Đắk Lắk: Nhiều hecta rừng bị "cạo trọc", xã nói rừng được bàn giao trên... giấy!
Gỗ được tập kết thành từng bãi nằm la liệt trong TK 293 |
Hàng chục bãi gỗ “lộ thiên”
Trong ngày 2/8/2017, PV Infonet đã thâm nhập vào tiểu khu 293 (xã Cư M’lan – Ea Súp) để tìm hiểu thực tế.
Hầu hết các bãi gỗ mà PV bắt gặp đều có dấu cắt rất mới |
Tại đây, PV ghi nhận hiện trạng có nhiều ngọn đồi bị “cạo trọc”, hàng trăm khoảnh rừng bị triệt hạ không thương tiếc, hàng chục bãi gỗ lộ thiên nằm la liệt khắp nơi.
Theo một người dân tại hiện trường, khoảng 3 tháng trở lại đây, mỗi ngày có hàng chục người dân mang theo cưa lốc vào cắt hết những cây thân gỗ trên toàn bộ địa phận tiểu khu 293. Đến nay rừng không còn, cây lớn, cây nhỏ đổ ngổn ngang.
Qua quan sát, hầu hết các cây thân gỗ đều bị cưa hạ; rừng chỉ còn lại những bụi rậm và lớp thực vật thân mềm.
Gỗ được tập kết ngay sát đường tuần tra |
Lần theo dấu vết xe, PV bắt gặp hàng chục điểm tập kết gỗ (chủ yếu là gỗ Dầu) nằm ngổn ngang ven các trục đường lớn trong rừng.
Có nhiều điểm tập kết nằm gần Quốc lộ 29, rất dễ phát hiện nhưng không hiểu sao những đống gỗ này vẫn “bình an vô sự”.
Sau khi phát hiện những bãi gỗ trên, PV đã bốc máy gọi cho Bí thư huyện ủy và Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp (phụ trách mảng nông lâm) và Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ea Súp thông báo tình hình trên. Một lúc sau cơ quan chức năng cử người vào quan sát nắm tình hình.
Dân tự do canh tác giữa rừng
Người dân dựng chòi giữa rừng |
Ngoài hiện trạng rừng bị phá tràn lan, PV còn ghi nhận trong lòng tiểu khu 293 có nhiều chòi lán, nhiều nương mì, rẫy ngô. Thậm chí, có nhà dân còn tập kết hàng trăm cây điều giống và trồng lên trên đất rừng.
Băng qua một đoạn đường dài, PV tìm vào một nhà dân ven suối để hỏi thăm. Người được hỏi cho biết, họ đã canh tác trong lòng tiểu khu 293 nhiều năm nay nhưng không có ai cấm cản. Những nương rẫy, chòi lán trong vùng tiểu khu 293 hầu hết đều là anh em trong gia đình của họ.
Khi hỏi về đống gỗ giấu phía ngoài vườn (nghi là gỗ Căm xe), người này cho biết, không phải gỗ của họ mà có một người tới gửi, nhờ cất giùm.
Cây trồng của người dân ươm để trồng trên những diện tích lấn chiếm trái phép |
Sau khi nhận được thông báo của PV, có mặt tại hiện trường một kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Cư M’lan cho biết, do diện tích rừng rộng, lực lượng mỏng nên việc tuần tra gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng hàng chục điểm tập kết gỗ ven đường, kiểm lâm viên này cho biết sẽ báo cáo lên Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp để thuê nhân công, máy móc đưa tang vật về trụ sở.
Xã nói được bàn giao rừng trên... giấy
Theo tìm hiểu, Tiểu khu 293 (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) trước đây được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty TNHH Anh Quốc (gọi tắt là Công ty Anh Quốc) để thực hiện các dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, do Công ty này có nhiều sai phạm nên cuối tháng 2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 404/QĐ-UBND, thu hồi gần 1.200 ha đất tại Tiểu khu 293 giao lại cho huyện Ea Súp quản lý.
Đồng thời, quyết định trên cũng yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, chấm dứt mọi hoạt động của Công ty Anh Quốc trong vùng dự án.
Ông Võ Đình Dũng (bìa trái), cán bộ phụ trách Nông lâm nghiệp xã Cư M’lan |
Sau khi thu hồi, ngoài việc giao lại gần 1.200 ha đất nói trên cho UBND huyện Ea Súp tổ chức quản lý, Quyết định 404 cũng yêu cầu UBND huyện Ea Súp phải chỉ đạo UBND xã Cư M’lan tăng cường công tác quản lý và bảo vệ diện tích đất, rừng theo quy định; thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, rừng trên diện tích được giao; xử lý hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với hành vi xâm hại đất, rừng theo quy định của pháp luật.
Tháng 4/2017, UBND huyện Ea Súp có Quyết định 1428/QĐ-UBND, giao lại cho UBND xã Cư M’lan quản lý toàn bộ diện tích gần 1.200 ha đất tại tiểu khu 293 mà UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi của Công ty Anh Quốc.
Quyết định này nêu rõ: “UBND xã Cư M’lan chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ quỹ đất được giao, không để tình trạng lấn chiếm xảy ra; xử lý nghiêm các trường hợp đã lấn chiếm, chuyển nhượng đất trái phép theo quy định của pháp luật…”.
Trao đổi với PV, ông Võ Đình Dũng, cán bộ phụ trách Nông lâm nghiệp xã Cư M’lan cho biết, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng như trên, xã phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, xã chỉ được bàn giao đất, rừng “trên giấy tờ”. Bởi vậy, ông mong muốn được các cấp đánh giá lại thực địa tại tiểu khu 293, xem phía Công ty Anh Quốc đã để mất bao nhiêu rừng, bao nhiêu đất bị người dân lấn chiếm…
“Đến giờ phút này chưa có cơ quan nào vào kiểm đếm thực tế tại Tiểu khu 293 xem còn bao nhiêu rừng dù rừng này đã giao về cho xã quản lý” - ông Dũng khẳng định.