Cựu Giám đốc cùng em trai gây thiệt hại trăm tỷ cho ngân hàng
Vụ việc này được VCB phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ nên đã chủ động đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ...
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179 BLHS năm 1999 xảy ra tại Vietcombank (VCB) Chi nhánh Tây Đô.
Vụ án này được khởi tố năm 2015, xét xử sơ thẩm vào tháng 2/2019 với cáo buộc các bị cáo gây thiệt hại cho VCB hơn 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi bản án sơ thẩm bị tuyên hủy để điều tra lại, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát xác định mức độ thiệt hại là hơn 278 tỷ đồng.
Các bị can cùng bị truy tố tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, gồm: Nguyễn Minh Chuyền (sinh năm 1965, nguyên Giám đốc VCB Tây Đô, TP Cần Thơ), Trần Anh Huy (nguyên Trưởng phòng khách hàng, VCB Tây Đô), Phạm Văn Trí (cán bộ VCB Tây Đô), Đỗ Bảo Phương Quế, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Hùng Cường, Lê Tùng Huy, Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Công Trừng, Võ Vũ Bình, Cao Hoàng Thám, Nguyễn Thanh Hùng, Trang Hồng Sơn.
Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến tháng 12/2014, 6 nhóm khách hàng doanh nghiệp (gồm: Nhóm Công ty Trường Nguyên do Lê Tùng Huy làm chủ, nhóm Công ty Nam Sông Hậu do Nguyễn Hùng Cường làm chủ, nhóm Công ty An Đô do Nguyễn Thanh Hùng làm chủ, nhóm Công ty Thép Đông Dương do Trịnh Minh Tú làm chủ, nhóm Công ty Cơ khí Tây Đô do Vưu Minh Tuấn làm chủ, nhóm Công ty Du lịch Đại Dương do Võ Vũ Bình làm chủ) kinh doanh thua lỗ, không có tiền trả nợ gốc và lãi đến hạn cho VCB Tây Đô, nên chủ các nhóm doanh nghiệp nêu trên đề nghị Nguyễn Minh Chuyền cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản để trả nợ.
Tuy nhiên, do sợ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến việc xếp hạng tín dụng của VCB Tây Đô, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân và biết việc đảo nợ chưa có quy định hình thức xử lý cụ thể nên Nguyễn Minh Chuyền đề nghị và được Nguyễn Hùng Cường (em ruột của Chuyền, chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu) đồng ý tiếp nhận Công ty Vĩnh Nguyên; gánh khoản nợ 146,5 tỷ đồng của Công ty Vĩnh Nguyên, và hỗ trợ đầu tư 43,2 tỷ đồng vào Công ty Trường Nguyên, thuộc nhóm khách hàng Trường Nguyên do Lê Tùng Huy làm chủ.
Đồng thời, Nguyễn Minh Chuyền đề nghị Nguyễn Hùng Cường, Lê Tùng Huy, Nguyễn Thanh Hùng, Vưu Minh Tuấn, Trịnh Minh Tú lập mới các công ty hoặc sử dụng pháp nhân chưa có quan hệ tín dụng tại VCB Tây Đô để cho vay. Tiền vay được sử dụng cho trả nợ cho hợp đồng cũ (thực chất là đảo nợ) và một phần cho doanh nghiệp sử dụng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).
Để tiền giải ngân không bị các nhóm chiếm dụng, Nguyễn Minh Chuyền yêu cầu các nhóm doanh nghiệp phải mở tài khoản tại VCB Tây Đô và chỉ đạo cấp dưới phải kiểm soát dòng tiền, yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng tiền giải ngân để thanh toán nợ gốc và lãi đến hạn.
Nguyễn Minh Chuyền, Giám đốc VCB Tây Đô tại phiên tòa sơ thẩm tháng 2/2019. |
Tại các cuộc họp giao ban của VCB Tây Đô, Nguyễn Minh Chuyền chỉ đạo cấp dưới “hỗ trợ” cho các nhóm khách hàng doanh nghiệp được vay vốn tại VCB Tây Đô, không tuân thủ các quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhằm mục đích tạo điều kiện cho nhóm khách hàng này đảo nợ xấu.
Cụ thể, không kiểm tra tính hợp lệ và xác thực của hồ sơ vay, không kiểm tra đối tượng được giải ngân, không kiểm tra việc sử dụng vốn vay, thẩm định qua loa, nâng hạng chất lượng tín dụng cho khách hàng mới thành lập và đề nghị cấp giới hạn tín dụng không đúng quy định, không thẩm định tài sản thế chấp và khả năng trả nợ của khách hàng theo quy định, không họp hội đồng tín dụng mà chỉ lập, ký khống các biên bản cho hợp lệ.
Ngoài hành vi trên, để giúp các Công ty An Đô, Cơ khí Tây Đô, Thép Đông Dương thanh toán khoản vay đến hạn, không xảy ra nợ xấu tại VCB Tây Đô, Nguyễn Minh Chuyền chỉ đạo Trần Anh Huy, Nguyễn Hữu Nghĩa điều tiết 221 tỷ đồng từ nhóm Du lịch Đại Dương đến các nhóm An Đô, Thép Đông Dương, Cơ khí Tây Đô.
Hành vi của Nguyễn Minh Chuyền và các đồng phạm đã vi phạm quy định về cho vay theo quy định tại Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 về xét duyệt cấp tín dụng, vi phạm Điều 6 về nguyên tắc không được cho vay, khoản 1 Điều 14 về hồ sơ vay vốn, Điều 15 về thẩm định và quyết định cho vay, Điều 21 về kiểm tra, giám sát vốn vay theo Quy chế cho vay của các TCTD do NHNN ban hành, gây thiệt hại cho VCB 278,561 tỷ đồng. Hành vi này của các bị can phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD” theo quy định tại Điều 179 BLHS năm 1999.
Trong vụ án này, Chuyền được xác định là người chủ mưu, cầm đầu. Với cương vị là Giám đốc – Chủ tịch Hội đồng tín dụng VCB Tây Đô, để che giấu nợ xấu của 6 nhóm doanh nghiệp, Nguyễn Minh Chuyền đã thỏa thuận trái pháp luật với các doanh nghiệp, cho vay để đảo nợ, một phần sử dụng để SXKD, mặc dù các doanh nghiệp đều trong tình trạng kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ.
Để tạo điều kiện cho các nhóm doanh nghiệp này vay vốn, Nguyễn Minh Chuyền đã chỉ đạo Trần Anh Huy, các bị can khác và đối tượng liên quan làm trái quy định về cho vay, tạo điều kiện cho 33 công ty thuộc 06 nhóm doanh nghiệp vay vốn tại VCB Tây Đô, thể hiện trên 38 hợp đồng tín dụng, gây thiệt hại cho VCB 278,561 tỷ đồng.
Ngân Giang
Agribank rao bán nợ của nhóm khách hàng thế chấp cổ phiếu EVN Finance
Liên tiếp 3 khoản nợ xấu vừa được Agribank thông báo đấu giá trong cùng một ngày với những tên khách hàng khác nhau, đều thế chấp tài sản là cổ phiếu EVN Finance