Đắk Nông: Hơn 34 ha đất công giao cho doanh nghiệp sử dụng bị lấn chiếm, cưỡng chế thế nào?
Hơn 34ha đất thuộc sở hữu của nhà nước và được UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) giao cho một doanh nghiệp thuê làm dự án cụm công nghiệp theo quy hoạch hiện đã bị người dân lấn chiếm gần hết.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, toàn bộ diện tích trong Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm có nguồn gốc từ đất lâm trường, thuộc sở hữu và quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên hiện nay đã bị người dân lấn chiếm làm nhà ở kiên cố và trồng cây công nghiệp dài ngày với diện tích 32,8ha/34ha.
Lên kế hoạch cưỡng chế hơn 34 hecta đất công bị lấn chiếm tại cụm công nghiệp Quảng Tâm. |
Thông tin về dự án, UBND huyện Tuy Đức cho biết, vào 1/2/2012, UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận (trụ sở tại TP.HCM) thuê số đất này để làm dự án trong Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép, gây mất an ninh trật tự và khiếu kiện kéo dài.
Ngày 8/11/2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định thu hồi diện tích của công ty này, giao về cho UBND huyện Tuy Đức quản lý.
Hiện nay, Công ty Đại Gia Thuận còn nợ 1,7 tỷ đồng tiền thuê đất, cơ quan chuyên môn xác định công ty này không còn hoạt động nên số tiền này chưa thể thu hồi.
Thống kê của UBND huyện Tuy Đức cho thấy, vào thời điểm năm 2019 mới có 26 căn nhà xây dựng trái phép nhưng hiện tại đã có tới 53 trường hợp lấn chiếm 32,29ha và tạo lập tài sản trái pháp luật.
Theo kế hoạch, trong tháng 8/2022, huyện Tuy Đức sẽ tổ chức thu hồi, cưỡng chế 23 trường hợp vắng chủ hoặc không xác định được đối tượng; đến tháng 9/2022, huyện sẽ cưỡng chế 30 trường hợp còn lại.
Hiện 5 trường hợp đã tự nguyện trả lại đất. Những hộ này có đề nghị chính quyền hỗ trợ tháo dỡ công trình nhà ở, di dời các cây trồng có giá trị sang khu vực khác.
Đắk Nông: Hàng trăm trường hợp lấn chiếm đất rừng thông sẽ bị cưỡng chế
Hàng trăm trường hợp lấn chiếm đất trái pháp luật dọc quốc lộ 28 tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) sẽ bị cưỡng chế trong thời gian tới.
Hải Dương