Cuộc ám sát làm thay đổi lịch sử châu Âu

Năm 1908, đế quốc Áo-Hung bành trướng về phía nam thôn tính Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na (Bosnia và Herzegovina). Sự ngang nhiên này của đế quốc Áo-Hung khiến lòng tự tôn dân tộc của người Xéc-bi-a bị tổn thương nghiêm trọng. Phong trào phản Áo ngày càng dâng cao. Quan hệ giữa đế quốc Áo-Hung và Xéc-bi-a trở nên vô cùng căng thẳng.
Những người dân tộc chủ nghĩa Xéc-bi-a mà tiêu biểu là tổ chức Bàn tay đen (một tổ chức khủng bố thành lập năm 1911 ở Bê-ô-grát) cố gắng giải phóng Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na thoát khỏi ách cai trị của đế quốc Áo-Hung. Trong khi đó, Thái tử Áo-Hung là Phran Phéc-đi-năng lại muốn theo con đường của Hoàng đế Phran Giô-dép I là bành trướng khu vực ảnh hưởng ở Ban-căng, đồng thời tăng sự kiểm soát đối với các dân tộc đang sống dưới ách cai trị của đế quốc Áo-Hung. Tham vọng đó đã khiến Phran Phéc-đi-năng trở thành mục tiêu của tổ chức Bàn tay đen.

Ngày 28-6-1914, đế quốc Áo-Hung tổ chức một cuộc tập trận quân sự tại Bô-xni-a, gần biên giới Xéc-bi-a. Thái tử Phéc-đi-năng mang theo vợ Xô-phi-a đến nơi diễn tập ở Bô-xni-a và ghé thăm Xa-ra-dê-vô, bất chấp tất cả những lời cảnh báo về một âm mưu ám sát ông do những người chủ nghĩa dân tộc cực đoan thực hiện. Thái tử một mặt muốn để người Bô-xni-a nhận thức được sức mạnh to lớn của đế quốc Áo-Hung, mặt khác muốn đem đến cho người vợ của mình cảm giác được tôn trọng. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cùng ngược lại câu chuyện tình như trong cổ tích này.

Cuộc ám sát làm thay đổi lịch sử châu Âu - ảnh 1

Thái tử Phran Phéc-đi-năng

Cuộc ám sát làm thay đổi lịch sử châu Âu - ảnh 2

Ảnh minh họa Thái tử Phran Phéc-đi-năng bị ám sát. Ảnh tư liệu

Tình yêu của Hoàng tử và cô bé lọ lem

Có thể nói Ha-xbuốc là hoàng tộc có thế lực nhất ở châu Âu thời cận đại. Dòng dõi Ha-xbuốc đã cai trị Áo, Bô-hê-miêng và Hung-ga-ri trong nhiều thế kỷ. Trong giai đoạn 1438 - 1806, gần như toàn bộ các hoàng đế của “Đế quốc La Mã thần thánh dân tộc Đức” đều thuộc về dòng họ Ha-xbuốc. Trong thế kỷ XVI - XIX, dòng họ này cũng cai trị các vương quốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhiều phần khác của Bắc I-ta-li-a. Để duy trì quyền lực, triều đại Ha-xbuốc quy định rằng các thành viên hoàng gia chỉ được kết hôn với người trong họ. Với kiểu hôn nhân cận huyết này, các thành viên trong gia tộc Ha-xbuốc đều có một đặc điểm nổi tiếng là môi dưới và cằm của họ nhô ra một cách kỳ dị, đến mức thành đặc trưng “môi cằm Ha-xbuốc”. Đối với những người trong dòng họ Ha-xbuốc, họ lại coi đây là đặc trưng riêng cao quý của dòng họ để hãnh diện. Mặc dù trên thực tế đặc điểm này làm cho khuôn mặt họ hơi giống con khỉ đột.

