Đăng ký xét tuyển đại học 2022: Những điều thí sinh không được phép quên
Từ 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến với số lần không giới hạn.
Theo hướng dẫn tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để nhập, sửa, xem thông tin nguyện vọng trên hệ thống.
Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, phương thức ở mọi trường đại học được xếp thứ tự từ một đến hết, trong đó nguyện vọng một là cao nhất. Mỗi em sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký.
Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của các trường, dù đủ điều kiện trúng tuyển vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống. Đây là điểm mới so với những năm trước.
Dành lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ: “Với những điểm thay đổi trong năm nay, các em nên đăng ký thứ tự các ngành mà mình mong muốn nhất rồi đến trường, các ngành mà mình có cơ hội trúng tuyển cao.
Trong đó, lưu ý các nguyện vọng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3,... vì khi xét tuyển, phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên theo thứ tự từ nguyện vọng 1 trở đi”.
Ảnh minh họa |
TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT lưu ý trường hợp thí sinh không đăng ký nguyện vọng nào trong số các nguyện vọng trúng tuyển có điều kiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh sẽ không trúng tuyển các nguyện vọng đã được xét tuyển sớm dù được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển.
Theo kế hoạch, thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 22/7 đến 20/8, TS Phạm Như Nghệ lưu ý, các em được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển và được điều chỉnh nguyện vọng trong mốc thời gian nêu trên.
Việc sắp xếp thứ tự các nguyện vọng do thí sinh tự lựa chọn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Để tránh sai sót khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần thực hiện đúng, đủ, hết quy trình theo hướng dẫn và nộp lệ phí theo quy định; tránh nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển, giữa các mã ngành/nhóm ngành tuyển sinh; giữa các cơ sở đào tạo (đặc biệt là các cơ sở đào tạo có các phân hiệu, hay cơ sở đào tạo ngoài trụ sở chính).
Lưu ý, phải kiểm tra các nguyện vọng xét tuyển và trúng tuyển có điều kiện đã được đăng ký chưa.
Sau khi đăng ký xét tuyển xong, thí sinh cần thoát khỏi hệ thống, đăng nhập lại, in danh sách các nguyện vọng đã đăng ký để kiểm tra, rà soát - đảm bảo các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã được cập nhật hợp lệ trên hệ thống.
Còn bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sự khác biệt trong xét tuyển ĐH năm nay là trong cùng một đợt, thí sinh vừa đăng ký, vừa điều chỉnh, bao nhiêu lần cũng được, không giới hạn.
Điều này diễn ra sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, giúp các em biết rõ khả năng mình có khả năng trúng vào ngành nào, trường nào, theo phương thức nào.
“Thí sinh không được quên việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD&ĐT hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tất cả các nguyện vọng của thí sinh, theo phương thức xét tuyển nào, vào trường nào, ngành nào cũng đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung này. Với việc vừa lọc ảo, vừa xét tuyển cùng một lúc, thí sinh không phải lựa chọn nhập học sớm ở trường nào cả. Điều này khiến cơ hội trúng tuyển vào các trường yêu thích nhất của các em cũng tăng lên”, bà Nguyễn Thu Thủy nói.
Hoàng Thanh