Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín bị đề nghị đến 8 năm tù
VKS đề nghị cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ. |
Nhận định về hành vi của các bị cáo, VKS cho rằng đây đều là những người có chức vụ quan trọng, nắm và hiểu được các quy định của Luật Đất đai nhưng đã cố ý làm trái quy định.
Riêng cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín là người được giao quản lý lĩnh vực nhà đất, dù biết khu nhà đất số 15 Thi Sách là tài sản công, nhưng khi nhận được công văn đề nghị cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất, ông Tín đã không báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo 09 mà tự ý chấp thuận.
Cũng theo HĐXX, hành vi của các bị cáo không chỉ vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước 6,7 tỷ, đồng thời khiến Nhà nước đến nay chưa thu được 802 tỷ (giá trị quyền sử dụng đất), mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước nên cần xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, HĐXX cũng nhận định ông Tín đã thành khẩn khai báo, tại tòa thể hiện sự ăn năn, hối cải, gia đình cũng đã nộp 1,5 tỷ đồng để khắc phục phần nào hậu quả. Ngoài ra, bị cáo Tín còn có nhiều đóng góp trong công tác nên VKS đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.
Với bị cáo Đào Anh Kiệt, VKS đánh giá là người ký các văn bản tham mưu cho thuê đất, biết sai nhưng vẫn làm, do đó phải chịu trách nhiệm cao nhất tại Sở TN&MT. Theo VKS, bị cáo cũng chưa thể hiện sự ăn năn hối cải, chưa nhìn nhận nghĩa vụ của mình với cấp trên và trách nhiệm với cấp dưới. Với 3 bị cáo còn lại, VKS đánh giá có vai trò đồng phạm.
Từ các nhận định trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tín và Kiệt mức án từ 7-8 năm tù. Bị cáo Thanh và Út từ 5-6 năm tù, bị cáo Chương từ 4-5 năm tù.
Trước đó, trong phần khai báo, ông Tín tỏ ra thành khẩn, nhận trách nhiệm và cho rằng cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội. Bị cáo trình bày về bối cảnh và quá trình sự việc xảy ra, tuy nhiên từ chối đề cập đến các văn bản mật, tuyệt mật có trong vụ án.
Về số tiền 1,5 tỷ đồng gia đình nộp cơ quan điều tra, ông Tín cho biết dù ký (giao đất cho Phan Văn Anh Vũ) với mục đích gì cũng đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước, do đó ông thấy có trách nhiệm đền bù tài sản cho Nhà nước.
“Bị cáo rất đau lòng. Bị cáo đã nói với vợ cố gắng làm sao chạy kiếm tiền để khắc phục lại thiệt hại do mình là người ký văn bản gây ra”, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Trong khi đó, ở phần xét hỏi, cựu Giám đốc Sở TN&MT Đào Anh Kiệt cho rằng “có oan sai’ trong cáo trạng. Theo bị cáo Kiệt, “xuyên suốt chỉ biết đây là mục đích nghiệp vụ an ninh, không biết mục đích thương mại dịch vụ”.
Riêng với số tiền 400 triệu đồng gia đình đã nộp, ông Kiệt cho rằng việc gia đình nộp tiền theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền là đúng, nhưng khi được hỏi quan điểm về số tiền bị cáo nói: “Tôi thấy rất oan ức cho nên không có đền bù gì cả”.
Cùng bị truy tố trong vụ án, ngoài 2 bị cáo trên thì bị cáo Trương Văn Út (cựu phó trưởng Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT TP), Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP) và Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP) cũng nộp mỗi người 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.