Phran Phéc-đi-năng sinh ra tại Grát, Áo, là con trai trưởng của Thái tử Áo Kan Lút-uýt (em trai của Hoàng đế Áo Phran Giô-dép). Vào năm 1889, cuộc đời Phran Phéc-đi-năng có bước chuyển ngoạn mục khi người anh họ-Thái tử Ru-đốp (con trai duy nhất của Hoàng đế và Hoàng hậu Phran) tự tử tại lâu đài của mình ở May-ơ-ling, đưa cha của Phran Phéc-đi-năng-Thái tử Kan Lút-uýt trở thành người kế vị ngai vàng. Nhưng Thái tử Kan từ bỏ quyền kế vị. Do đó, trong hoàng tộc Ha-xbuốc, Phran Phéc-đi-năng trở thành người kế ngôi Hoàng đế Áo-Hung một cách hợp pháp.

Không chỉ có dòng họ Ha-xbuốc mà hoàng gia các nước khác ở châu Âu khi đó cũng coi trọng việc kết hôn cùng huyết thống hoặc hôn nhân giữa hoàng thất các nước. Xô-phi-a sinh ra trong một gia đình quý tộc đã sa sút. Mặc dù cũng là bá tước nhưng vì gia tộc nghèo nàn nên bà không được coi là quý tộc. Xô-phi-a làm người giúp việc trong gia đình quý tộc người Áo. Đôi vợ chồng này rất muốn đem con gái yêu của mình gả cho Thái tử Phéc-đi-năng để trở thành bà hoàng hậu trong tương lai. Nhưng Phéc-đi-năng không thích con gái của đại công tước mà lại có cảm tình với cô hầu gái. Ông thường lui tới thăm gia đình này, không phải vì tiểu thư mà là để tìm gặp cô hầu gái đã 30 tuổi. Gia đình quý tộc này vô cùng tức giận nên sa thải Xô-phi-a. Phéc-đi-năng thì vẫn tiếp tục theo đuổi bà. Điều này có thể nói là hiếm thấy ở các bậc đế vương.

Câu chuyện tình này cuối cùng cũng đến tai lão hoàng đế, ông phản đối kịch liệt. Nhưng Phéc-đi-năng rất kiên quyết, một mực bảo vệ cho tình yêu của mình. Cuối cùng, sau hai năm ngăn cản không thành, lão hoàng đế cũng cảm thấy mệt mỏi, phải đồng ý cho Phéc-đi-năng kết hôn. Tuy nhiên, giữa hai người đã có một cuộc thỏa hiệp. Đó là con cái của Xô-phi-a không được kế thừa ngai vàng của đế quốc Áo-Hung. Hoàng tử Phéc-đi-năng bị buộc phải tham dự một cuộc họp nội các bí mật của vương triều Ha-xbuốc. Đứng trước Hoàng đế, Tổng giám mục Áo, Tổng giám mục Hung-ga-ri, các bộ trưởng, Hoàng tử Phéc-đi-năng long trọng thề: “Con cái của tôi và Xô-phi-a không được thừa kế ngai vàng”.

Trong lễ kết hôn, cả dòng họ Ha-xbuốc chỉ có hai người là mẹ và chị gái của Thái tử tham dự. Đến các anh em của Thái tử cũng không tham gia. Mặc dù vậy, hai người vẫn thấy cuộc hôn lễ tràn ngập hạnh phúc. Họ sinh một gái, hai trai nhưng Xô-phi-a không được nhận bất cứ một ngôi vị nào trong hoàng cung, không được ngồi cùng xe với chồng trong các cuộc du hành của hoàng gia, không được tham gia quốc yến, thậm chí còn không được ngồi cùng chồng khi xem Ô-pê-ra. Khi Phéc-đi-năng tham gia nhảy trong vũ hội của cung đình, Xô-phi-a bị sắp xếp vào nhóm phụ nữ có đẳng cấp thấp nhất trong hoàng tộc. Chỉ khi cùng nhau đi ra ngoài, đến các vùng thuộc địa của đế quốc này, họ mới trút bỏ được mọi “xiềng xích” và mới là một đôi vợ chồng thực sự. Cho nên Phéc-đi-năng cảm thấy chỉ đến nơi này mới có thể đem đến cho người vợ của mình cảm giác được tôn trọng.

