Đà Nẵng xử lý Trường St. Nicholas: Thêm nhiều câu hỏi về trách nhiệm?
Yêu cầu xử lý xuất phát từ đề nghị của Sở Xây dựng Đà Nẵng
Như tin đã đưa, chiều 18/9, Văn phòng Đoàn ĐBQH–HĐND–UBND TP Đà Nẵng công bố văn bản 1231/VP-VHXH (do Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Hà Nam ký ngày 10/9) thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại cuộc họp giao ban của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng ngày 27/8 về xử lý vướng mắc tại Trường tiểu học, THCS, THPT St. Nicholas (458 Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ).
Trường St. Nicholas không hoạt động "chui" (Ảnh: HC) |
Dư luận Đà Nẵng hết sức quan tâm vụ việc này, vì nảy sinh rất nhiều hệ lụy không chỉ liên quan tới chủ đầu tư Trường St. Nicholas mà liên quan lớn nhất, đặc biệt nhất là những hệ lụy đối với các học sinh từ mầm non đến bậc THPT đang học tại trường này, hệ lụy đối với các phụ huynh đã gửi con em vào một ngôi trường trưng bảng ngay trước cổng là “Trường quốc tế”, hệ lụy đối với đội ngũ giáo viên được tuyển dụng vào giảng dạy tại đây một cách hợp pháp…
Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh vụ việc này. Trước hết, việc lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương “giao Sở GD-ĐT, UBND quận Cẩm Lệ làm việc với đại diện Trường St. Nicholas nghiên cứu, đề xuất phương án chấm dứt hoạt động giáo dục của trường tại công trình số 458 Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng phương án di dời học sinh, giáo viên hoặc xây dựng cơ sở mới đảm bảo đúng quy hoạch, quy chuẩn hiện hành…” chính là xuất phát từ đề nghị của Sở Xây dựng Đà Nẵng.
Cụ thể, tại Công văn số 5798/SXD-QHKT (ngày 30/7/2019), Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng “việc hình thành Trường tiểu học, THCS và THPT St. Nicholas là không đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và Giấy phép xây dựng được cấp” và đề nghị lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo xử lý.
Trách nhiệm của Sở Xây dựng Đà Nẵng ở đâu?
Như Infonet đã nêu trong bài “Đà Nẵng: Hệ lụy từ việc xử lý Trường St. Nicholas, ai chịu trách nhiệm?”, chủ đầu tư của Trường St. Nicholas là Công ty CP đầu tư giáo dục Mudd Harvey Việt Nam đã ký hợp đồng thuê đất và cơ sở vật chất - kỹ thuật xây dựng hoàn chỉnh trên diện tích 1.900m2 tại số 458 Nguyễn Hữu Thọ (quận Cẩm Lệ) của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Bạch Đằng với thời gian thuê 20 năm.
Trong bản tin “Tòa nhà văn phòng biến thành… trường quốc tế” (lúc 20h25 tối 18/9), báo Tuổi Trẻ Online cho hay, tháng 1/2018, Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp phép xây dựng cho Công ty Bạch Đằng xây dựng văn phòng làm việc tại khu đất 458 Nguyễn Hữu Thọ. Tháng 8/2018, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng có công văn thông báo về kết quả kiểm tra, nghiệm thu đưa công trình văn phòng làm việc này (giai đoạn 1) vào sử dụng.
Như vậy có thể nói việc Công ty Bạch Đằng đưa giai đoạn 1 của tòa nhà 458 Nguyễn Hữu Thọ vào hoạt động (cho thuê) là hợp pháp, chứ không phải “công trình được cấp phép xây dựng có quy mô 1 tầng hầm và 9 tầng nổi, nhưng chỉ xây dựng 1 tầng hầm, từ 4-5 tầng nổi, không đúng theo nội dung giấy phép xây dựng” như nêu trong bản tin “Trường St.Nicholas xây dựng không đúng quy hoạch và giấy phép xây dựng” trên báo Đà Nẵng Online lúc 14h04 chiều 18/9!
Cần nói thêm, tháng 2/2018, Công ty CP đầu tư giáo dục Mudd Harvey Việt Nam nộp hồ sơ xin thành lập trường St. Nicholas. “Khi đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT xuống kiểm tra công trình trên thì các bên đưa ra hợp đồng cho thuê 20 năm để xây dựng trường học. Và thực tế kiểm tra bên trong là các phòng ốc được xây dựng như trường học. Từ đó, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ra quyết định thành lập Trường St. Nicholas” – Cũng theo bản tin kể trên của báo Tuổi Trẻ.
Ngày 17/4/2018, UBND TP Đà Nẵng có quyết định cho phép thành lập Trường tiểu học, THCS, THPT St. Nicholas. Tiếp đó, theo đề nghị của Phòng GD-ĐT quận Cẩm Lệ, UBND quận Cẩm Lệ cũng có quyết định cho phép thành lập Trường mầm non St. Nicholas. Và đến tháng 8/2018, Sở Xây dựng Đà Nẵng mới có công văn thông báo kết quả kiểm tra nghiệm thu đưa giai đoạn 1 tòa nhà 458 Nguyễn Hữu Thọ vào sử dụng.
