Dàn máy bay ném bom H-6 Trung Quốc xuất hiện ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, các oanh tạc cơ H-6G và H-6J mới triển khai đợt tập trận cường độ cao trên Biển Đông.
Máy bay ném bom H-6 được quân đội Trung Quốc huy động tập trận ở Biển Đông. (Ảnh: AP) |
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc diễn ra sau vài tuần hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ triển khai tập trận ở Biển Đông.
Cụ thể, các máy bay ném bom H-6G và H-6J của quân đội Trung Quốc đã được điều động tham gia diễn tập ở Biển Đông. Nội dung tập trận gồm cất cánh trong đêm, đột kích tầm xa và tấn công các mục tiêu trên biển.
Hôm 30/7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang cho hay, cuộc tập trận là một phần trong hoạt động thường xuyên của quân đội Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực chiến đấu. Tuy nhiên, ông Ren không công bố chính xác địa điểm tổ chức cuộc tập trận và thời gian tiến hành.
Cũng trong ngày 30/7, Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc hé lộ một hạm đội gồm 3 tàu hộ vệ là Liupanshui, Qujing và Meizhou đã tiến hành tập trận ở Biển Đông hồi đầu tháng Bảy.
Quân đội Mỹ - Trung liên tiếp cho triển khai diễn tập ở Biển Đông sau tuyên bố hôm 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Pompeo nhấn mạnh, Trung Quốc đã đưa ra những cơ sở pháp lý không rõ ràng để minh chứng cho tham vọng ở Biển Đông và trong nhiều năm dùng chứng cứ này để bắt nạt các nước Đông Nam Á.
Mỹ từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích những tuyên bố bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thường xuyên điều động tàu chiến di chuyển qua vùng biển chiến lược nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải ở khu vực. Song tuyên bố hôm 13/7 của ông Pompeo được xem là thể hiện thái độ cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc.
“Thế giới sẽ không để Bắc Kinh hành xử trên Biển Đông với tư cách là một đế chế hàng hải”, ông Pompeo nói.
Liên quan tới các cuộc tập trận của hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz của hải quân Mỹ ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc đây là bằng chứng cho “thái độ bá chủ” của Mỹ nhằm phá hoại nền hòa bình và ổn định ở khu vực.
“Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ dừng ngay việc đưa ra những tuyên bố sai trái, dừng các hành động quân sự mang tính khiêu khích ở Biển Đông và dừng khuấy động sự bất hòa giữa các nước trong vùng”, ông Ren chỉ trích Mỹ.
Song hải quân Mỹ nhấn mạnh, “sự hiện diện của hai tàu sân bay ở Biển Đông không phải là phản ứng trước sự kiện chính trị hay sự kiện thế giới cụ thể nào mà là một phần trong chương trình tập trận thường xuyên và nhằm nâng cao khả năng phối hợp chiến thuật. Trong hơn 75 năm, hải quân Mỹ đã triển khai các sứ mệnh của nhóm tác chiến tàu sân bay trong khu vực”.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Nguy cơ đụng độ gia tăng
Theo sĩ quan hải quân Trung Quốc nghỉ hưu Wang Yunfei, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc kế hoạch triển khai tấn công bất ngờ vào các thực thể mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để tăng thêm sự ủng hộ của các cử tri và cơ hội tái đắc cử trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Chia sẻ với đài truyền hình Phoenix của Hong Kong, bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines, có thể là một trong những địa điểm Mỹ cân nhắc tấn công bất ngờ.
Bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển phía tây bắc của Philippines khoảng 230 km. Đây là nơi xảy ra vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Philippinesvào tháng 4/2016. Sau đó, Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough và xua đuổi ngư dân Philippines tới đánh bắt ở ngư trường truyền thống.
Trong khi đó, phán quyết hồi năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế The Huage, Hà Lan cũng đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Tòa trọng tài quốc tế nhấn mạnh, cả ngư dân Trung Quốc và Philippines đều có quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống trong khu vực bãi cạn.
Ông Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam nhận định, nguy cơ xảy ra va chạm tầm gần giữa các tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ - Trung đang gia tăng.
“Cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi Mỹ cho hai nhóm tác chiến tàu sân bay diễn tập. Đây là cách Trung Quốc muốn thể hiện đã có sẵn phương án và năng lực đối phó trước mối đe dọa từ hoạt động của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ di chuyển qua Biển Đông”, ông Koh cho biết.
Cũng theo ông Koh, việc Trung Quốc điều động dàn oanh tạc cơ H-6 tập trận dường như hướng tới “huấn luyện khả năng tấn công trên biển nhắm vào các nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ”.
“Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như hoạt động tăng cường của hải quân Mỹ trong khu vực, chúng tôi dự đoán quân đội Trung Quốc sẽ có thêm động thái phản ứng trước các thách thức”, ông Koh nói.
Minh Thu (lược dịch)