Vậy là, ngày 28-6-1914, Thái tử Phéc-đi-năng hạnh phúc cùng vợ thực hiện cuộc diễu hành đến Xa-ra-dê-vô.

Ngày đen tối trong lịch sử Xéc-bi-a

Đối với đế quốc Áo-Hung, lựa chọn ngày 28-6 làm cuộc diễn tập quân sự ở Xa-ra-dê-vô là vô cùng sai lầm. Cũng vào ngày này hơn 500 năm trước, trong chiến dịch Cô-xô-vô, Xéc-bi-a đã thất bại thảm hại trước Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói ngày này đã trở thành ngày ô nhục đáng nhớ của quốc gia nên đối với người Xéc-bi-a, đế quốc Áo-Hung lựa chọn ngày này để diễn tập quân sự là thể hiện sự khinh miệt trước nỗi đau của họ. Vì vậy, tổ chức Bàn tay đen kết hợp với Hội thanh niên Xéc-bi-a thực hiện kế hoạch ám sát Thái tử Phéc-đi-năng.

Nhưng vợ chồng Thái tử Phéc-đi-năng không hay biết gì về chuyện này nên “vô tư” làm một chuyến du ngoạn mà không hề cảnh giác.

Buổi sáng hôm đó, Xa-ra-dê-vô nắng chói chang. Đường phố đông đúc, có người vỗ tay, có người chờ đợi trong im lặng. Sau khi xem các bài diễn tập quân sự, vợ chồng Thái tử ngồi xe mui trần (để thể hiện sự thân thiện với công chúng) hướng tới Tòa thị chính. Đột nhiên có tiếng nổ lớn. Có người nói nhìn thấy một vật đen nhỏ bay trong không khí. Đó chính là bom do kẻ ám sát ném. Quả bom này bay qua xe của vợ chồng Thái tử nhưng người lái xe phản ứng nhanh nhẹn, ngay lập tức nhấn ga tăng tốc. Thái tử Phéc-đi-năng cũng nhìn thấy quả bom và đưa tay che theo phản xạ, quả bom bay ra phía sau, cách xe Thái tử một đoạn không xa và phát nổ, làm nhiều người bị thương nhưng vợ chồng Thái tử không sao. Cảnh sát khẳng định thủ phạm là người Xéc-bi-a.

Âm mưu ám sát vẫn chưa dừng lại ở đây. Nhóm người thực hiện kế hoạch ám sát có 6 thanh niên. Ngoài bom, họ còn mang theo súng. Kể từ lúc có người ném bom đến lúc đoàn xe tới Tòa thị chính, xe của vợ chồng Phéc-đi-năng bị ba sát thủ phục kích, đứng lẫn trong dòng người đi dọc theo đoàn xe. Tuy nhiên, chúng đã không có hành động nào. Sau đó, vợ chồng Phéc-đi-năng đến Tòa thị chính và được tỉnh trưởng ở đây là Ô-xca Pô-ti-rếch nghênh đón. Tỉnh trưởng biết vừa có sự cố xảy ra nên trong bài phát biểu chào mừng, ông đã tuyên bố: “Toàn thể nhân dân ở Xa-ra-dê-vô đều vô cùng kính trọng Thái tử và rất lấy làm cảm kích trước chuyến thăm này của ông. Họ cảm thấy chuyện đáng tiếc xảy ra vừa rồi rất vô lý”.

