Đà Nẵng: Nghỉ học, nghỉ làm toàn thành phố để tránh siêu bão Haiyan (bão số 14)
Trọn cả ngày 10/11, Đà Nẵng sẽ nằm trong vùng tâm siêu bão Haiyan!
Trao đổi với PV Infonet lúc 6h sáng 9/11, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB - TKCN cho hay, theo dự báo mới nhất của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ, từ khoảng 4h sáng 10/11, Đà Nẵng bắt đầu rơi vào bán kính của vùng tâm siêu bão Haiyan với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14 - 15 (tức là từ 150 - 183km/h), giật cấp 16 - 17.
![]() |
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ, gần như cả ngày 10/11, Đà Nẵng nằm trong vùng tâm siêu bão Haiyan |
Sau đó, tâm siêu bão tiếp tục áp sát Đà Nẵng rồi có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc theo các tỉnh Trung bộ với tốc độ 30km/h. Dự báo đến 16h chiều 10/11, "kẻ huỷ diệt" Haiyan di chuyển ra đến Quảng Trị nhưng Đà Nẵng vẫn tiếp tục còn nằm trong bán kính của vùng tâm siêu bão này. Tuy lúc này cường độ bão có giảm xuống nhưng vẫn còn cực kỳ mạnh, lên đến cấp 13.
"Như vậy là gần như trọn cả ngày 10/11, Đà Nẵng nằm trong vùng tâm siêu bão Haiyan. Lúc sáng sớm là cấp 14 - 15, giật cấp 16 - 17, đến chiều tuy bão giảm xuống còn cấp 13 nhưng vẫn hơn cả siêu bão Xangsane mà Đà Nẵng từng hứng chịu cách đây 7 năm, chỉ lên đến cấp 12. Phải đến tối 10/11 thì Đà Nẵng mới có thể tạm ngớt bão!" - ông Huỳnh Vạn Thắng lo lắng nói.
HS nghỉ học, CN nghỉ làm, chợ nghỉ bán...
Trước tình hình này, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, từ sáng 9/11, toàn bộ HS - SV trên địa bàn TP nghỉ học; từ chiều cùng ngày, các nhà máy, xí nghiệp trong các KCN cho công nhân nghỉ làm, các chợ nghỉ bán cho đến khi ngớt bão. Từ sáng ngày 10/11, công an hạn chế đến mức tối đa các phương tiện đi lại trong TP, nhất là các điểm như trước KS Novotel, đường Hàm Nghi, cầu Rồng, và tuyệt đối không cho xe đạp ra đường để tránh thiệt hại về người do gió bão.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chỉ đạo các biện pháp quyết liệt phòng chống bão Haiyan (Ảnh: HC) |
Về vấn đề di dân, ông Văn Hữu Chiến lưu ý trong cơn bão số 11 đã có phần hơi chủ quan. Do vậy lần này phải hết sức tập trung, triển khai kế hoạch đến tận các phường, xã; di dân tại chỗ, từ nhà không kiên cố sang các nhà kiên cố, các công sở, cơ quan cách xa bờ biển ít nhất 500m. Mỗi phường, xã phải biết rõ có bao nhiêu hộ phải di dời và di dời vào đâu, có địa chỉ cụ thể. Các quận, huyện phải quán triệt gấp điều này cho các phường, xã.
Theo kế hoạch, đến 17h chiều 9/11, Đà Nẵng phải hoàn tất việc sơ tán 19.388 hộ với 73.384 người, nhiều nhất là tại quận Liên Chiểu và huyện Hoà Vang, đến nơi an toàn. Ông Văn Hữu Chiến cũng yêu cầu các phường ven biển thuộc các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn phải lưu ý các nhà lụp xụp, dứt khoát không để người dân ở lại trong đó. Xác định cho các hộ dân này biết cơn bão Haiyan cực kỳ nguy hiểm và nếu cần thiết thì phải sử dụng biện pháp cưỡng chế họ sơ tán đến nơi an toàn.
Ông Văn Hữu Chiến cũng giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP khẩn trương thành lập ngay đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. "Khắc phục hậu quả sau bão thì tất nhiên tất cả phải tham gia, nhưng đây là lực lượng để giải quyết những việc nặng nhất, cấp bách nhất, do BĐBP làm chủ chốt với sự tham gia của các lực lượng vũ trang, các đội quân xây dựng tập trung máy móc, thiết bị... để xử lý những vấn đề xảy ra!" - ông Văn Hữu Chiến nói.
