó là chưa kể Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của hiệu trưởng và hiệu phó chưa bao giờ được phổ biến. Tuy nhiên, hàng năm, mỗi trường học đều có kế hoạch thực hiện các chuyên đề từ cấp tổ đến cấp trường.
Tổ trưởng có nhiệm vụ lên chuyên đề, thực hiện chuyên đề và từng giáo viên trong tổ luân phiên thực nghiệm để đánh giá tính khả thi của chuyên đề. Một chuyên đề có thể thực nghiệm trong một học kì hoặc có thể trong suốt năm học.
Nếu là chuyên đề của trường, BGH sẽ là người đưa ra chuyên đề (lý thuyết), phân công giáo viên trong trường thể hiện. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại, BGH đều giao lại cho các tổ chuyên môn, còn BGH chỉ có trách nhiệm đi dự giờ và nhận xét tiết dạy.
Theo quy định số 65/2014/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi đua, khen thưởng năm 2013, tại điều 4, khoản 1, mục b có nêu “Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận”.
Như vậy, việc để hiệu trưởng hoặc hiệu phó đạt chiến sĩ thi đua thì các SKKN đều phải được ứng dụng vào thực tiễn tại đơn vị, được phổ biến cho giáo viên thực nghiệm. Nhưng thực tế ở trường tôi chưa có một SKKN nào của hiệu trưởng hay hiệu phó đến tay của giáo viên.
Cuối cùng hiệu trưởng, hiệu phó vẫn được xét công nhận Chiến sĩ thi đua, đây là một điều hết sức vô lí”.
Làm sao để đảm bảo tính dân chủ?
Liên quan đến vấn đề này, TS Vũ Thu Hương – Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: “Những hiện tượng về tính mất dân chủ trong môi trường giáo dục gần đây cho thấy việc quản lý của phòng giáo dục cũng như sở giáo dục với nhà trường rõ ràng đã không còn hiệu quả.
Tổ chức công đoàn trong nhà trường đã bị vô hiệu hóa dần dần và trở nên tồn tại hình thức và chỉ có giá trị thăm hỏi giáo viên, cán bộ công nhân viên khi gia đình họ có việc.
Rõ ràng khi quan sát những vấn đề xảy ra gần đây, chúng ta không thấy tổ chức công đoàn nhà trường xuất hiện. Ở các cơ sở, đôi khi tổ trưởng công đoàn do hiệu trưởng phân công và quản lý. Họ lo lắng cho chính công việc và quyền lợi của mình nên cũng rụt rè trong những công việc bênh vực giáo viên”.
TS Vũ Thu Hương cũng cho biết thêm: “Điều đầu tiên cần thực hiện để đảm bảo tính dân chủ trong các trường học là các vụ việc được giáo viên phản ánh cần được giải quyết triệt để, đúng người đúng tội.
Ngoài ra, theo tôi, cần có một quy định rõ ràng về công việc và các vấn đề liên quan của người giáo viên đã đứng ra tố cáo. Nếu có những biểu hiện o ép, gây khó dễ cho người giáo viên đó, hiệu trưởng, hiệu phó hay những người đứng đầu nhà trường sẽ phải chịu mức kỉ luật phù hợp. Điều này sẽ giúp cho tình trạng mất dân chủ ở trường học giảm bớt trong thời gian tới.
Ngoài những việc như tôi nói ở trên, theo tôi, việc luân chuyển giáo viên cho phù hợp cũng là một hình thức làm tăng tính dân chủ ở trường học. Mỗi một giáo viên nên được thay đổi môi trường làm việc từ trường này sang trường khác trong một khoảng thời gian quy định.
Những sự thay đổi môi trường đó cũng sẽ làm cho cuộc sống của những giáo viên tố cáo dễ thở hơn khi họ không bị những hiệu trường bị tố cáo trù dập, kéo bè kéo cánh, gây khó dễ. Khi cuộc sống của họ không phải gắn bó cả đời với một ngôi trường mà có sự luân chuyển thì họ cũng sẽ dũng cảm lên tiếng hơn”.