Nếu tại thời điểm đó, Thái tử Phéc-đi-năng kết thúc hành trình của mình thì có thể cái chết đã không đến với ông quá nhanh. Nhưng kết cục lại khác, trong số những người bị thương có cả tùy tùng của mình nên Thái tử kiên quyết đến viện thăm hỏi họ. Đương nhiên đây là tấm chân tình của bậc quân vương với thần dân. Thái tử yêu cầu phu nhân ở lại để tránh nguy hiểm nhưng bà kiên quyết từ chối, nhất quyết đi cùng chồng. Trước sự lo ngại của Thái tử, một quan chức địa phương tự tin khẳng định rằng: Sẽ không có bất kỳ nguy hiểm gì. Ông ta rất hiểu những kẻ cuồng tín Xéc-bi-a. Không ngờ, vị quan chức địa phương này lại chính là người đưa hai vợ chồng Thái tử đến “quỷ môn quan” ở Bô-xni-a. Vậy là đoàn xe của Thái tử lại lên đường.

Đại chiến thế giới bùng nổ!

Có lẽ đã là số phận, chuyến đi Xa-ra-dê-vô đã đặt dấu chấm hết trong cuộc đời Thái tử Phéc-đi-năng. Khi băng qua ngã tư, người lái xe phát hiện mình đã đi lầm đường và cho xe chậm lại, chuẩn bị quay đầu thì ngay lập tức, một sự trùng hợp gây sốc xảy ra. Khi người lái xe quay đầu, chỉ vừa kịp dừng lại vài giây thì có một thanh niên người Xéc-bi-a xuất hiện, đứng ngay đằng trước, chỉ cách xe của Thái tử vài mét. Người thanh niên này tên là Ga-vri-lô Prin-síp, khi đó mới 19 tuổi, là thành viên cuối cùng của tổ ám sát.

Prin-síp nắm bắt cơ hội vàng, cầm khẩu súng lục đứng chặn trước xe rồi bắn. Nếu chiếc xe đang chạy thì viên đạn chưa chắc đã trúng đích. Nhưng trong thời khắc ấy, lịch sử đã thay đổi. Khi xe đang bắt đầu quay trở lại thì máu từ miệng Thái tử Phéc-đi-năng đã trào ra. Phu nhân kêu lên: “Lạy chúa, Thái tử làm sao thế?”. Vừa nói dứt câu, bà cũng bị bắn, đầu gục xuống đầu gối. Quan chức vùng Bô-xni-a đi cùng đoàn xe của Thái tử còn nghĩ rằng hai người họ chỉ bị sốc, không có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng chính Thái tử đã ý thức được rằng mình bị ám sát. Ông nói: “Xô-phi-a thân yêu, Xô-phi-a thân yêu, đừng chết! Vì con của chúng ta, nàng phải sống!”.

Lúc này mọi người bắt đầu chạy lại, vây quanh Thái tử, tìm xem ông bị thương ở đâu. Thái tử cắn răng. Bởi vì là quân nhân nên ông liên tục nói: “Không sao, không sao!” để trấn an mọi người. Tuy nhiên, vợ chồng Thái tử Phéc-đi-năng sau đó vài phút đã chết. Viên đạn đã bắn rất chính xác. Đánh giá về Thái tử Phéc-đi-năng cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Có người nói ông tham lam độc ác. Nhưng cũng có người nói Phéc-đi-năng là người có tư tưởng khai sáng. Ông ta thậm chí còn muốn cho người Xéc-bi-a thuộc quyền quản lý của Đế quốc Áo-Hung được quyền phát biểu. Hôm nay, ông ta lại bị chính người Xéc-bi-a bắn chết. Sự thực thật trớ trêu!

Khi sát thủ chuẩn bị nhằm súng vào đầu mình thì bị mọi người vây lại khống chế. Trước đó, anh ta đã uống một chai xy-a-nua để tự tử, nào ngờ chai thuốc độc đã hết hạn sử dụng. Prin-síp muốn thoát khỏi cảnh sát, định nhảy xuống sông tự vẫn nhưng con sông quá cạn nên cả ba con đường đến với cái chết của anh ta đều không thành công.

Do Prin-síp chưa đủ 20 tuổi nên không thể kết hắn vào tội tử hình theo pháp luật của địa phương. Prin-síp bị phán 20 năm tù giam. Hắn còn nói bản thân không có ý định ám sát Xô-phi-a, cái chết của bà làm cho hắn rất ân hận. Ngày 28-4-1918, hắn chết trong nhà giam vì bệnh viêm phổi.

