Cử nhân môi trường bỏ hết công việc khởi nghiệp với xe bánh mỳ vỉa hè, thu nhập 60 triệu đồng/tháng
Chị Trần Thị Khánh Ly (35 tuổi, quê Đắk Lắk) từng làm tư vấn môi trường với mức lương 3 triệu đồng/tháng, sau đó nghỉ việc để bán shop quần áo trước khi quyết định bỏ tất cả để khởi nghiệp với xe bánh mì kebab vỉa hè.
Lương 3 triệu/tháng, suýt đổ nợ vì bán shop quần áo
Dùng hết số tiền tích góp trong 2 năm sau khi ra trường, chị mở một cửa hàng quần áo thời trang với số vốn vài chục triệu. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, chị lại phải thanh lý toàn bộ cửa hàng vì thiếu kinh nghiệm kinh doanh, cửa hàng vắng khách. Ôm thùng quần áo thừa mặc dần, chị buồn bã vì vừa thất nghiệp, vừa mất đi khoản tiền tích góp bấy lâu.
Anh Vương Đình Cường (29 tuổi), nhân viên văn phòng, chồng chị trong một lần lướt mạng đã thấy mô hình xe bánh mì kebab của nhà khởi nghiệp 8X Lê Quốc Thạch. Thấy loại bánh mì tam giác lạ mắt, ít có tại Bình Dương, anh Cường động viên vợ thử một lần nữa khởi nghiệp với một lĩnh vực mới trong ngành ăn uống.
Hai vợ chồng hùn nhau được khoảng 20 triệu, quyết định liên hệ để mở một xe bánh mì kebab bán ở vỉa hè. Những ngày đầu bán, hai vợ chồng trầy trật vì nắng mưa, sương gió dãi dầm. Sáng nắng như đổ lửa, chiều giông bão kéo đến bất thình lình đôi khi đổ cả xe bánh mì.
Đi qua những ngày cơ cực, xe bánh mì bắt đầu có khách nhờ vị bánh giòn thơm, vỏ bánh mỏng ăn không ngán, nhân thịt nướng thơm mới mỗi ngày kèm rau tươi thái sợi khiến cho chiếc bánh kebab của hai vợ chồng trở nên hấp dẫn và quen thuộc với thực khách. Từ vài chục ổ/ngày lên đến hơn 100 ổ, sau vài tháng lên 200-250 ổ khiến hai vợ chồng mừng rơi nước mắt.
Sau 1 năm bán ngoài vỉa hè, nhờ lượng khách ổn định, chị Ly quyết định chuyển sang mô hình ki ốt. "Đến năm 2018 mình chuyển sang ki ốt, lượng khách được ổn định như vậy luôn".
Khi cửa hàng bánh mì đang đem lại nguồn thu ổn định, dịch Covid-19 ập tới khiến tình hình kinh doanh chậm hẳn lại. Để tiết kiệm nhân sự và mặt bằng, cửa hàng bánh mì được chuyển thành mô hình cửa hàng thức ăn nhanh. Ngoài kebab, chị bán thêm hai món mới là burger và gà rán. Giá cả hợp lý và hương vị phù hợp với khẩu vị khách hàng địa phương khiến doanh thu cửa hàng dần vực dậy.
"Mô hình mới vừa tăng doanh thu, vừa tăng lợi nhuận cho mình nữa nên mình rất thích mô hình này, luôn đổi mới để bắt kịp thị trường hiện nay. Khách bên mình cũng có thêm nhiều sự lựa chọn nên họ không cần phải tìm một nơi khác để mua đồ ăn", chị Ly chia sẻ.
Thu nhập gấp hàng chục lần, quản lý 10 cửa hàng
Sau 5 năm khởi nghiệp với xe bánh mì vỉa hè, chị Ly đã có thể mỉm cười vì lựa chọn của bản thân. Hiện nay, cửa hàng thức ăn nhanh trên đường 30/4, P. Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương mỗi ngày bán từ 300-400 ổ bánh mì và các loại burger, chưa kể gà rán và đồ uống. Chị có 10 nhân viên part time để làm việc tại cửa hàng.
Anh Cường làm kế toán công ty từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Trước khi đi làm hay tan ca đều tranh thủ qua cửa hàng thức ăn nhanh của vợ để hỗ trợ. Chị Ly cảm động vì có người chồng thấu hiểu, chia sẻ và luôn đồng hành cùng mình trên mỗi lựa chọn trong cuộc đời.
Nhớ lại công việc chuyên môn khi mới ra trường với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng, sau đó ôm cú lỗ vài chục triệu khiến chị khóc ròng vài tháng trời vì buôn bán quần áo, chị Ly đã không còn muộn phiền khi cửa hàng đồ ăn nhanh mỗi tháng đêm về thu nhập trên dưới 60 triệu đồng.
"Sau 5 năm khởi nghiệp, mình cảm thấy rất đúng đắn khi chuyển sang ngành thức ăn nhanh này, đây là quyết định sáng suốt nhất từ trước tới nay của mình", chị Ly chia sẻ.
Hiện nay, không chỉ là bà chủ cửa hàng thức ăn nhanh, chị còn là quản lý các cửa hàng khác trong hệ thống tại Bình Dương, với 10 chi nhánh nhượng quyền khác nhau.
Thư Di