Vậy tại sao khi kiểm tra nghiệm thu, Sở Xây dựng Đà Nẵng không thấy “bên trong là các phòng ốc được xây dựng như trường học”, tức không đúng với nội dung giấy phép được cấp là xây dựng văn phòng làm việc, mà vẫn ra có thông báo cho phép đưa giai đoạn 1 của tòa nhà 458 Nguyễn Hưu Thọ vào sử dụng?
Chẳng lẽTrường St. Nicolasđã bước vào năm học thứ 2 rồi mà các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn không hề kiểm tra, yêu cầu chấn chỉnh tấm bảng "Trường quốc tế" dựng trước cổng trường? (Ảnh: HC) |
Nếu từ lúc đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng không cho phép đưa công trình vào hoạt động vì “không đúng Giấy phép xây dựng được cấp” thì làm gì có chuyện Công ty Bạch Đằng có thể đem tòa nhà 458 Nguyễn Hữu Thọ cho Công ty CP đầu tư giáo dục Mudd Harvey Việt Nam thuê để mở trường học, dẫn tới bao nhiêu rắc rối, hệ lụy như bây giờ?
Và trách nhiệm của Sở GD-ĐT thế nào?
Cùng với đó, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị hồi tháng 2/2018 của Công ty CP đầu tư giáo dục Mudd Harvey Việt Nam, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã kiểm tra thực tế tại tòa nhà 458 Nguyễn Hữu Thọ. Tại sao lúc đó Sở này không thấy “việc hình thành Trường tiểu học, THCS và THPT St. Nicholas (tại số 458 Nguyễn Hữu Thọ - PV) là không đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng”, mà lại tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ra quyết định thành lập Trường St. Nicholas?
Lại nữa, trong bản tin “Đà Nẵng không có trường quốc tế” sáng nay 19/9, báo Đà Nẵng cho biết, cung cấp thông tin cho báo này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng khẳng định trên địa bàn TP hiện không có “trường quốc tế” mà chỉ có 3 trường có vốn đầu tư nước ngoài trong tên gọi có cụm từ quốc tế, gồm: Trường mầm non quốc tế Little giants; Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng; Trường tiểu học, THCS, THPT Quốc tế Hoa Kỳ APU - Đà Nẵng.
Ngoài ra, có 1 trường tư thục trong tên gọi có cụm từ quốc tế là Trường tiểu học và THCS Quốc tế Việt Nam - Singapore. Các trường này đều có vốn đầu tư từ nước ngoài, có sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài và có cả học sinh đến từ các quốc gia khác.
“Riêng Trường St. Nicolas, theo quyết định thành lập, tên gọi của trường là “Trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT St.Nicholas” không gắn kèm chữ “quốc tế”. Vì vậy, nếu trường St. Nicholas cũng như các trường khác tự gắn thêm cụm từ “quốc tế” trong các giao dịch là không đúng với quy định” – Báo Đà Nẵng phản ánh ý kiến của lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng.
Vấn đề là Trường St. Nicholas không chỉ “gắn thêm cụm từ 'quốc tế' trong các giao dịch” mà còn dựng bảng ngay trước cổng với cái tên “Trường quốc tế St. Nicholas”. Chẳng lẽ trường này đã bước vào năm học thứ 2 rồi mà các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn không hề kiểm tra, yêu cầu chấn chỉnh, khiến không ít phụ huynh tin rằng "phải là trường quốc tế mới dám công khai dựng bảng tên như thế" mà gửi con em vào đây, để rồi bây giờ phải đối mặt với việc di dời đi nơi khác?
Đâu là sự hợp lý?
Văn bản 1231/VP-VHXH (ngày 10/9) của Văn phòng Đoàn ĐBQH–HĐND–UBND TP Đà Nẵng chỉ nêu rất chung chung “việc hình thành Trường tiểu học, THCS và THPT St. Nicholas là không đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và Giấy phép xây dựng được cấp” mà không hề giải thích rõ “không đúng” như thế nào?
Dẫu vậy, phải khẳng định Trường St. Nicholas không hoạt động "chui". Ngược lại, họ được các cơ quan chức năng Đà Nẵng kiểm tra, thẩm định, cho phép, hoặc tham mưu lãnh đạo TP quyết định cho phép hoạt động. Và mặc dù đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục rất khó khăn, rủi ro cao… nhưng họ không đòi hỏi ưu đãi của chính quyền TP, không yêu cầu “cấp đất làm dự án giáo dục nhưng sau đó biến tấu thành… đất ở”, mà đi thuê cơ sở của đơn vị khác để mở trường.
Với định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành “một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước” theo Nghị quyết 43-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, lẽ ra chính quyền TP cần tạo điều kiện cho những nhà đầu tư giáo dục như thế này phát triển hoạt động. Đằng này họ lại đột ngột bị yêu cầu chấm dứt hoạt động của Trường St. Nicholas tại số 458 Nguyễn Hữu Thọ.