Đà Nẵng: Nhân nuôi, thả bọ đuôi kìm để sản xuất rau an toàn
Việc thả thử nghiệm bọ đuôi kìm có sự chứng kiến của lãnh đạo Sở NN-PTNT Đà Nẵng, đại diện phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ, phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang, lãnh đạo các địa phương, các HTX rau an toàn và đông đảo bà con nông dân vùng sản xuất rau. Tại các điểm thả thử nghiệm, Chi cục đã triển khai làm các ụ cư trú để tạo điều kiện cho bọ đuôi kìm có nơi cư trú và phát triển tốt.
Điểm thả thử nghiệm bọ đuôi kìm ở vùng rau an toàn La Hường (Ảnh do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng cung cấp) |
Theo ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng, ngày nay, sản xuất trồng trọt đang dần hướng đến sản xuất chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất bảo bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp thì sử dụng thiên địch là một trong những biện pháp sinh học để trừ sâu hại. Đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng thiên địch để quản lý dịch hại, trong đó bọ đuôi kìm là loại thiên địch phổ biến được nhân nuôi và thả ra ruộng để phòng trừ sâu hại trên một số cây trồng.
Bọ đuôi kìm trên cây rau có thể tiêu diệt rệp; trứng và sâu non của sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ… mang lại hiệu quả thiết thực trong phòng trừ sinh vật hại. Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng đã triển khai mô hình nhân nuôi và thả bọ đuôi kìm phòng trừ sâu hại, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu tại các vùng sản xuất rau an toàn nhằm góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ tháng 6/2016, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng đã triển khai thu thập bọ đuôi kìm tại các vùng rau trên địa bàn TP đem về nhân nuôi. Sau 2 tháng, bọ đuôi kìm sinh trưởng và phát triển tốt, việc nhân nuôi bước đầu mang lại kết quả khả quan và mới đây đã được đem ra thả tại hai vùng rau an toàn La Hường và Túy Loan.
Ông Phạm Hồng Vân cho hay, trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng sẽ tiếp tục nhân nuôi bọ đuôi kìm, thả ra đồng ruộng để bổ sung nguồn thiên địch nhằm góp phần hạn chế sâu hại trên cây rau. Đồng thời tiếp tục thu thập các loại thiên địch khác và nghiên cứu quy trình nhân nuôi để làm phong phú nguồn thiên địch trên đồng ruộng để giảm thiểu việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu hại nhằm phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường