Đà Nẵng: Lập BTC cuộc thi phương án xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn
Theo đó, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng được giao làm Trưởng Ban tổ chức cuộc thi phương án thiết kế đầu tư xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn (gọi tắt là BTC cuộc thi) với các thành viên là đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, đại diện lãnh đạo Sở KH-ĐT, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng.
![]() |
Phương án xây dựng hầm qua sông Hàn do BRITEC đề xuất (Ảnh: HC) |
BTC cuộc thi có nhiệm vụ tham mưu đề xuất kế hoạch thi tuyển, nhiệm vụ thiết kế, quy chế thi tuyển, hội đồng thi tuyển trình UBND TP xem xét, phê duyệt. Thực hiện công tác tổ chức thi tuyển phương án thiết kế đầu tư xây dựng công trình theo kế hoạch thi tuyển được phê duyệt.
Điều hành chương trình cuộc thi; tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội đồng thi tuyển thực hiện hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lưu ý BTC cuộc thi không dùng ảnh hưởng của mình để làm sai lệch kết quả tuyển chọn.
BTC cuộc thi cũng có nhiệm vụ tổ chức trưng bày, triển lãm các phương án dự thi để lấy ý kiến cộng đồng nếu cần thiết theo quyết định của người quyết định đầu tư hoặc có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và kiến trúc. Phối hợp với hội đồng thi tuyển tổ chức công bố kết quả và trao giải.
Trưởng ban tổ chức cuộc thi chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để công tác thi tuyển đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đồng thời có thể thành lập Tổ kỹ thuật giúp việc để thực hiện các nhiệm vụ do BTC phân công nhằm chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức cuộc thi, thống kê, báo cáo... trước, trong và sau cuộc thi.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, ngày 1/7, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã có văn bản 4759/UBND-QLĐTư giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai tổ chức thi tuyển quốc tế về phương án đầu tư xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn, lựa chọn phương án thiết kế tối ưu, phù hợp quy hoạch chung và yêu cầu phát triển của TP, báo cáo kết quả cho UBND TP xem xét, trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy trong quý III/2016.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cho hay, trong cuộc thi tuyển quốc tế này, đưa ra phương án đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn bằng hình thức nào (hầm hoặc cầu...) là tùy các đơn vị tư vấn tham gia dự thi chứ không chỉ hạn chế dự thi phương án xây dựng hầm qua sông Hàn.
Tuy nhiên vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức cuộc thi quá gấp và không thực sự đảm bảo khách quan, công bằng. Do lẽ, ngày 24/6 mới có Thông báo 91-TB-TU ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng; ngày 1/7 UBND TP Đà Nẵng mới có văn bản 4759/UBND-QLĐTư giao nhiệm vụ cho Sở GTVT; và đến ngày 15/7 (nghĩa là đã hết nửa tháng đầu của quý III/2016), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mới có Quyết định 4702/QĐ-UBND thành lập BTC cuộc thi.
Với yêu cầu “báo cáo kết quả cho UBND TP xem xét, trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy trong quý III/2016” thì các đơn vị dự thi chỉ còn vỏn vẹn chưa tới hai tháng rưỡi để khảo sát, đánh giá toàn diện cả về dân số, lưu lượng, tốc độ phát triển... rồi mới ra được phương án dự thi nên làm hầm hay làm cầu, bao nhiêu làn xe là vừa... Như vậy là quá vội vàng, cập rập nên chất lượng cuộc thi khó được như mong muốn!
“Theo kinh nghiệm của tôi, để tổ chức một cuộc thi tuyển quốc tế như vậy thì từ khi có chủ trương đến khi ra kết quả phải mất ít nhất 6 tháng. Thậm chí với một công trình quan trọng như công trình vượt sông Hàn sắp tới thì 6 tháng là không đủ mà có khi phải 1 năm. Với công trình này, theo tôi là cứ thả lỏng cho người ta dự thi chứ không nên vội. Phải bám sát vào yêu cầu phát triển bền vững chứ không thể làm vội được!” – ông Văn Hữu Chiến, nguyên Giám đốc Sở GTVT, nguyên Chủ tịch UBND TP, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Đà Nẵng nói.
Mặt khác, từ ngày 22/12/2015, Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT – Bộ GTVT) đã báo cáo lần đầu tiên với UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành hữu quan về phương án xây dựng hầm chui qua sông Hàn với tổng mức đầu tư 5.600 tỉ đồng, độ dốc của hầm là 5%. Ngày 15/6, họ tiếp tục báo cáo lần 2 với tổng mức đầu tư hạ xuống còn 4.088 tỉ đồng, độ dốc của hầm còn 4%...
Nhiều người rất ngạc nhiên, không hiểu BRITEC lập phương án thế nào mà chỉ qua một lần điều chỉnh đã giảm tổng mức đầu tư tới hơn 1.500 tỉ đồng? Dẫu phương án điều chỉnh vẫn chưa thực sự thuyết phục song rõ ràng ho đã đi trước các đơn vị tư vấn khác tới 6 tháng (nếu tính cả thời gian tổ chức cuộc thi thì họ có tổng quỹ thời gian lên tới 9 tháng), lại đã qua hai lần báo cáo UBND TP Đà Nẵng và đã nhận được sự phản biện của các nhà chuyên môn.
Nếu BRITEC cũng nộp đơn dự thì thì đây thực sự là những lợi thế của họ mà các đơn vị tư vấn khác không thể nào có được khi chỉ có quỹ thời gian chưa tới hai tháng rưỡi, lại chưa từng được báo cáo lãnh đạo TP, chưa từng nhận được ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn và công luận để biết nên điều chỉnh những gì cho phù hợp. Như thế có công bằng giữa BRITEC với các đơn vị tư vấn khác khi tham gia cuộc thi tuyển quốc tế sắp tới của Đà Nẵng?
Trao đổi với Infonet về vấn đề này, KTS Phan Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, với BRITEC thì TP nên mời họ tham gia với tư cách tư vấn lập hồ sơ mời thầu, lập nhiệm vụ cho các đơn vị dự thi, tư vấn mời các chuyên gia có tư cách tham gia Hội đồng giám khảo để chấm chọn được phương án tối ưu nhất... “Nếu họ cũng dự thi sẽ khiến nhiều người nghĩ cuộc thi... có vấn đề, không đảm bảo công bằng với các đơn vị khác!” – KTS Phan Đức Hải nói.
Mặt khác, KTS Phan Đức Hải đề nghị trước khi tổ chức thi tuyển phương án xây cầu hay hầm qua sông Hàn, Đà Nẵng nên tổ chức cuộc thi ý tưởng giải quyết các vấn đề mà Ban Thường vụ Thành ủy đã đặt ra là “kết nối lưu thông hai bờ sông Hàn, chủ động dự báo và giải quyết vấn đề giao thông đô thị TP trong những năm đến, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực phía Bắc quận Sơn Trà”.
Ý tưởng dự thi có thể là cần xây thêm cầu, cũng có thể cần xây thêm hầm, cũng có thể không cần, hoặc trong 5 – 10 năm tới chưa cần xây thêm gì cả mà vẫn giải được các bài toán đã đặt ra, để dành nguồn lực cho những nhiệm vụ khác cấp thiết hơn. Trên có sở lựa chọn được ý tưởng khả thi, hiệu quả và có sức thuyết phục nhất, Đà Nẵng hãy tổ chức thi tuyển phương án cụ thể để triển khai ý tưởng đó thành hiện thực.
Ông Văn Hữu Chiến cũng hoàn toàn ủng hộ ý kiến này và cho rằng nếu tổ chức như thế sẽ không có luồng ý kiến đề xuất nào bị bỏ qua, còn Đà Nẵng lại có cơ hội lựa chọn được phương án tốt nhất cho lâu dài đối với một công trình rất quan trọng, thi công phức tạp, tổng mức đầu tư lớn vì lưu vực sông Hàn ở khu vực này rộng trong khi lại đang có nhiều ý kiến trái chiều.