Tin vợ chồng Thái tử Phéc-đi-năng bị ám sát truyền về Viên, lập tức gây nên sự phẫn nộ. Khi đó lão hoàng đế đế quốc Áo-Hung đã 83 tuổi. Ông vốn không ưa đứa cháu trai này nhưng vẫn thấy đau đớn vì đã chứng kiến quá nhiều cái chết bất thường đến với những người thân: Con trai tự sát, một người anh em của ông đến Mê-hi-cô làm hoàng đế bị bắn, người anh em khác sau khi từ bỏ danh hiệu công tước đã mất tích bí ẩn. Thảm hại nhất là người vợ bị ám sát, hung thủ lại là người vô chính phủ có bệnh về thần kinh. Hoàng đế gọi thư ký riêng của ông đến và căn dặn một câu như thế này: “Khi sức mạnh càng tăng thì phải củng cố lại trật tự. Than ôi! Đây là điều mà ta khó có thể làm được”.

Lão hoàng đế hoàn toàn không ngờ rằng, vì muốn khôi phục lại trật tự mà đã có một cuộc chiến tranh thế giới đầy bi thảm xảy ra.

Ngày 28-7-1914 đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Xéc-bi-a. Sự trả đũa của Áo-Hung với Xéc-bi-a đã dẫn tới một loạt các liên minh quân sự tạo nên phản ứng dây chuyền các hành động tuyên chiến trên khắp lục địa, Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ!

Nguồn: HỒNG NHUNG (Quân đội nhân dân)

Khoảnh khắc lính dù Nga bắn hạ UAV 'khủng' của Ukraine

Một lính dù Nga đã tìm được cách dùng súng ngắn bắn hạ thành công một máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ của Ukraine.

Video Nga công phá 2 hệ thống tên lửa Mỹ ở tây nam Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video quay cảnh quân đội nước này tấn công, phá hủy 2 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo ở vùng Odessa, tây nam Ukraine.

Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành ‘khắc tinh’ của F-16 ở Ukraine

Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.

Nga hé lộ phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm ngắn Komar

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Komar của Nga cung cấp khả năng phòng thủ tầm ngắn cho tàu chiến nhỏ và tàu hỗ trợ có lượng giãn nước lên tới 50 tấn.

Nga lần đầu ra mắt xuồng không người lái tại triển lãm quốc phòng

Nga vừa ra mắt xuồng không người lái “Vizir”, “Orkan”, “BEK-1000” tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế FLEET-2024.

Video UAV Nga phóng lưới 'tóm gọn' UAV của Ukraine

Quân đội Nga đã triển khai loại máy bay không người lái (UAV) mang tên Setkomet có khả năng phóng lưới để "bắt" các UAV của Ukraine.

FPV Nga truy đuổi, hạ gục xe tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong đêm

Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga kể lại vụ truy đuổi, tấn công phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine vào ban đêm.

Video lữ đoàn biệt kích Ukraine vô hiệu hóa xe tăng ‘mai rùa’ Nga bằng UAV

Chỉ với những chiếc UAV cảm tử, Lữ đoàn biệt kích biệt lập số 71 Ukraine đã khiến xe tăng ‘mai rùa’ của Nga hư hại nặng.

Video Ukraine phóng tên lửa nước ngoài, phá hủy S-400 của Nga ở Donetsk

Quân đội Ukraine đã phóng tên lửa đạn đạo ATACMS, phá hủy hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga ở khu vực Donetsk.

Video HIMARS Ukraine bắn nổ pháo ‘cuồng phong’ Nga

Đòn tấn công của hệ thống HIMARS Ukraine ngay lập tức tạo ra vụ cháy lớn cho pháo BM-27 Uragan Nga, trước khi vụ nổ thứ cấp phá hủy khí tài này.

Đang cập nhật dữ liệu !