Đại học Mỹ thổi phồng dữ liệu xếp hạng đại học suốt 20 năm
Khi cung cấp thông tin cho bảng xếp hạng năm 2019, Đại học Oklahoma thông tin tỷ lệ đóng góp tài chính của cựu sinh viên là 14%, nhưng thực tế chỉ 9,7%.
Bảng xếp hạng của tạp chí U.S News dựa trên dữ liệu được cung cấp bởi các trường đại học về tỷ lệ tốt nghiệp, quy mô lớp học, điểm kiểm tra của sinh viên... Tỷ lệ đóng góp tài chính của cựu sinh viên chiếm 5% trong công thức xếp hạng vì thể hiện sự hài lòng của sinh viên, sự cam kết sau khi tốt nghiệp.
Vì dữ liệu sai lệch, tạp chí U.S News cũng loại bỏ trường Oklahoma khỏi bảng xếp hạng trường đại học "có giá trị tốt nhất", trường đại học công lập hàng đầu và trường cao đẳng tốt nhất cho cựu chiến binh.
Khuôn viên Đại học Oklahoma nằm ở bang Oklahoma, miền nam nước Mỹ. Ảnh: CNN |
Trong một tuyên bố gần đây, Đại học Oklahoma giải thích đã phát hiện "việc nhập sai các khoản đóng góp" vào năm 2018 và cung cấp thông tin cho U.S News ngay sau đó.
Hiệu trưởng đương nhiệm của Đại học Oklahoma, Joseph Harroz Jr. nói: "Chúng tôi vẫn tự hào về thứ hạng hàng đầu của một số chương trình của trường, đặc biệt là Tư pháp hình sự, Điều dưỡng và các chương trình cho cựu chiến binh".
Theo Joseph Harroz Jr., nhà trường đã rút kinh nghiệm từ bài học này, đang nỗ lực đạt thứ hạng cho năm 2020 và phản ánh sự xuất sắc, thành công của nhà trường trong công tác giáo dục.
Năm 2018, Đại học Oklahoma xếp thứ 97 trong bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất nước Mỹ. Nhà trường tuyên bố đây là lần đầu tiên được nằm trong top 100. "Sự công nhận này đánh dấu khoảnh khắc lịch sử của trường đại học", David Boren, hiệu trường nhà trường tại thời điểm đó chia sẻ.
Đại học Oklahoma không phải trường hợp duy nhất cung cấp sai dữ liệu. Năm ngoái, U.S News phát hiện trường đại học kinh doanh thuộc Đại học Temple (Mỹ) "nói quá" số lượng người nộp điểm GMAT (bài thi đánh giá năng lực sinh viên muốn học cao học ngành quản trị kinh doanh) để đăng ký năm học 2016-2017. Từ đó, trường nhận được thứ hạng cao hơn thực tế.
Bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất nước Mỹ từng bị chỉ trích bởi các nhà giáo dục đại học. Stephen Joel Trachtenberg, cựu hiệu trưởng Đại học George Washington (Mỹ), cho biết các trường cảm thấy áp lực khi tham gia "trò chơi" xếp hạng.