![]() |
Xe thông tin lưu động thông báo cho người dân Đà Nẵng biết về diễn biến bão Haiyan (Ảnh: HC) |
Tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu thuyền
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, đến nay Đà Nẵng chỉ còn 18 tàu cá đang hoạt động trên biển, gồm 7 tàu ở Hải Phòng; 10 tàu ở ven bờ và đang vào bờ, 1 tàu với 33 lao động đang ở Trường Sa, vị trí 80 Bắc - 1140 Đông, thuộc khu vực an toàn. Như vậy hiện Đà Nẵng không còn tàu thuyền trên vùng biển nguy hiểm. Tuy nhiên ông Văn Hữu Chiến vẫn yêu cầu Bộ chỉ huy BĐBP TP chỉ đạo cho chiếc tàu đang ở Trường Sa tiếp tục chạy về hướng Nam để tránh xa vùng ảnh hưởng của bão. BĐBP kiểm tra, kiểm soát để đến 17h chiều 9/11, tuyệt đối không còn người ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản.
Trước đó, chiều 8/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có công điện 02/CĐ-UBND chỉ đạo 20 vấn đề cụ thể về phòng chống bão Haiyan. Trong đó đề nghị Bộ chỉ huy BĐBP TP chủ trì phối hợp cùng Công an, Sở NN-PTNT, Sở GTVT, chính quyền các quận Sơn Trà, Hải Châu tổ chức di dời 143 tàu, thuyền neo đậu không đúng vị trí trên sông Hàn về nơi an toàn. Tổ chức neo đậu an toàn cho 1.830 tàu thuyền, chủ yếu ở khu trú bão Thọ Quang và trong vịnh Mân Quang. BĐBP kiểm tra, kiểm soát để đến 17h chiều 9/11, tuyệt đối không còn người ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản.
"UBND các quận ven biển yêu cầu người dân neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định; đối với các trường hợp không chấp hành, nếu có thiệt hại do bão, lũ gây ra, không đề xuất UBND thành phố hỗ trợ. UBND các quận: Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê làm việc với các đơn vị quân đội đề nghị hỗ trợ lực lượng để giúp dân kéo tàu công suất nhỏ (kể cả thuyền thúng) lên bờ và có giải pháp cố định tránh bão!" - Công điện số 02 nêu rõ.
![]() |
Công nhân Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng chặt tỉa cây xanh đô thị trước khi siêu bão Haiyan ập tới (Ảnh: HC) |
Truyền hình cáp chỉ phát các đài có đưa thông tin về bão lũ!
Công điện này cũng chỉ đạo Sở VH-TT-DL yêu cầu các đơn vị có bảng quảng cáo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các trụ, bảng quảng cáo; đặc biệt các trụ, bảng quảng cáo ở khu vực trung tâm TP và bên bờ sông Hàn, hoàn thành trước 17h ngày 9/11. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức sơ tán dân trong khu vực có nguy cơ, hoàn thành trước 19h ngày 9/11 và yêu cầu đơn vị có bảng quảng cáo phải chi trả mọi chi phí liên quan (nếu có). Yêu cầu các cơ sở phục vụ du lịch, đặc biệt các resort, nhà hàng, điểm du lịch ven biển triển khai phòng, chống bão, sóng lơn, có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Đối với Sở Xây dựng, trong trường hợp có tổ chức sơ tán dân ở khu vực quanh công trình có cẩu tháp thì phải hoàn thành trước 19h ngày 9/11. Mọi chi phí liên quan (nếu có) do đơn vị thi công chi trả. Đồng thời, yêu cầu Sở này chỉ đạo Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng có phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện chiếu sáng công cộng; tổ chức khắc phục những hư hỏng sau khi bão tan; chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện làm việc với chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án các công trình đang thi công có hàng rào, giàn giáo, yêu cầu triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn.
Công điện 02 cũng yêu cầu Sở TT-TT làm việc với các doanh nghiệp viễn thông có trạm thu phát sóng di động phải có phương án đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh; trường hợp cần thiết tổ chức sơ tán dân, mọi chi phí liên quan (nếu có) do các doanh nghiệp viễn thông chi trả. Làm việc với các doanh nghiệp truyền hình cáp yêu cầu chỉ phát các đài có đưa thông tin về bão lũ, dừng phát các đài không đưa thông tin về bão, lũ trong thời gian từ ngày 9/11 đến khi bão tan để người dân tập trung chủ động phòng chống bão, nắm biết thông tin và chỉ đạo của chính quyền...